10:08 05/10/2011

PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ: Không phát hiện có sự biến chủng của virút tay chân miệng

Thời gian gần đây, số lượng các trường mầm non tại Hà Nội phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ngày một nhiều hơn. Có phải dịch TCM đã bắt đầu “nóng” ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung?

Thời gian gần đây, số lượng các trường mầm non tại Hà Nội phát hiện trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM) ngày một nhiều hơn. Có phải dịch TCM đã bắt đầu “nóng” ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung?
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ, trao đổi với Tin Tức xung quanh vấn đề này.

So với thời điểm đầu năm, số ca mắc bệnh TCM tại Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung những tuần gần đây có tăng không, thưa ông?

Dịch TCM vẫn đang diễn biến phức tạp, nhìn chung số ca bệnh không tăng lên nhưng vẫn duy trì ở mức cao như nhiều tuần trước đây. Dịch tập trung chủ yếu ở phía Nam.

Từ đầu năm đến ngày 27/9, trong tổng số 57.055 ca mắc TCM trên cả nước thì có 7.720 ca được báo cáo từ 25 tỉnh/thành phố ở miền Bắc. Dịch xảy ra chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, diễn biến tản phát ở nhiều nơi, chủ yếu ở cộng đồng. Hầu hết các ca bệnh là ở thể nhẹ (ở giai đoạn 1) và được theo dõi điều trị tại nhà.

Một số trẻ mắc TCM dù được đưa tới viện sớm song vẫn bị tử vong do bệnh diễn tiến nhanh, ở mức tối cấp. Phải chăng virút gây bệnh đã có sự biến đổi nhưng Viện Vệ sinh dịch tễ TƯ chưa đủ khả năng phát hiện?

Phòng thí nghiệm virút đường ruột của viện Vệ sinh dịch tễ TƯ nằm trong mạng lưới các phòng thí nghiệm của Tổ chức y tế thế giới, được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng trong nhiều năm qua có khả năng xác định đặc điểm phân tử của các virút đường ruột. Các nghiên cứu về virút học của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương cho thấy tỷ lệ các ca TCM dương tính với các virút đường ruột nói chung là 58%, trong số đó thì virút EV71 chiếm 33%, chủ yếu là phân nhóm C4, là chủng vi rút cũng đã lưu hành trong những năm trước đây ở Việt Nam. Riêng tại miền Bắc, từ đầu năm tới nay có 101 ca bệnh dương tính với EV71, hầu hết là thể nhẹ, ở giai đoạn 1 và chủ yếu được điều trị theo dõi tại nhà, chỉ có 1 trường hợp tử vong.

Bệnh TCM có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não-màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong. Cần đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay khi có các biểu hiện sốt cao (>=39,50C), biến chứng thần kinh hoặc tim mạch như đau dầu, cứng cổ, đau lưng, rung giật cơ, đi loạng choạng, ngủ gà, yếu liệt chi, mạch nhanh... Cần lưu ý là có nhiều người nhiễm virút không triệu chứng (cả người lớn và trẻ em) nhưng vẫn là nguồn truyền nhiễm lan truyền virút. Nguy cơ lây nhiễm TCM là lớn nếu không thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh trong chăm sóc trẻ và môi trường.

Hiện không phát hiện có sự thay đổi của virút EV71. Điều này hoàn toàn phù hợp với nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, virút EV71 có thể gây bệnh nặng hơn so với các virút khác, tuy nhiên không có bằng chứng thuyết phục về sự biến chủng của virút EV71 có thể làm tăng quá trình nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, gây tử vong...

Ông nhận định thế nào về tình hình dịch TCM trong thời gian tới?

Bệnh TCM có đặc điểm rất phức tạp: Bệnh lây truyền theo đường tiêu hoá do nhiều virút trong nhóm virút đường ruột gây ra, tỷ lệ người lành mang virút cao, chưa có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu, dự phòng chủ yếu là thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân. Do đó, trong thời gian tới, dịch bệnh có thể vẫn diễn biến phức tạp, bệnh có thể vẫn xảy ra tản phát ở nhiều nơi. Việc kiểm soát sự lây lan dịch bệnh phụ thuộc vào sự quan tâm và tham gia của toàn xã hội, đặc biệt là việc thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân trong chăm sóc trẻ dưới 5 tuổi của các bà mẹ và người chăm sóc trẻ.

Xin cảm ơn ông!

Phương Liên (thực hiện)