06:21 10/06/2015

Phá vỡ quy hoạch vì... được giá

Các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Đây là thời điểm bà con ồ ạt trồng thêm cây hồ tiêu. Tình trạng trồng theo phong trào này khiến tương lai của hồ tiêu sẽ nhiều rủi ro khi tìm đầu ra.

Các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đang chuẩn bị bước vào mùa mưa. Đây là thời điểm bà con ồ ạt trồng thêm cây hồ tiêu. Tình trạng trồng theo phong trào này khiến tương lai của hồ tiêu sẽ nhiều rủi ro khi tìm đầu ra.

Ồ ạt phát triển hồ tiêu

Năm nay gia đình anh Ngô Văn Quyên ở huyện Mang Yang (Gia Lai) đã quyết định chặt bỏ hơn 5 ha cà phê già cỗi để chuyển sang trồng cây hồ tiêu. Theo tính toán của anh và người dân nơi đây, trung bình 1 ha tiêu bán được từ 800 - 900 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cho lãi 400 - 500 triệu đồng, cao hơn nhiều so với những loại cây trồng khác.

Vườn hồ tiêu đang tiếp tục mở rộng bằng nhiều hình thức như trồng xen và trồng tập trung.


Chính hấp lực này đã khiến rất nhiều hộ nông dân tại các huyện khác như: Chư Sê, Đắk Đoa, Đức Cơ... cũng “ra quân” chặt bỏ các vườn cây khác chuyển qua trồng hồ tiêu. Theo quy hoạch của tỉnh, đến năm 2020 diện tích hồ tiêu trên toàn tỉnh ở mức 6.000 ha nhưng hiện con số đã tăng lên gần gấp đôi. Riêng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện diện tích hồ tiêu toàn tỉnh đã đạt gần 10.000 ha, trong khi theo quy hoạch đến năm 2020, cả tỉnh sẽ phát triển chỉ khoảng 8.300 ha.

Tương tự, tại tỉnh Đắk Lắk vốn nổi danh là thủ phủ của cây cà phê nhà nông cũng đang “say nắng” với phong trào trồng hồ tiêu. Tại nhiều huyện như: Cư M’gar, Krông Búk… bà con còn chặt bỏ cả những vườn cao su đang trong thời kỳ cho “vàng trắng” để chuyển sang trồng tiêu. Tính đến thời điểm tháng 5/2015, tỉnh đã có hơn 16.100 ha hồ tiêu, vượt khoảng 9.000 ha so với diện tích quy hoạch của năm 2015 trở thành địa phương có diện tích tiêu nhiều nhất khu vực Tây Nguyên. “Con số này sẽ còn tăng nhanh và mạnh mẽ hơn khi mùa mưa diễn ra trên diện rộng. Hầu hết diện tích mới tập trung chủ yếu ở các huyện: Krông Búk, Cư Kuin, thị xã Buôn Hồ…

Nguyên nhân do giá tiêu trên thị trường đang ở mức ổn định thời gian dài, cho lợi nhuận cao nên bà con đã bất chấp các khuyến cáo của các đơn vị chức năng ồ ạt trồng”, ông Huỳnh Quốc Thích, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho hay.

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) cho biết, tính đến hết quý I/ 2015, diện tích hồ tiêu cả nước đã tăng gần gấp đôi so với quy hoạch và con số sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Giá tiêu nội địa đầu năm 2015 chỉ ở mức 150.000 đồng/kg nhưng có thời điểm giá tăng lên hơn 200.000 đồng/kg. Hiện giá tiêu đen xuất khẩu cũng tăng kỷ lục đạt mức gần 8.800 USD/tấn, tăng 35% so với cùng kỳ 2014. Người trồng tiêu nhiều năm nay lại luôn được mùa, được giá, dẫn đến tình trạng “bạo phát” diện tích và ngành chức năng rất khó khăn trong việc hạn chế.

Nguy cơ dịch bệnh

Có nhiều năm theo dõi, nghiên cứu lĩnh vực nông nghiệp, Tiến sĩ Trần Vinh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật nông, lâm nghiệp Tây Nguyên cho hay, diện tích cây hồ tiêu đang tăng nhanh, khó kiểm soát được và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Sau một thời gian, cây hồ tiêu rất dễ dẫn đến tình trạng tiêu nhiễm bệnh chết hàng loạt, gây thiệt hại lớn cho bà con nông dân.

Thực tế, tỉnh Đắk Lắk đã có hàng ngàn hécta tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, làm thiệt hại cho bà con nông dân nhiều tỷ đồng. “Hiện cây hồ tiêu được bà con trồng trên nhiều chân đất khác nhau, kể cả ở những nơi không phù hợp, chưa xử lý tuyến trùng hại rễ. Thiếu thông tin, không nắm kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh, chạy theo phong trào, nhiều hộ gia đình đã mua giống trôi nổi trên thị trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị dịch bệnh chết hàng loạt, hoặc không có trái. Để trồng 1 ha tiêu, bà con nông dân phải đầu tư trên 500 triệu đồng tính từ khâu làm đất, cây giống, trụ... và nếu có chuyện không may xảy ra, tổn thất cho nhà nông là không hề nhỏ", ông Vinh nhận xét.

Theo kết quả khảo sát của Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, hiện có 8 loại dịch bệnh trên hồ tiêu, trong đó nguy hiểm nhất là bệnh chết nhanh do nấm Phythopthora và bệnh chết chậm do nấm Fusarium. Tình trạng tiêu chết vì bệnh này xảy ra từ khoảng 4 năm trở lại đây và nguyên nhân chính là do nhiều nông dân chưa áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững; còn lạm dụng, trông chờ vào thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học. Bên cạnh đó việc trồng tiêu xen cây trồng khác không đúng quy trình xen canh dẫn đến khó phòng trừ dịch bệnh. Nhìn xa hơn nếu trồng tiêu không theo quy hoạch sẽ rất nguy hiểm bởi vì như nhiều loại nông sản khác, khi nguồn cung tăng, nhu cầu không tăng sẽ dẫn đến tình trạng thừa mứa, rớt giá.

Đặc biệt hơn tình trạng nhà nông lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng nhiều đến chất lượng tiêu xuất khẩu. Đến nay thị trường lớn châu Âu đã cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong hạt tiêu nhập từ Việt Nam và nếu tiếp tục vi phạm châu Âu dọa sẽ ngưng nhập khẩu.

“Hồ tiêu là cây trồng lâu năm, bà con không thể căn cứ giá 1, 2 năm để đầu tư trồng tiêu. Chúng tôi đã kiến nghị Bộ NN-PTNT cần có chỉ đạo quyết liệt các địa phương trong việc hướng dẫn nông dân trồng tiêu theo quy hoạch. Các ngành chức năng, các địa phương có diện tích hồ tiêu lớn cần tổ chức tập huấn, tuyên truyền người trồng tiêu không nên lạm dụng phân bón hóa học mà nên chuyển sang chăm sóc cây tiêu theo hướng an toàn sinh học, gia tăng giá trị cũng như thương hiệu của hồ tiêu Việt Nam trên thị trường thế giới” .

Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam


Nghĩa - Huy