11:08 12/11/2014

Phải ngăn chặn nạn bạo hành con trẻ

Vụ người mẹ đẻ tàn ác cùng người tình đánh đập đứa trẻ 4 tuổi chấn thương sọ não xảy ra ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) chưa kịp lắng, thì lại xảy ra vụ một bé trai (6 tuổi) ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) bị cha dượng đánh gẫy cả chân lẫn tay... khiến dư luận hết sức phẫn nộ.

Vụ người mẹ đẻ tàn ác cùng người tình đánh đập đứa trẻ 4 tuổi chấn thương sọ não xảy ra ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) chưa kịp lắng, thì lại xảy ra vụ một bé trai (6 tuổi) ở quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh) bị cha dượng đánh gẫy cả chân lẫn tay... khiến dư luận hết sức phẫn nộ. Vẫn biết sẽ có một bản án nghiêm khắc dành cho kẻ dã tâm hành hạ những đứa trẻ vô tội, non nớt, chưa thể tự bảo vệ mình. Nhưng với những người làm cha làm mẹ và dư luận xã hội, những vụ bạo hành nêu trên chắc chắn sẽ còn đọng lại nhiều day dứt và những câu hỏi cần được trả lời.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ những vụ bạo hành trẻ em khiến dư luận bức xúc, lên án xảy ra trong thời gian gần đây. Điển hình như vụ cháu Nguyễn Duy Hùng Anh (10 tuổi) ở xã Ea M'Dróh, huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) bị mẹ kế dùng vật nhọn gây thương tích nặng, phải khâu nhiều mũi; vụ cháu Trịnh Nguyễn Thành Đức (3 tuổi) ở quận 7, TP Hồ Chí Minh, bị cậu ruột châm tàn thuốc vào người rồi bắt em đi ăn xin; vụ cháu Nguyễn Thị Như Ý, mới 9 tháng tuổi ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) bị chính mẹ ruột và ông bà ngoại hành hạ, đánh đập dã man khiến cho khắp cơ thể cháu bị biến dạng... Có thể nói, tình trạng bạo hành, ngược đãi trẻ em ngày càng gia tăng cả về mức độ phức tạp và gây hậu quả nghiêm trọng.

Thật đau lòng, những đứa trẻ đáng ra phải được sự chăm sóc, bảo vệ của gia đình, xã hội thì lại phải gánh chịu những trận đòn roi, ngược đãi dã man. Điều đáng nói, những đứa trẻ bị bạo hành không chỉ đau đớn về thể xác mà còn bị tổn thương về tinh thần. Qua những vụ trẻ em bị bạo hành, rất nhiều người đã đặt câu hỏi: Vì sao các em bị hành hạ trong thời gian dài như vậy mà không bị phát hiện? Vai trò của các cấp chính quyền, đoàn thể, vai trò của các cơ quan bảo vệ pháp luật ở đâu? Điều đáng nói, là những vụ trẻ em bị bạo hành được phát hiện trong thời gian gần đây, phần lớn là từ các cơ quan báo chí.

Trách nhiệm của các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã được quy định trong trong các văn bản pháp luật. Nhưng, trong quá trình thực hiện có một số cán bộ không làm tròn trách nhiệm, thực hiện chưa nghiêm, chưa đầy đủ, kịp thời, đã để xảy ra sai sót. Nguyên nhân có thể là do năng lực yếu kém, thiếu kiểm tra, giám sát; thiếu những quy định, chế tài cụ thể ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Bên cạnh đó, công tác truyền thông, vận động giáo dục tư vấn bảo vệ trẻ em được coi là đóng vai trò quan trọng, cũng chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công tác phòng chống xâm hại trẻ em chưa mang lại kết quả... Điều đó cũng lý giải tại sao tình trạng bạo hành trẻ em chưa được ngăn chặn triệt để.

Để có các giải pháp thật sự hiệu quả nhằm bảo vệ trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em, trước hết các ngành chức năng cần nâng cao ý thức trách nhiệm cũng như trình độ năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em, nhất là ở cấp xã, phường, cụm dân cư. Bên cạnh đó, cần hình thành các dịch vụ xã hội bảo vệ trẻ em có tính hệ thống, liên tục và chuyên nghiệp theo cả hai hình thức công ích và xã hội hoá... Một vấn đề không kém phần quan trọng, là phải xóa đi sự thờ ơ, vô cảm của cán bộ cơ sở, của những người dân ở các địa bàn xảy ra những vụ bạo hành con trẻ. Việc bảo vệ, chăm sóc trẻ phải xuất phát từ tình thương yêu giữa con người với con người, ở thái độ trách nhiệm đối với con trẻ.
Có đẩy lùi được sự vô cảm đang tồn tại trong đời sống xã hội, thì mới hy vọng ngăn chặn được nạn bạo hành, ngược đãi trẻ em.

Yến Nhi