10:07 21/10/2014

Phản hồi không chấm điểm đối với học sinh tiểu học - Phải ở lại giờ trưa mới hoàn thành công việc

Mỗi giáo viên tiểu học có 6 đầu vở/học sinh, việc nhận xét các môn học là luân phiên nhau, trong khi trung bình sĩ số lớp là 50 hoặc hơn. Làm một phép nhân đơn giản thì sẽ thấy khối lượng công việc mà một giáo viên tiểu học phải đảm nhiệm.

Cô Nguyễn Hà Thu (giáo viên tiểu học, Hà Nội) cho biết: Mỗi giáo viên tiểu học có 6 đầu vở/học sinh, việc nhận xét các môn học là luân phiên nhau, trong khi trung bình sĩ số lớp là 50 hoặc hơn. Làm một phép nhân đơn giản thì sẽ thấy khối lượng công việc mà một giáo viên tiểu học phải đảm nhiệm.

Trong khi đó, việc nhận xét lại khá mới, chưa có “tiền lệ” và cũng không có hướng dẫn cụ thể, chi tiết nào; mà phụ thuộc vào chính mỗi giáo viên. Bên cạnh đó, nhận xét những học sinh tốt thì dễ hơn là nhận xét những học sinh còn yếu, kém, cần phải cố gắng, bởi phải nhận xét sao cho đúng với bản chất vấn đề, mà lại không làm các con nhụt chí, vẫn phải động viên được các con nỗ lực, vươn lên. Bên cạnh đó, còn phải đưa ra những định hướng để các con phấn đấu. Vì vậy, để hoàn thành việc nhận xét này, những giáo viên tiểu học như tôi đã phải làm việc suốt cả giờ nghỉ trưa, để tới chiều có nhận xét đầy đủ cho các con.

Trước khi triển khai bỏ chấm điểm, trường chúng tôi có 1 tháng thí điểm. Trong tháng đó, các giáo viên gặp nhiều khó khăn: Sĩ số lớp đông, nhận xét làm sao phải thấu đáo, đánh giá đúng năng lực và thuyết phục được phụ huynh. Các tổ chuyên môn đã phải liên tục họp để rút kinh nghiệm. Bên cạnh đó, nhà trường cũng đã tổ chức lấy ý kiến phản hồi của phụ huynh về cách làm mới này, để điều chỉnh dần.

Theo tôi, ngành giáo dục nên đưa ra một hướng dẫn cụ thể hơn nữa, giáo viên cũng cần được tập huấn nhiều hơn trước khi triển khai một quyết định như vậy. Bởi nếu không, có thể dẫn tới tình trạng nhận xét chung chung, hời hợt, do giáo viên quá nhiều việc, hay chưa “nhuần nhuyễn” với cách làm mới này.

 LV (ghi)