10:06 16/10/2014

Phản hồi không chấm điểm đối với học sinh tiểu học: Phụ huynh vẫn muốn quy ra điểm

Cô Cẩm Tú, giáo viên trường Tiểu học Trần Phú (Ninh Bình) nhận xét: Cái khó nhất khi triển khai phương pháp đánh giá học sinh mới này là sĩ số lớp đông, đây là khó khăn chung của toàn ngành giáo dục chứ không riêng gì một địa phương nào.

Cô Cẩm Tú, giáo viên trường Tiểu học Trần Phú (Ninh Bình) nhận xét: Cái khó nhất khi triển khai phương pháp đánh giá học sinh mới này là sĩ số lớp đông, đây là khó khăn chung của toàn ngành giáo dục chứ không riêng gì một địa phương nào.

Với cách chấm điểm như trước, một buổi sáng giáo viên có thể chấm được nửa lớp học, nhưng với cách làm mới hiện nay, sẽ phải bỏ ra nhiều thời gian hơn.

Đồng thời với những nhận xét này, giáo viên phải là người đưa ra hướng khắc phục cho học sinh yếu kém. Tuy nhiên, nếu phương pháp được áp dụng thành công, điều đầu tiên thấy rõ là sự gắn bó giữa nhà trường và gia đình. Việc đánh giá học sinh không đơn thuần dựa trên kiến thức, kỹ năng, mà còn về đạo đức, phẩm chất của các em. Để quy định này thực sự đi vào “chất” thì cần rất nhiều thời gian thực hiện, đặc biệt là sự thay đổi về tư duy của chính giáo viên, cũng như cách tiếp nhận của phụ huynh học sinh. Bởi không ít phụ huynh vẫn chưa hài lòng với cách nhận xét này. Một số phụ huynh vẫn đưa bài của con ra hỏi giáo viên là: “Với bài nhận xét này con tôi được khoảng bao nhiêu điểm hả cô?” Khi đó, giáo viên lại phải giải thích để phụ huynh hiểu.

Hoặc như ngay chính giáo viên cũng có băn khoăn là phương pháp mới này liệu khi đưa vào thực tế đã đánh giá đúng năng lực học sinh chưa. Tình trạng sĩ số lớp đông, nhận xét còn chưa thấu đáo là điều dễ hiểu. Vì vậy, việc thay đổi đầu tiên phải là giáo viên, nhưng ngành giáo dục cũng cần có những thay đổi về thực tế như: Sĩ số lớp học, thường xuyên tập huấn... thì mới mong phương pháp mới này thành công.

LV (ghi)