07:08 14/07/2014

PGS Đào Hữu Vinh với Trường Sa

Đã tròn hai năm kể từ ngày trên con tàu HQ - 571 tới thăm Trường Sa nhưng với Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Đào Hữu Vinh (nguyên chủ nhiệm khối chuyên Hóa, trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) chuyến đi đặc biệt ấy như chỉ vừa mới đây thôi.

Đã tròn hai năm kể từ ngày trên con tàu HQ - 571 tới thăm Trường Sa nhưng với Nhà giáo ưu tú, PGS.TS Đào Hữu Vinh (nguyên chủ nhiệm khối chuyên Hóa, trường Đại học khoa học tự nhiên, Đại học quốc gia Hà Nội) chuyến đi đặc biệt ấy như chỉ vừa mới đây thôi.

 

PGS Đào Hữu Vinh chụp ảnh kỷ niệm trong “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương năm 2012”.

 

Mong muốn được đến thăm Trường Sa từ nhiều năm trước, nhưng mãi đến năm 2012, thầy Đào Hữu Vinh mới có cơ hội được đặt chân tới mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc trong đoàn “Hành trình tuổi trẻ vì biển, đảo quê hương” 2012 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức. Thầy Vinh chia sẻ: “Tôi đã có mặt ở nhiều địa danh nổi tiếng ở trong nước, cũng không ít lần được đi thăm các nước bạn nhưng không nơi nào tạo cho tôi cảm xúc đặc biệt như khi được đặt chân tới Trường Sa”.


Tham gia hành trình khi đã ở tuổi 75 nhưng sự dẻo dai của thầy Đào Hữu Vinh khiến những người đồng hành trên chuyến tàu HQ - 571 đều rất ngưỡng mộ. Trong quá trình đi thăm 11 đảo trên quần đảo Trường Sa và nhà giàn, ông chỉ bỏ lỡ một đảo vì “chậm chân hơn một chút”. Ông kể lại: “Mong muốn, khao khát được đến với Trường Sa thân yêu, được đến thăm những người lính đang ngày đêm canh giữ chủ quyền biển đảo đất nước đã át đi tất cả những lo lắng về sức khỏe, về những cơn say sóng diễn ra suốt dọc hành trình”.


Đoàn hành trình dừng chân tại đảo Trường Sa Lớn vào đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi, cả đoàn tổ chức giao lưu, tặng quà cho các em nhỏ. Vốn là người yêu con trẻ, thầy Đào Hữu Vinh rất vui, xúc động khi nhìn những em nhỏ hồn nhiên, hoạt bát vui chơi trên đảo. Là gương mặt thân thuộc với bao thế hệ học sinh cả nước trong vai trò cố vấn trong các chương trình như: Đường lên đỉnh Olympia, Rung chuông vàng, ôn thi đại học môn Hóa học trên kênh VTV2... thầy Đào Hữu Vinh cũng có rất nhiều học trò đã thành danh, nhưng đến với lớp học ở Trường Sa, ông rất khâm phục nỗ lực của những thầy, cô giáo nơi đảo xa. Chỉ có vẻn vẹn 7 - 8 học sinh trong mỗi lớp học, độ tuổi các cháu lại khác nhau nên ngoài việc khắc phục khó khăn thường nhật, giáo viên đứng lớp luôn phải dạy nhiều trình độ trong một buổi học (từ lớp 1 đến lớp 5).


Khi đoàn chuẩn bị lên thăm nhà giàn DK1, vì lo sức khỏe của thầy Vinh nên đồng chí trưởng đoàn khuyên ông: “Thôi, thầy Vinh ở lại tàu đi, đừng lên nhà giàn nữa”. Thế nhưng với suy nghĩ: “Không lên nhà giàn thì đâu hiểu hết được những khó khăn, vất vả của các chiến sĩ”, ông đã quyết tâm trèo lên những bậc thang thẳng đứng, bên dưới là những con sóng dập dềnh như muốn nuốt chửng tất cả vào lòng đại dương mênh mông. Khi đón ông lên tới nhà giàn, các chiến sĩ đều cười nói: “Từ trước đến giờ bác có lẽ là người cao tuổi nhất đặt chân lên nhà giàn đấy!”.


Xúc động khi được chứng kiến cuộc sống, công việc của những người lính trên nhà giàn, trên đường trở về đất liền, ông đã chấp bút viết những câu thơ:
“Mời bạn trèo lên nhà giàn DK1


Ngắm chân trời: Một vòng tròn tuyệt đẹp
Và ngắm những con người đầy chất thép
Mặc phong ba bão táp vẫn cất cao tiếng hát yêu đời
Cảm ơn các anh canh giữ biển trời
Và của cải cho muôn đời con cháu”


Chuyến đi ấy, hành trang trở về đất liền của thầy giáo Đào Hữu Vinh như đầy thêm bởi “có ra đến Trường Sa mới thấy đất nước mình, biển đảo quê hương mình to đẹp, mới thấy tình yêu Tổ quốc sâu sắc và thiêng liêng biết bao”. Đó là những giây phút xúc động, là những giọt nước mắt khi cả đoàn “Hành trình Tuổi trẻ vì biển đảo quê hương” thắp những nén nhang, thả những bông hoa xuống lòng biển, nơi bao chiến sĩ đã nằm lại để giữ gìn đất trời, biển đảo của quê hương. Đó là hình ảnh người chiến sĩ trẻ trên đảo Phan Vinh, biết mẹ ở nhà ốm, khi được hỏi có nhớ nhà không chỉ cười và tặng ông một quả bàng vuông như cách để gửi gắm nỗi niềm của người lính đảo xa về với đất liền...


Thầy giáo Đào Hữu Vinh tâm sự: “Hai sự kiện hạnh phúc và quý giá nhất trong cuộc đời tôi đó là được vinh dự được cùng các cộng sự mạ vàng lên câu nói bất hủ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!” trong lăng của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1975 và chuyến đi Trường Sa năm 2012”.


Vậy nên, 2 năm nay, ngoài những bức ảnh chụp cùng các cộng sự thời gian làm việc trong lăng Bác, ở vị trí trang trọng nhất trong phòng khách của gia đình người thầy giáo già còn lưu rất nhiều tấm ảnh trong hành trình đến với Trường Sa, hành trình của hạnh phúc.


Hà Liên