03:06 17/03/2015

Phải mạnh tay với 'đệ tử lưu linh'

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia vừa đề xuất Chính phủ cho phép tịch thu phương tiện đối với người điều khiển ô tô, mô tô sử dụng nồng độ cồn vượt mức cho phép (trên 80mg/100ml hoặc vượt quá 0,4mg/l khí thở). Mục tiêu lớn nhất của đề xuất này chính là bảo vệ tính mạng, tài sản cho người tham gia giao thông và hướng đến một thông điệp đủ sức cảnh báo: Đã uống rượu bia thì không lái xe.

Đội CSGT Chợ Lớn tiến hành đo kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Cơ sở để Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đưa ra kiến nghị trên là do tình hình trật tự an toàn giao thông hiện vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Rất nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra trong thời gian gần đây đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, mà một trong những nguyên nhân là người điều khiển phương tiện sử dụng rượu bia quá đà. Cùng với đó, liên tiếp xảy ra tình trạng chống đối người thi hành công vụ khi bị kiểm tra phương tiện cũng có nguyên nhân xuất phát từ “ma men”... Đáng báo động là đội ngũ lái xe chuyên nghiệp, đáng lẽ phải chấp hành nghiêm, thì lại là đối tượng vi phạm nhiều nhất. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, có tới 70% số vụ tai nạn liên quan đến sử dụng rượu bia, trong đó 55% số ca tai nạn trong lứa tuổi 15-29, lứa tuổi 30-44 là 26%. Trong đợt ra quân kiểm tra nồng độ cồn đối với lái xe mới đây, lực lượng cảnh sát giao thông cả nước đã phát hiện, xử lý, tước giấy phép lái xe đối với 18.600 trường hợp vi phạm.

Thực tế, nhiều người vẫn có quan niệm “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, nên cho phép mình uống rượu bia bất cứ lúc nào, kể cả lúc điều khiển phương tiện xe cơ giới. Các “đệ tử lưu linh” cũng biết rất rõ việc sử dụng nồng độ cồn quá mức cho phép khi điều khiển phương tiện sẽ gây nguy hiểm cho bản thân và người tham gia giao thông, mức phạt sẽ rất nặng, nhưng vẫn cố tình vi phạm. Họ biện minh rằng, dù có chếnh choáng hơi men, nhưng họ vẫn làm chủ được hành vi, làm chủ được tay lái. Còn với cơ quan chức năng, không phải lúc nào cũng có thể kiểm tra, giám sát, xử phạt được những người cố ý tình sử dụng rượu bia khi lái xe, nếu bản thân họ không ý thức rõ tác hại khôn lường của tệ nạn này. Con số rất đáng lưu tâm, dịp Tết Ất Mùi vừa qua, có hơn 60% số ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt - Đức Hà Nội liên quan đến sử dụng rượu bia, trong đó 40% số ca hết sức nguy kịch. Trong khi đó, hiện nay, rượu bia được bán phổ biến, ở quán nước, quán ăn ven đường, ở đâu cũng có thể tiếp cận được rượu bia và sử dụng thoải mái mà không sợ bị kiểm soát. Nói vậy để thấy, cứ sau giờ tan tầm, lượng xe máy, ô tô của các “đệ tử lưu linh” lại chật kín các quán nhậu.

Cũng theo thống kê của cơ quan chức năng, đã có tới 35 văn bản luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư liên quan đến rượu, bia. Nhiều tỉnh, thành phố, cơ quan Trung ương cũng ban hành văn bản nội bộ về hạn chế uống rượu, bia. Tuy nhiên, do chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chỉ dừng ở phạt hành chính nên dẫn đến “nhờn luật”, tình trạng người sử dụng rượu bia điều khiển phương tiện giao thông vẫn không giảm.

Trở lại với đề xuất của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ở khía cạnh nào đó, vẫn còn những ý kiến trái chiều, đặc biệt là những lo ngại về tính pháp lý của nó. Nhưng phải thấy rằng, đó là sự cảnh báo cần thiết, bởi tình trạng lái xe sử dụng rượu bia gây tai nạn giao thông nghiêm trọng là nguy cơ có thật và sẽ trở thành hiểm họa nếu không có biện pháp mạnh để ngăn chặn.   


Y.N