03:14 26/03/2015

Phá cổ vật - Ý đồ khủng bố văn hóa của IS

Sự tàn phá, hoành hành của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông đã có thêm một ngã rẽ đáng lo lắng. Một video xuất hiện trên mạng gần đây cho thấy các tay súng IS đã dùng búa tạ và khoan để đập phá tượng cổ cũng như các cổ vật tại bảo tàng Mosul ở Iraq...

Sự tàn phá, hoành hành của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Trung Đông đã có thêm một ngã rẽ đáng lo lắng. Một video xuất hiện trên mạng gần đây cho thấy các tay súng IS đã dùng búa tạ và khoan để đập phá tượng cổ cũng như các cổ vật tại bảo tàng Mosul ở Iraq, trong đó một số cổ vật gần 3.000 năm tuổi. Một số nhà phân tích cho rằng, hành vi phá cổ vật của IS có thể khép vào tội ác chiến tranh, thậm chí còn hơn thế nữa.

Các cổ vật bị IS tàn phá không nương tay có từ thời đế chế Assyria phát triển hùng mạnh khắp khu vực từ năm 2.500 đến năm 605 trước công nguyên. Lý do mà IS phá cổ vật là do chúng mang tinh thần trái ngược với đấng tiên tri Muhammad.

Khủng bố IS phá cổ vật ở Mosul.


Đây không phải lần đầu tiên IS phát động chiến dịch đập phá thánh tượng ở Iraq. Từ khi chiếm thành phố Mosul hồi tháng 7/2014, IS đã phá ít nhất 28 tòa nhà tôn giáo lịch sử khắp thành phố lớn thứ hai Iraq này, cộng với hàng chục tòa nhà tôn giáo khác khắp Iraq và Syria trong quá trình hoành hành đẫm máu từ năm 2014.

Hành vi của IS đã khiến giới khảo cổ học và các nhà lãnh đạo phản ứng dữ dội. Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc (UNESCO) tuyên bố sự hủy hoại di sản văn hóa một cách có chủ ý của IS là một tội ác chiến tranh theo Điều 8 thuộc Quy chế Rome của Tòa án Hình sự Quốc tế. Điều này thuộc phần tội ác chiến tranh và xác định đó là sự vi phạm nghiêm trọng “nếu thủ phạm cố ý tấn công các tòa nhà tôn giáo, giáo dục, nghệ thuật, khoa học, từ thiện, lăng tẩm lịch sử…”.

Giám đốc UNESCO Irina Bokova coi sự phá hoại này không khác gì tội thanh trừng văn hóa. Bà nói: “Thảm kịch này không chỉ là một vấn đề văn hóa, đó là một vấn đề an ninh lớn. Chúng ta thấy rõ ràng rằng khủng bố phá hoại di sản nhằm thực hiện chiến lược làm bất ổn và thao túng người dân để chúng có thể khống chế họ”. Theo bà Bokova, khủng bố văn hóa là một thủ thuật để khuất phục người dân trong các cuộc xung đột đẫm máu thời hiện đại: Để kiểm soát con người, chúng phải kiểm soát văn hóa, bối cảnh của xã hội đó. Do vậy, chúng cho rằng sẽ là chưa đủ nếu chỉ đơn giản tàn sát mọi người Do Thái, người Armenia, Hồi giáo ở Bosnia hay người Yazidi trong khu vực chúng xâm chiếm. Chúng sẽ chế ngự được hoàn toàn nếu kiểm soát và phá hủy mọi thứ liên quan đến người đó, như văn hóa, lịch sử. Một khi di tích văn hóa bị phá hủy, nền văn hóa sẽ bất ổn và bị suy thoái, dẫn tới chỉ tồn tại qua truyền miệng rồi lụi tàn.

Theo UNESCO, chiến dịch tàn phá di sản văn hóa ở Iraq của IS không chỉ vi phạm luật pháp quốc tế mà còn là một cuộc tấn công diệt chủng nhằm vào chính nền văn minh nhân loại.

Có thể một số người sẽ nghĩ rằng tội phá hoại cổ vật của IS không thấm gì so với các tội ác khác của chúng như chặt đầu hàng loạt con tin, hành quyết người khác giáo phái, sử dụng trẻ em làm công cụ chiến tranh. Điều này cũng có lý do vì mạng sống con người luôn được đặt lên hàng đầu. Thế nhưng, lịch sử đã chứng minh rằng tội ác chống lại văn hóa luôn gắn liền với tội ác chống loài người.

Thời Thế chiến thứ 2, ngoài diệt trừ người Do Thái, trùm phát xít Đức Adolf Hitler từng chiếm đoạt hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật và cổ vật văn hóa, phá hủy chúng thông qua các vụ càn quét, cướp phá cộng đồng Do Thái theo chương trình “Giải pháp cuối cùng”. Rafael Lemkin, luật sư người Ba Lan gốc Do Thái đã miêu tả tội ác chưa từng có tiền lệ của phát xít Đức, gọi nỗi kinh hoàng này “sự hủy diệt cả về mặt sinh học lẫn văn hóa”.

Về thời kỳ xảy ra nạn diệt chủng ở Campuchia những năm 1970, các sử gia và nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ Khmer Đỏ đã phá hủy có hệ thống các đình đền, cấm các nghi lễ truyền thống, loại bỏ mọi không gian dành cho các hoạt động văn hóa nếu không phù hợp với chiến dịch tuyên truyền cho chế độ của chúng.

Trong giai đoạn diệt chủng ở Bosnia đầu những năm 1990, lực lượng Serbia cũng hủy diệt mọi dấu vết của văn hóa Hồi giáo khỏi các khu vực mà họ chiếm đóng, phá hủy thư viện, nhà thờ Hồi giáo và các di tích văn hóa quan trọng khác.

Giai đoạn diệt chủng người Armenia của Đế chế Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay), cùng với cái chết của 1,5 triệu người là “cái chết” của các nhà thờ, lăng tẩm, bảo tàng thư viện. Có 2.549 di tích tôn giáo bị tàn phá, trong đó có hơn 200 tu viện và 1.600 nhà thờ. Nền văn hóa và truyền thống tôn giáo có từ cả thiên niên kỷ trước đã không còn lại gì.

Do đó, hành vi phá cổ vật, di tích tôn giáo của IS cho thấy chúng đã tính toán kỹ lưỡng khi muốn thanh trừng văn hóa, tôn giáo của các nhóm sắc tộc khác. Tội ác của chúng không chỉ bị coi là tội ác chiến tranh mà còn có thể được định nghĩa là tội diệt chủng.

Thùy Dương