Đối thoại với nhân dân

Đảm bảo sự văn minh, an toàn cho lễ hội

Các hiện tượng phản cảm ở một số lễ hội vừa qua đã gây nhiều tranh luận, bức xúc trong dư luận xã hội. Làm thế nào khắc phục tình trạng này, cũng như giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa Việt? Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh đã làm rõ vấn đề này trong chương trình “Dân hỏi, Bộ trưởng trả lời” trên VTV1, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, TTXVN và một số cơ quan ngôn luận khác.

Siết chặt tổ chức, quản lý lễ hội

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định: Những hình ảnh phản cảm trong một số lễ hội vừa qua đã làm méo mó, xấu đi nét văn hóa truyền thống, khiến dư luận xã hội bức xúc. 

Theo Bộ trưởng, cần phải có sự điều chỉnh để việc tổ chức lễ hội phù hợp với các nguyên tắc. Lễ hội là một phần đời sống văn hóa của người dân, nhưng hoạt động của lễ hội đều có sự chi phối bởi quy định của pháp luật. Do đó, phải đảm bảo cho người dân tham gia lễ hội một cách văn minh, an toàn, tiết kiệm. 

Những phần của lễ hội gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân, các hiện tượng phản cảm, không có tác dụng giáo dục, không đề cao tính nhân văn, sẽ được loại bỏ. 

“Trước nhiều luồng ý kiến, dư luận xung quanh các lễ hội có những tập tục gây tranh cãi như “chém lợn”, “đâm trâu”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố có trách nhiệm tham vấn ý kiến cộng đồng, tổ chức điều tra xã hội học, rà soát các lễ hội, đặc biệt là lễ hội còn duy trì các tập tục gây phản cảm. 

“Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số cơ quan chức năng khác đã ra thông tư hướng dẫn để việc quản lý, sử dụng tiền công đức. Bộ cũng đề nghị các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ, yêu cầu các ban quản lý, thủ nhang, thủ đền cần phải kiểm tra việc này, công bố công khai cho người dân biết về số tiền đóng góp”.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh.

Trên cơ sở đó, tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh thay đổi hình thức tổ chức phù hợp, đảm bảo việc tổ chức lễ hội đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đảm bảo phù hợp với Công ước quốc tế về bảo vệ sự đa dạng văn hóa của UNESCO mà Việt Nam tham gia”, Bộ trưởng khẳng định. 

Bộ trưởng cho biết: Ngay từ đầu mùa lễ hội 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng một số cơ quan liên quan đã tham mưu cho Ban Bí thư ra Chỉ thị 41CT - TW và Thủ tướng Chính phủ ra Công điện 229 CĐ - TTg về tăng cường công tác tổ chức, quản lý lễ hội. 

Trong 2 văn bản này đều nêu rõ: Cần giảm tần suất, thời gian tổ chức, nhất là những lễ hội có quy mô lớn; hạn chế sử dụng ngân sách nhà nước, đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nguồn lực tổ chức lễ hội. Các cán bộ, đảng viên phải gương mẫu chấp hành các quy định về quản lý, tổ chức lễ hội; phê bình và xử lý nghiêm đối với các cán bộ, đảng viên vi phạm. 

Các địa phương tổ chức lễ hội cần tăng cường các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, phong tục, tập quán của từng địa phương; ngăn chặn tình trạng lợi dụng di tích, nơi thờ tự, lễ hội nhằm trục lợi, tuyên truyền mê tín dị đoan và tổ chức các hoạt động trái pháp luật... 

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các địa phương đang nỗ lực thực hiện nghiêm túc 2 văn bản nêu trên, không để xảy ra tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Tăng cường xử lý vi phạm

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh chia sẻ: Bắt đầu từ mùa lễ hội năm 2015, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành chấm điểm công tác tổ chức, quản lý lễ hội ở các địa phương. Để thực hiện việc chấm điểm này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chính thức ban hành tiêu chí và thang điểm đánh giá để các địa phương tự bình xét và gửi về Bộ để đánh giá hàng năm. 

Sáu nội dung trong bộ tiêu chí chính là căn cứ đánh giá, chấm điểm cho các địa phương, bao gồm: Công tác quản lý, xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện hằng năm; quán triệt, tuyên truyền văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, văn bản quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ của Bộ; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội; đảm bảo môi trường an toàn tổ chức lễ hội; tổ chức các hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật và thực hiện thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội tại cơ sở. 

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết: Để việc việc đánh giá, chấm điểm thực sự khách quan, mang lại hiệu quả, thì ngoài sự quyết liệt, sát sao của chính quyền địa phương, còn phải tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm. Mặt khác, báo chí cũng cần nhập cuộc cùng với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong công tác tuyên truyền, giám sát và phản ánh tình hình thực hiện các tiêu chí này trên các phương tiện thông tin đại chúng.


Trọng Thủy


Các hủ tục trong lễ hội cần được loại bỏ
Các hủ tục trong lễ hội cần được loại bỏ

Các hiện tượng trong một số lễ hội dân gian như chém lợn, đâm trâu, treo đầu trâu, cướp lộc, đánh nhau… thời gian qua đã gây nhiều tranh luận, bức xúc trong dư luận xã hội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN