09:07 04/09/2013

Phải lấy học sinh làm trung tâm

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại - “cha đẻ” của mô hình thực nghiệm, người rất tâm huyết với đổi mới giáo dục cho rằng: Nguyên tắc mới của nền giáo dục hiện đại là lấy học sinh làm chuẩn, phục vụ học sinh, tôn trọng học sinh.

GS. TSKH Hồ Ngọc Đại - “cha đẻ” của mô hình thực nghiệm, người rất tâm huyết với đổi mới giáo dục cho rằng: Nguyên tắc mới của nền giáo dục hiện đại là lấy học sinh làm chuẩn, phục vụ học sinh, tôn trọng học sinh.


GS. TSKH Hồ Ngọc Đại:  Lấy trẻ làm chuẩn


Tôi đã đưa ra “Đề cương 9 điểm”, với ba chủ thể làm ba việc, theo ba bước. Cụ thể, ba chủ thể đó là: Học sinh - Thầy giáo - Cha mẹ; ba việc là: Nghiên cứu - Đào tạo - Quản lý; ba bước: Trung ương - Địa phương - Đại trà. Tất cả những việc làm của giáo dục đều vì học sinh. Trong giáo dục, xác định học sinh là nhân vật số 1, nhân vật trung tâm, là “xác”, là “hồn” của nền giáo dục…


Giờ tập viết của học sinh lớp 1 trường tiểu học Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn). Minh Quyết - TTXVN


Tôi cũng đề xuất rút ngắn lộ trình giáo dục phổ thông xuống còn 11 năm, tăng lộ trình giáo dục tiểu học lên 6 năm. Đây là cách làm hợp lý và an toàn, bởi lẽ giữ trẻ 12 năm trong vòng tay gia đình, nhà trường sẽ an toàn hơn là “thả” sớm 1 năm (11 tuổi), và cấp tiểu học chỉ 5 năm như hiện hành. Thế kỷ 21, trẻ con hoàn toàn khác, khác cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Do đó, việc dạy trẻ con hiện đại cũng phải đổi mới cả về lý thuyết lẫn thực hành.


Nguyên tắc mới của nền giáo dục hiện đại là học gì được nấy, học đâu chắc đấy, ai cũng được học và ai cũng học được. Trên lớp, thầy cô không cần giảng giải, học trò không cần học vẹt nhưng vẫn dạy tốt, học chắc đạt được mục tiêu cuối cùng. Vì học để biết, để hiểu, nên không cần điểm số, thi cử để đánh giá, không cần thi đua lấy thành tích. Phương pháp giáo dục mới lấy học sinh làm chuẩn, phục vụ học sinh, tôn trọng học sinh. Dạy trẻ thì hãy lấy trẻ làm chuẩn, giúp trẻ học cái trẻ cần chứ không chỉ là những cái ta có. Tất cả những việc làm của giáo dục đều vì học sinh. Trong giáo dục, học sinh là nhân vật số 1, nhân vật trung tâm.


Chương trình các môn học nên lựa chọn theo nguyên tắc “tối thiểu”, tức là “chỉ chọn dạy những gì không thể không có”. Cái tối thiểu này là cái bắt buộc đối với toàn thể dân cư hiện đại, mục tiêu là để sống bình thường và tốt lên. Phương pháp đảm bảo cho toàn thể dân cư hiện đại là ai làm cũng được, làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm không hưởng và phải làm bằng sức lao động sống của chính mình.


Cần thiết kế giải pháp giáo dục theo hai tiêu chí. Thứ nhất, tùy theo từng lứa tuổi của trẻ em hiện đại. Thứ hai, tùy theo sức lao động cá nhân trên các nấc thang sức lao động hiện đại, có tính toàn cầu. Giải pháp giáo dục buộc phải khả thi, buộc phải có những cái tối thiểu cho đời sống bình thường của từng cá nhân, tất cả dân cư và cả dân tộc. Thực thi các giải pháp giáo dục nên triển khai trước tiên ở cấp Trung ương. Sau đó đưa thành tựu ấy về tỉnh, rồi mới áp dụng đại trà.


PGS. TS Nguyễn Công Khanh, ĐH Sư phạm Hà Nội: Đánh giá học sinh phổ thông bằng năng lực


Đổi mới căn bản toàn diện chương trình, SGK phổ thông từ năm 2015 theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, cần phải tập trung nhiều nhất vào đổi mới cách thức kiểm tra, đánh giá học sinh.


Chúng ta phải xác định, đánh giá vì sự tiến bộ của học sinh trong một quá trình dạy - học, giúp học sinh so sánh phát hiện mình thay đổi thế nào trên con đường đạt mục tiêu học tập của cá nhân đã đặt ra. Học để làm chủ kiến thức, kỹ năng, thay đổi thái độ, tự chủ trong cuộc sống… chứ không phải học vì điểm số. Giáo viên phải hình thành ở học sinh khả năng tự kiểm tra, tự đánh giá, khuyến khích học sinh nỗ lực khám phá tri thức theo cách riêng của mình, kinh nghiệm riêng của mình, bởi mỗi học sinh lại có một lợi thế khác nhau.


Để đánh giá năng lực người học, cũng cần đổi mới cách ra đề thi, nên dành một khối lượng đáng kể cho những câu hỏi đánh giá năng lực của người học. Thiết kế đề thi kiểu câu hỏi mở, để tránh học sinh học tủ, luyện thi. Ngoài những đề thi trắc nghiệm, cũng phải dành một khối lượng tri thức không liên quan trực tiếp đến một chương cụ thể nào trong sách giáo khoa, mà liên quan đến trải nghiệm của người học dưới góc độ tư duy, để gia tăng mức độ phân hóa trong quá trình đánh giá, như năng lực suy luận, năng lực sáng tạo. Kiểu đề thi mở này giúp học sinh có cơ hội thể hiện bản thân, giúp các em bộc lộ những suy nghĩ khác người khác, sáng tạo, tự tin - những năng lực, phẩm chất được mong đợi của một công dân toàn cầu.

 

Th.S Bùi Thị Diển, Viện Giáo dục Việt Nam: Nên nâng độ tuổi vào lớp 1 cho học sinh miền núi


Tôi đã có thời gian tham gia công tác và giảng dạy tại các vùng núi như Hà Giang, Thái Nguyên, Sơn La… Thực tế, trẻ miền núi khi vào học lớp 1 thì tiếng Việt rất kém, thể chất còi cọc, chương trình học hiện hành lại quá sức so với các em. Nhiều em học đến lớp 3, lớp 4, nhưng trình độ chỉ bằng học sinh lớp 1, chưa biết đọc, biết viết. Tình trạng lưu ban, học nhầm, ngồi nhầm lớp ở miền núi là khá phổ biến. Do đó, theo tôi nên nâng độ tuổi vào lớp 1 cho trẻ vùng cao lên 7 tuổi. Tăng độ tuổi sẽ giúp các em có thêm thời gian phát triển về thể lực và trí lực, học tiếng Việt, để đọc thông viết thạo. Ở nhiều nước trên thế giới, họ phân chia giáo dục theo vùng, miền, tùy thuộc vào tính chất từng vùng miền mà có chương trình học, độ tuổi học sinh khác nhau, chúng ta nên học tập theo mô hình đó.



Thu Trang - Thu Hòe