12:13 20/12/2012

Phải chấm dứt khai thác vàng

Nhưng thực tế, các tàu vàng đã bị giải phóng ra địa bàn, còn lại chỉ là những đống đất đá nhô cao giữa dòng sông, hai bên bờ. Mặt khác, máy xúc khoét sâu vào triền sông gây xói mòn rất lớn, chưa kể bao nhiêu chất thủy ngân lọc vàng đổ xuống sông, suối…

Sau buổi làm việc của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu ngày 28/9/2012, UBND huyện Mường Tè đã thành lập tổ công tác và ra quân quyết liệt chấm dứt các hoạt động khai thác vàng sa khoáng, vàng gốc trên địa bàn. Đến thời điểm này các tàu vàng trên dòng sông Đà đã nghiêm túc dừng, tháo dỡ tàu. Tuy nhiên, ở các khe suối và điểm sâu trong rừng vẫn có các cá nhân khai thác trộm, nhất là tồn đọng nhiều mâu thuẫn cần giải quyết.


Tàn phá môi trường…


Sau một thời gian dài tiến hành khai thác, thăm dò vàng “sông bị đào, núi bị khoét” các công ty, doanh nghiệp, cá nhân vì lợi nhuận của bản thân mà chỉ biết thu vàng, không quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Từng con sông, khe suối, ngọn núi ở huyện Mường Tè đang phải gồng mình “chảy máu” kêu cứu.


Đó là kết quả còn sót lại của hơn 40 tàu vàng ngày đêm miệt mài khai thác, thu lợi nhuận trên dòng sông Đà. Điểm vàng gốc trên cạn cũng vậy, hết khoan rồi lại đào, nổ mìn. Nhưng có ai đứng ra để cải tạo môi trường, trả lại nguyên trạng xưa kia?


Dù không có giấy phép ở điểm xã Can Hồ, Công ty KS SPB vẫn chứa bể lớn quặng vàng.


Đúng như lời của cán bộ địa chính xã Kan Hồ, Chè Xé Lòng nói: Nơi nào có vàng, dù ở trong rừng sâu đến mấy cũng có bàn chân con người đặt đến… Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch xã Kan Hồ cho rằng: Việc khai thác vàng có ảnh hưởng tới nguồn nước và môi trường thế nào thì bên cơ quan chuyên môn mới đánh giá cụ thể, chính xác. 


Nhưng thực tế, các tàu vàng đã bị giải phóng ra địa bàn, còn lại chỉ là những đống đất đá nhô cao giữa dòng sông, hai bên bờ. Mặt khác, máy xúc khoét sâu vào triền sông gây xói mòn rất lớn, chưa kể bao nhiêu chất thủy ngân lọc vàng đổ xuống sông, suối mà bà con ở đây chỉ dựa vào nguồn nước này để sinh hoạt…


Chính quyền vào cuộc…


Để thực hiện đúng tinh thần và kế hoạch của tỉnh, huyện Mường Tè đã gửi văn bản tới các cá nhân, đơn vị khai thác, thăm dò vàng yêu cầu dừng hoạt động. Tổ công tác huyện đã đẩy nhanh việc rà soát, kiểm tra các hoạt động khai thác vàng. Thời điểm này, các cá nhân, doanh nghiệp và công ty đều đã hết hạn thăm dò vàng gốc. Nếu còn hiện tượng khai thác, thăm dò thì là hoạt động trái phép cần xử lý nghiêm khắc.


Cá nhân anh Toản ở thị trấn Mường Tè đã từng khai thác vàng ở xã Vàng Sang, sau khi đoàn công tác huyện vào đình chỉ thì anh Toản nghỉ và vận chuyển máy ra khỏi địa bàn. Nhưng anh Toản thắc mắc rằng: Bản thân tôi chấp hành, tại sao các đơn vị khác vẫn được ở lại để khai thác…


Về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND huyện, tổ trưởng tổ công tác huyện cho biết: Huyện đã xây dựng kế hoạch cụ thể, địa bàn rộng nên phải thực hiện từng bước, chủ trương của huyện sẽ giải quyết dứt điểm.


Tại xã Kan Hồ, doanh nghiệp Hoàng Nam được cấp giấy phép đầu tư, có 4 người trông coi lán. Công ty khoáng sản Sao Phương Bắc (Công ty KS SPB) tuy dừng hoạt động, nhưng có 3 cửa mỏ vẫn chưa bị đánh sập, số đất chứa trữ lượng vàng vẫn được quây thành bể lớn, quanh khu vực lán vẫn bị đào bới nham nhở.


Điều đáng nói ở đây, Công ty KS SPB không có giấy phép đầu tư hay thăm dò vàng ở điểm xã Kan Hồ. Như vậy, hoạt động từ lâu nay của công ty này trên địa bàn xã và kể cả hiện nay để lại người trông coi lán là trái phép. Chính quyền vẫn dửng dưng trước việc làm ấy. Qua trò chuyện với anh Đào Thế Huy, người phụ trách trông coi lán của Công ty KS SPB thì được biết, trước có 24 người làm, bây giờ dừng nên chỉ để lại 2 người trông coi.


Ở điểm mỏ Nậm Khá, chỉ còn 5 ngày là hết hạn thăm dò những công ty KS SPB vẫn mở hầm.


Tại điểm thăm dò ở bản Nậm Khá sáng 17/11, chúng tôi vào Công ty Lan Anh. Ông Tô Văn Cần – Phó Giám đốc, phụ trách trực tiếp tại mỏ cho biết: Trước chưa có công văn của huyện là dừng thăm dò thì công ty có 30 công nhân, hiện nay chỉ để lại 8 người trông lán, kho mìn đã niêm phong, các cửa hầm mỏ cũng ngăn rào…


Tại điểm của Công ty KS SPB đang có 37 cán bộ, công nhân tiến hành thăm dò. Giấy phép thăm dò của Công ty này do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp đến ngày 23/11 là hết hạn, nhưng ngày chúng tôi có mặt tại điểm mỏ thì công nhân vẫn mở cửa hầm.


Khi chúng tôi đang thực hiện bài viết thì nhận được thông tin từ ông Nguyễn Đức Hiền, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường: tổ công tác của huyện vào làm việc quyết liệt nên các công ty thăm dò ở điểm Nậm Khá (xã Mù Cả) hiện đã vận chuyển máy móc ra đến bờ sông. Nhưng ngày 4/12, tôi nhận được thông tin của người dân điện ra là vẫn thấy Công ty KS SPB nổ mìn…


Để các cá nhân, đơn vị dừng làm hẳn, tổ công tác huyện phải thường xuyên kiểm tra nghiêm túc ở các điểm thăm dò và khai thác, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành. Chính quyền xã có điểm làm vàng gốc, không tiếp nhận đăng ký tạm trú cho bất kỳ đối tượng làm vàng, nghe phản ánh của người dân rồi báo cáo với huyện giải quyết kịp thời. Các cá nhân, công ty, doanh nghiệp làm vàng cũng cần chấp hành đúng chủ trương của Nhà nước.


Mâu thuẫn giữa các doanh nghiệp…


Các công ty, doanh nghiệp, cá nhân khai thác, thăm dò vàng trên địa bàn huyện Mường Tè có những mâu thuẫn nhỏ là việc sẽ xảy ra trong kinh doanh. Nhưng giữa Công ty Lan Anh và Công ty KS SPB lại xảy ra tranh chấp gay gắt dẫn đến đơn từ gửi lên chính quyền huyện.


Công ty Lan Anh đã có giấy phép của UBND tỉnh cấp khai thác vàng tận thu ở điểm Nậm Khá từ năm 2007. Đến tháng 11/2010, Công ty KS SPB được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò trên diện tích 200,4 ha, trong đó bao trùm cả diện tích của Công ty Lan Anh đã khai thác. Giữa hai công ty này thỏa thuận và có bản cam kết ngày 11/1/2011. Bên Công ty Lan Anh nộp cho Công ty KS SPB 3 tỷ đồng để được thăm dò trên diện tích 9,8 ha. Nhưng Công ty KS SPB lại có đơn từ gửi UBND huyện khiếu kiện Công ty Lan Anh đang thăm dò trên đất của mình.


Vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Trường – Phó Chủ tịch huyện Mường Tè trả lời phóng viên: Huyện sẽ không can thiệp và giải quyết đơn từ, để tự 2 đơn vị thỏa thuận và dàn xếp với nhau; nếu xảy ra đụng độ thì chính quyền huyện mới vào cuộc giải quyết gây mất trật tự an ninh.


Ngày 24/11, tổ công tác của huyện vào điểm Công ty Lan Anh để kiểm tra, ông Dũng là cán bộ đại diện cho Công ty KS SPB xuống có thái độ gay gắt và yêu cầu tổ công tác “đốt sạch, phá sạch Công ty Lan Anh” – ông Tô Văn Cần cho biết.


Mâu thuẫn giữa 2 công ty này còn xảy ra khi lắp đặt cáp phà qua sông Đà, thuộc địa phận xã Mường Tè. Thực tế, UBND xã Mường Tè cấp phép để Công ty Lan Anh lắp đặt cáp vào ngày 23/7/2011, đến tháng 10/2012 thì Công ty KS SPB mới lắp đặt cáp ở vị trí song song, khoảng cách tầm 15 m với cáp của Công ty Lan Anh. Ông Tô Văn Cần, Phó Giám đốc Công ty Lan Anh cho rằng: Phà qua sông có 4 sợi cáp, nếu 2 phà cùng vận hành thì nhiều sợi cáp chồng chéo sẽ vướng vào nhau dễ xảy ra tai nạn.


Việc mâu thuẫn trên giữa hai công ty mang tính cá nhân và giấy phép thăm dò của Công ty KS SPB cũng đã hết hạn. Nhưng vấn đề đặt ra, các cấp chính quyền sau này tiếp tục cấp phép thăm dò hay khai thác vàng ở điểm Nậm Khá (xã Mù Cả), cần lưu ý mâu thuẫn này không để thiệt hơn cho bất kỳ công ty nào, nhất là không để xảy ra tranh chấp nghiêm trọng.



Bài và ảnh:Việt Hoàng