04:09 14/04/2012

Phải gìn giữ “giếng Vua” ở đảo Lý Sơn

Thời gian qua, khi triển khai thi công tuyến kè chắn sóng Đông Nam đảo Lý Sơn, đơn vị thi công đã đào bới, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên trong khu vực “giếng Vua” - một di tích lịch sử có từ thời Chăm pa cổ, gây tác động xấu đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước.

Thời gian qua, khi triển khai thi công tuyến kè chắn sóng Đông Nam đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), đơn vị thi công đã đào bới, phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên trong khu vực “giếng Vua” (Giếng Xó La)- một di tích lịch sử có từ thời Chăm pa cổ, gây tác động xấu đến mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước. Trước việc làm này nhiều người dân thuộc các tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn đã làm đơn đề nghị chủ đầu tư, chính quyền các cấp trong tỉnh, các ngành chức năng của tỉnh cần có biện pháp, giải pháp nhằm bảo vệ di tích có một không hai trên huyện đảo này.


Không chỉ là di tích lịch sử văn hóa, “giếng Vua” còn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân huyện đảo.


Giếng Xó La - trước đây nằm trong xó vùng cây la, nên người dân trên đảo gọi là giếng Xó La. Khoảng một trăm năm trở lại đây, người dân hay gọi là “giếng Vua”, bởi có gắn với truyền thuyết Vua Gia Long có lần ra thăm đảo và đề nghị dân làng phải giữ được giếng này. Giếng nằm ở thôn Đông, xã An Vĩnh trên đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Mặc dù giếng đào cách mặt nước biển khoảng 5 mét, nhưng nguồn nước “giếng Vua” quanh năm không bao giờ cạn, cho dù nắng hạn dài ngày, và đặc biệt nước ngọt đến lạ thường so với hàng trăm giếng nước sinh hoạt của người dân trên đảo.

Ông Phạm Thoại Tuyền, ở thôn Đông, xã An Vĩnh - là hậu duệ đời thứ 5 của Chánh cai đội Phạm Hữu Nhật - Chánh cai đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải, là người chuyên sưu tầm, nghiên cứu về văn hóa, lịch sử ở huyện Lý Sơn, ông từng gắn bó với đảo trên 60 năm nay bức xúc nói: “Việc mở đường làm kè chắn sóng thì chúng tôi ủng hộ, nhưng khi thực hiện dự án cơ quan chủ quản, đơn vị thiết kế, tư vấn phải tính đến quyền lợi, nguồn nước phục vụ cuộc sống của người dân. Đặc biệt, “giếng Vua” không những là di tích lịch sử hàng trăm năm của huyện đảo này, một trong những điểm đến của du khách thập phương khi ra thăm đảo; mà còn là nơi đảm bảo cung cấp nguồn nước sinh hoạt quý hiếm cho nhân dân các xã trên đảo, nhất là mùa nắng hạn hầu như các giếng trên đảo đều cạn kiệt, thì giếng này không bao giờ bị cạn".

Ông Tuyền cho biết thêm: Hiện nay dự án xây dựng tuyến đường nằm trong hệ thống kè chắn sóng Đông Nam đảo Lý Sơn đã được các đơn vị thi công sử dụng nhiều phương tiện, thiết bị máy móc đào ở triền đồi ngay bên trong khu vực "giếng Vua". Các hạng mục công trình đã đào với độ sâu từ 4,5 đến 5 mét và chiều rộng khoảng 10 mét, làm ảnh hưởng trực tiếp đến kết cấu lòng đất và mạch nước ngầm của giếng, lượng nước giếng đang có nguy cơ cạn hoặc bị nhiễm mặn, có thể gây thiếu nguồn nước sinh hoạt cho bà con trên đảo, đặc biệt là vào những tháng mùa hè đang đến gần.

Ông Trần Bút, Chủ tịch UBND xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: Chính quyền xã đã nhận được đơn kiến nghị của nhân dân và xã đã cử cán bộ xuống hiện trường kiểm tra, lập biên bản về thi công tuyến đường làm ảnh hưởng trực tiếp nguồn nước ngầm tại khu vực "giếng Vua". Ông Bút cho rằng, đây là dự án do tỉnh làm chủ đầu tư nên UBND xã chỉ có cách gửi văn bản lên cấp trên đề nghị giải quyết. Trước mắt, xã đề nghị nhà thầu tạm dừng thi công dự án quanh khu vực "giếng Vua" để đảm bảo nguồn nước sinh hoạt vào mùa khô cho bà con trên đảo.

“Giếng Vua” ở Lý Sơn - một di tích lịch sử và là nơi gắn bó, cung cấp nguồn nước ngọt phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cho hàng nghìn người dân trên huyện đảo Lý Sơn hàng trăm năm nay. Do đó, các cấp chính quyền ở Quảng Ngãi và các ngành chức năng trong tỉnh cần có biện pháp và giải pháp gìn giữ, bảo tồn "giếng Vua".

Tin, ảnh: Nguyễn Đăng Lâm