04:16 14/04/2015

Phá rừng ảnh hưởng nghiêm trọng tới các bộ lạc Malaysia

Phá rừng ở Malaysia được cho là nguyên nhân chính dẫn tới trận lũ lụt tệ hại nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2014 ở nước này.

Phá rừng ở Malaysia được cho là nguyên nhân chính dẫn tới trận lũ lụt tệ hại nhất trong nhiều thập kỷ vào năm 2014 ở nước này.

Việc khai thác gỗ và phá rừng đang đe dọa cuộc sống của nhiều người bộ lạc bản địa ở Malaysia.


Ở những vùng rừng nhiệt đới hẻo lánh của bang Kelantan, miền Đông Malaysia, phá rừng quy mô lớn và lũ lụt nghiêm trọng đã đẩy người dân bộ lạc bản địa vào cảnh sống khó khăn. Các công ty khai thác gỗ từ lâu đã xuất hiện ở các khu rừng nhiệt đới rộng lớn của khu vực, tuy nhiên tốc độ phá rừng đã tăng lên trong thập kỷ vừa qua khi các công ty tư nhân bắt đầu phát quang những cánh rừng.

Tại làng Kuala Wok ở bang Kelantan, người Temiar coi trọng việc tôn kính môi trường, cho rằng việc người khác tới phá rừng là đe dọa cuộc sống của họ. Ussain Bin Anjang, một người làng Kuala Wok, cho rằng phá rừng đang làm khó việc duy trì lối sống truyền thống của các cộng đồng bản địa. “Họ đốn gỗ gần nguồn nước, vì vậy vào mùa khô nước sông cạn hết. Bây giờ còn ít nước hơn trước. Đôi khi nước bị ô uế làm người dân nhiễm bệnh. Chúng tôi không thể săn, và rất khó để tìm được lá thuốc hay thức ăn trong rừng”.

Malaysia là một trong những nước có tốc độ phá rừng nhanh nhất thế giới.


Từ một vị trí thuận lợi trên các ngọn núi, có thể thấy tốc độ phá rừng đang gia tăng, các ngọn đồi trọc trải dài theo tầm mắt. Theo một nghiên cứu có sử dụng dữ liệu Google Maps năm 2012 của Đại học Maryland, Malaysia là một trong những nước có tốc độ phá rừng nhanh nhất thế giới. Hầu hết vùng đất bị phát quang để dành chỗ trồng cọ và cao su, vốn có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của nước này.

Trong khi người dân ở Kuala Wok được các nhà thầu địa phương cam kết trao 3.000 héc ta đất sau khi phá rừng, không có hợp đồng chính thức nào được ký và toàn bộ khu vực xung quang các khu làng đã bị phát quang. Một nghiên cứu tương tự của Đại học Maryland ước tính từ năm 2001-2012, bang Kelantan đã mất đi 15% rừng tự nhiên.

Lãnh đạo thanh niên bộ lạc bản địa Dendi cho biết việc cưa gỗ và cây đã phá hủy nhiều khu vực có giá trị tâm linh quan trọng, cũng như nhiều ngôi mộ. “Khi các cánh rừng không còn nữa, làm sao mà lũ trẻ hiểu được những câu chuyện này? Chúng sẽ không biết tìm thức ăn, nước uống trong rừng, làm sao để đi săn vào năm sau, hay năm sau nữa, khi mà mọi thứ bị phá hủy”, anh nói.

Nhiều nhà hoạt động môi trường và các nhà khoa học tin rằng việc phá rừng là yếu tố góp phần dẫn tới lũ lụt trên diện rộng hơn tấn công khu vực hồi tháng 12 năm ngoái, cướp đi sinh mạng của 23 người và buộc 200.000 người khác phải rời bỏ nhà cửa.

“Nếu bạn không tôn trọng rừng già, thì đó (lũ lụt) là điều sẽ xảy ra”, Dendi nói.


H.Nhân (Theo Aljazeera)