11:23 10/11/2011

Phấn đấu giảm bội chi ngân sách xuống dưới 4,8% GDP

Sáng 10/11, Quốc hội họp ở hội trường, thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020;

Sáng 10/11, Quốc hội họp ở hội trường, thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012; thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất 2011-2020; việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Buổi chiều, Quốc hội làm việc ở tổ, thảo luận về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Ưu tiên chi ngân sách cho an sinh xã hội

Sáng 10/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 với tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 740.500 tỷ đồng, nếu tính cả 22.400 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2011 sang năm 2012 thì tổng số thu cân đối ngân sách là 762.900 tỷ đồng và tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 903.100 tỷ đồng.

Các đại biểu Quốc hội thông qua Nghị quyết về Dự toán ngân sách nhà nước năm 2012. Ảnh: Trọng Đức-TTXVN


Theo đó, mức bội chi ngân sách là 140.200 tỷ đồng tương đương 4,8% tổng sản phẩm trong nước (GDP) và dự kiến sẽ phấn đấu tăng thu để giảm bội chi xuống dưới mức 4,8%.

Để đảm bảo thực hiện dự toán hiệu quả, Quốc hội giao Chính phủ tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước theo hướng ưu tiên cho con người, đảm bảo an sinh xã hội; điều chỉnh cơ cấu chi đầu tư phát triển nhằm thúc đẩy chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, khuyến khích thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế trong nước; phối hợp đồng bộ chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, thực hiện nghiêm, có hiệu quả các luật thuế, tăng cường kiểm tra, quản lý chặt chẽ các nguồn thu ngân sách. Đặc biệt là tăng cường quản lý các khoản chi ngân sách nhà nước, nhất là chi đầu tư xây dựng cơ bản, vốn trái phiếu chính phủ, chương trình mục tiêu quốc gia, chống thất thoát, lãng phí...

Không quy hoạch thêm cảng biển

Sau khi thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2012, các đại biểu tiếp tục thảo luận về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 và việc thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng.

Về kế hoạch sử dụng đất 5 năm giai đoạn 2011-2015 và quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020, đa số các đại biểu nhất trí với việc không quy hoạch cảng biển, vì với số lượng cảng biển như hiện nay là phù hợp.

Đối với dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, đa phần các đại biểu đều đồng tình với việc cần tăng đầu tư cho mỗi ha rừng để người dân trồng rừng có thể gắn bó với rừng và sống với nghề rừng. Các đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi), Trương Văn Vở (Đồng Nai), Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định)... có cùng quan điểm đề nghị Chính phủ đầu tư mạnh hơn cho các tỉnh bị ảnh hưởng mạnh mẽ của nước biển dâng và những nơi có độ che phủ rừng thấp đồng thời có những chính sách thuế phù hợp, khuyến khích người dân tham gia trồng rừng. Về cơ chế khoán, mặc dù Chính phủ liên tục tăng giá trị đầu tư trên mỗi ha rừng nhưng thu nhập bình quân của các hộ trồng rừng vẫn rất thấp mới chỉ ở mức 5-6 triệu đồng/năm, như vậy rất khó để người dân gắn bó với rừng và với mức này thì người dân không sống được từ rừng.

Đại biểu Touneh Drong Minh Thắm (Lâm Đồng) đề xuất, hiện đơn giá trồng rừng còn rất thấp, đề nghị phải tăng thêm trượt giá và mức lương tối thiểu theo thời điểm. Về khoanh nuôi tái sinh và bảo vệ rừng cũng cần có chính sách nâng mức khoán quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ cuộc sống của người dân trồng rừng, nhất là người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, trước tình hình khai thác rừng, cần có chế tài nghiêm minh để giữ rừng.

Mức xử phạt hành chính tối đa là 2 tỷ đồng

Chiều 10/11, thảo luận tại tổ về dự án Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhiều đại biểu tán thành tăng mức xử phạt tiền để bảo đảm tính răn đe, phù hợp với thực tiễn đồng thời thực hiện nghiêm các biện pháp khác, tránh trường hợp “phạt cho tồn tại”.

Dự thảo quy định mức xử phạt tiền tối thiểu là 50.000 đồng và tối đa là 2 tỷ đồng. So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính (thi hành từ 2008), mức phạt tiền tối thiểu tăng gấp 5 lần và mức phạt tiền tối đa tăng gấp 4 lần. Theo đại biểu Nguyễn Văn Bình (Hải Phòng), thực tiễn cho thấy chỉ khi các chế tài có đủ sức răn đe và đánh thẳng vào “túi tiền” của người vi phạm thì mới có tác dụng. Tuy nhiên, bên cạnh việc tăng mức xử phạt, Luật cũng cần cụ thể hóa trách nhiệm của người có thẩm quyền xử phạt để tránh tình trạng lạm quyền, lợi dụng nhận hối lộ, “lót tay”; tăng cường hình thức kỷ luật đối với cán bộ vi phạm vì chỉ có như vậy người dân mới thực sự chấp hành pháp luật, tôn trọng vai trò và hình ảnh của cán bộ công quyền. Đại biểu Đào Văn Bình (Hà Nội) cũng cho rằng, hiện nhiều cá nhân, doanh nghiệp cố tình vi phạm bởi tiền phạt chưa đủ sức răn đe, mức phạt quá nhẹ. Bên cạnh mức phạt hợp lý, cần quy định áp dụng nghiêm các biện pháp kèm theo, ví dụ: khôi phục như ban đầu hoặc tháo dỡ công trình xây dựng trái phép...

Theo đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Phòng), Luật cần có tính ổn định, bền vững trong khi giá cả đời sống có biến động nhất định, do đó các quy định liên quan không nên ấn định cứng mức tiền phạt mà giao cho Chính phủ quy định khung (ví dụ 5 năm/lần). Nếu không tính đến yếu tố trượt giá, sợ khi thay đổi thì mức phạt quy định trong Luật lại không còn đủ sức răn đe. Đại biểu Đinh Xuân Thảo, Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng đồng tình cho rằng, mức phạt phải đủ sức răn đe, đáp ứng yêu cầu tình hình hiện nay đồng thời chỉ nên quy định khung hình phạt để tránh việc Luật vừa ra đời đã bị lỗi thời bởi sự trượt giá của đồng tiền. Theo đại biểu, việc phạt cho tồn tại hiện rất phổ biến trong khi mức phạt không đáng kể.

Xung quanh mức phạt tiền, nhiều đại biểu cũng nhất trí việc giao Chính phủ quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 2 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng một hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông, môi trường và quản lý đô thị tại khu vực nội thành của các thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở đề nghị của Hội đồng nhân dân thành phố.

Liên quan đến vấn đề giao cho Tòa án thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, một số đại biểu đồng tình và cho rằng các biện pháp xử lý hành chính là những biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước (trong đó có 3 biện pháp buộc người bị áp dụng phải cách ly khỏi cộng đồng trong thời gian nhất định) do đó, việc áp dụng các biện pháp này cần được Tòa án quyết định theo một trình tự, thủ tục chặt chẽ, bảo đảm khách quan, thận trọng, chính xác.

Thu Hà - Thanh Hòa