11:00 25/11/2011

Phải xóa bỏ bạo lực gia đình

Trong vài thập niên trước, nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) được nhiều người coi là “chuyện vặt” và là “chuyện nội bộ” trong các gia đình.

Trong vài thập niên trước, nạn bạo lực gia đình (BLGĐ) được nhiều người coi là “chuyện vặt” và là “chuyện nội bộ” trong các gia đình. Nhưng ngày nay, nhờ có những cuộc đấu tranh trên các diễn đàn quốc tế, khu vực, đặc biệt là cuộc đấu tranh của phụ nữ vì sự bình đẳng, phát triển, BLGĐ được nhìn nhận như một trở ngại của phát triển và là sự vi phạm nghiêm trọng đối với quyền con người, trong đó có quyền của người phụ nữ.

Phụ nữ, nạn nhân chủ yếu của BLGĐ

Trong gia đình, phụ nữ, trẻ em là hai đối tượng thuộc diện thường xuyên bị BLGĐ tác động. Theo số liệu nghiên cứu quốc gia về BLGĐ đối với phụ nữ tại Việt Nam, được Tổng cục Thống kê và Cơ quan Liên hợp quốc tại Việt Nam công bố năm 2010, cứ 3 phụ nữ đã từng kết hôn thì có 1 người (chiếm 32%) đã từng bị bạo lực về thể chất hoặc tình dục do người chồng gây ra, 58% số phụ nữ được phỏng vấn cũng chia sẻ đã từng bị bạo hành về thể xác, tâm thần và tình dục trong đời.

Ảnh minh họa


Ở Việt Nam, trên 50% trong tổng số 45 triệu lao động là phụ nữ, họ có mặt trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội... Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có bất bình đẳng giới mà người phụ nữ vẫn phải chịu thiệt thòi. Rất nhiều phụ nữ không chỉ bị đánh đập, ngược đãi (bạo hành nhìn thấy được - bạo lực thể chất) mà còn là nạn nhân của bạo lực không nhìn thấy được (bạo lực tinh thần).

Kẻ gây ra bạo lực có thể ở mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, tôn giáo, thành phần xuất thân và trình độ văn hóa. BLGĐ không chỉ vi phạm nghiêm trọng đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm, sinh lý, tình cảm và sức khỏe của người bị hại, ảnh hưởng đến sự phát triển một cách toàn diện của con cái họ. Luật sư Lê Thị Ngân Giang đã ví von một cách hình ảnh rằng BLGĐ là cái nôi của bạo lực xã hội. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, nếu trẻ em phải chứng kiến bạo lực sẽ phát triển không bình thường về mặt tâm lý. Chúng sẽ trở nên hung hãn, lầm lì, không tiếp xúc với người xung quanh. Tệ hại hơn, chúng sẽ có phản ứng với xã hội và có thể trở thành những người gây hại đối với người khác, hay cho chính gia đình tương lai của chúng. Và về lâu dài, đó là mối nguy hiểm rất lớn đối với xã hội.

Trách nhiệm của toàn xã hội

BLGĐ để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng tới xã hội và gia đình. Việc xóa bỏ BLGĐ không phải là trách nhiệm của riêng ai mà là trách nhiệm chung của toàn xã hội và của mỗi cá nhân. Điều này được đề cập rõ trong Luật Phòng chống BLGĐ - bộ luật đã chính thức có hiệu lực từ tháng 7/2008. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, BLGĐ xảy ra ở khắp nơi, nông thôn, thành thị, từ những gia đình nghèo đến những gia đình có học vấn cao, có điều kiện kinh tế. Và không chỉ có nữ giới, ngay cả nam giới nhiều khi cũng là những nạn nhân của BLGĐ, như vụ mẹ và 3 cô con gái đánh một người chồng, người cha ở thành phố Ninh Bình vừa qua là một ví dụ.

Theo ông Hoa Hữu Vân, Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình (Bộ VH,TT&DL), BLGĐ là dạng hành vi đặc biệt, bởi nó xảy ra giữa người thân, trong đó có nhiều điều phức tạp, khó nói. Đặc biệt là trong giai đoạn đầu. Việc một người vợ, người chồng, hay cha mẹ đứng lên tố cáo là rất khó. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, bằng nhiều biện pháp tiếp cận, tuyên truyền cho người dân về Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới..., nhận thức của người dân đã nâng lên, số vụ BLGĐ được phát hiện nhiều hơn. Theo ông Vân, đây chính là bằng chứng sống động để chứng minh Luật đang dần đi vào cuộc sống, đang được các địa phương, đặc biệt là thôn ấp bản và các đoàn thể đã và đang vào cuộc mạnh mẽ. Tuy nhiên, có một thực tế là, vẫn còn có nhiều vụ BLGĐ lớn xảy ra, đó là vấn đề mà cơ quan quản lý nhà nước, các bộ, ngành và chính quyền địa phương cần tiếp tục có những biện pháp chỉ đạo quyết liệt, cụ thể hơn trong thời gian tới. Ông Vân cho rằng, đối với công tác gia đình và đặc biệt là đối với BLGĐ, không chỉ riêng một bộ, ngành nào thực hiện được, mà phải nhiều bộ ngành như Bộ Giáo dục, Bộ Y tế... đều phải vào cuộc, từng bước tuyên truyền, vận động, giúp người dân nâng cao năng lực tự bảo vệ mình.

Hạ Lâm