04:21 17/04/2015

Panama: Chặt cây trong vườn nhà cũng phải xin phép

Ở Panama, việc bảo vệ cây xanh rất nghiêm ngặt, đến mức muốn cưa một cành cây lớn hoặc chặt chúng ngay trong vườn nhà riêng của mình, cũng đều phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền”.

Ở Panama, việc bảo vệ cây xanh rất nghiêm ngặt, đến mức muốn cưa một cành cây lớn hoặc chặt chúng ngay trong vườn nhà riêng của mình, cũng đều phải xin phép các cơ quan có thẩm quyền”. Doanh nhân Lê Thế Tâm, người Việt Nam, chủ của một ngôi biệt thự lớn có diện tích gần 3.000 m2 ở thành phố Panama, cho biết.

Hàng cây xanh trên một con phố ở khu nhà giàu Este.



Điều đầu tiên đập vào mắt tôi khi đến nhà anh Tâm không phải là ngôi biệt thự rộng tới 500 - 600 m2 có tới ba chiếc xe con hạng sang đỗ bên trong mà là khu vườn trên 2.000 m2 rợp bóng cây xanh, có cả những cây cổ thụ xum xuê.

“Ngày nào cũng phải quét lá rụng hai lần, sáng và chiều, mà anh thấy đấy, vẫn không thể hết”, anh Tâm vừa dẫn chúng tôi thăm xung quanh nhà vừa kể chuyện. Ngước mắt lên nhìn những cành cây xum xuê, tôi hỏi tiếp: “Thế sao không chặt những cành con đi?”. Anh Tâm bật cười: “Ở đây cây to đều là tài sản nhà nước, dù nó nằm trong vườn nhà mình. Muốn chặt cành của nó thôi, cứ to to một chút, là phải xin phép chính quyền rồi, chứ đừng nói chặt cả cây. Chặt trong vườn nhà mình cũng bị phạt nặng”.

Ở Panama, khi lên quy hoạch xây dựng thành phố, có một quy chuẩn bắt buộc phải tính đến đó là “hệ thống không gian mở”. Do là một hòn đảo, xung quanh là biển và đất rừng, hệ thống không gian mở đòi hỏi 5 yếu tố: 1 - Bảo tồn các cánh rừng tự nhiên, đầm lầy, hồ ao, rừng đước và cảnh quan xung quanh. 2 - Thúc đẩy và tạo ra một không gian đô thị sạch sẽ, trong lành và không ô nhiễm. 3 - Xây dựng các khu vực xanh và không gian tự do cho việc giải trí thụ động và chủ động, cũng như sự giao lưu cộng đồng. 4 - Tạo điều kiện để người dân được tiếp cận và hưởng thụ các tài nguyên văn hóa và lịch sử. 5 - Tạo ra sự hòa nhập hài hòa của các không gian nói trên với các khu dân cư nội đô.

Trong thời gian ở thủ đô Panama, tôi đã có dịp đến Công viên Omar. Đây là một công viên đông vui bậc nhất ở trung tâm thủ đô, có rất nhiều cây xanh với các con đường xi măng uốn lượn dưới bóng cây để mọi người thả bộ cùng nhiều khu vực vui chơi, giải trí.

Có thể coi Công viên Omar là một thí dụ cụ thể về khái niệm Khu vực xanh đô thị ở Panama, bởi công viên không chỉ là một nơi có nhiều cây xanh cho việc nghỉ ngơi, thư giãn mà còn phải là một không gian cho các hoạt động giáo dục, giải trí và rèn luyện thân thể qua các hoạt động và thể thao tự do hoặc có tổ chức (thụ động hoặc chủ động) ở ngoài trời hoặc trong nhà.

Theo quy hoạch đô thị của Panama, cứ 2.000 ngôi nhà và căn hộ, tính trung bình mỗi căn 5 người, buộc phải có 2 ha công viên và tính trung bình, mỗi một người dân phải được hưởng 9 m2 cây xanh, theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới.

Con số thống kê mới nhất cho thấy ở thành phố Panama hiện nay có 495 công viên với diện tích tổng cộng trên 1,5 triệu m2, chưa kể lượng cây xanh dọc theo các tuyến phố. Có một điều dễ nhận thấy ở các công viên của Panama là ở đâu cũng có rất nhiều cây cổ thụ, đặc biệt là những cây đa, với thân cây chục người ôm mới hết, rễ nổi sần sùi, chạy chằng chịt rộng hàng trăm m2, như những cây đa ở khu Panama cổ, hay ở khu chân cầu Las Americas, hoặc các công viên Omar và Benito Juarez.

Ở các khu nhà chọc trời, phần lớn mới xây dựng trong những năm gần đây, như Este, Punta Pacifica, Paitilla, số lượng cây xanh không nhiều như các khu giáp giới với ngoại ô, hoặc sông, ngòi. Các phố mới cũng không nhiều bóng mát vì cây trồng chưa kịp lớn.

Có điều dễ nhận thấy là ý thức bảo vệ cây xanh của người dân ở Panama rất tốt. Dù đi rất nhiều các con phố và công viên nhưng tôi chưa bao giờ nhìn thấy bất kỳ một tấm biển quảng cáo nào được đóng trên thây cây hoặc một túi ni-lông rác vứt dưới gốc cây. Hàng ngày, công viên luôn có người quét lá, thu dọn, với mức lương 500 USD/tháng, tức khoảng trên 10 triệu đồng. Cây mục, có nguy cơ đổ mới được chặt, còn đâu đố ai dám đụng đến.

Bài và ảnh: Lưu Vạn Kha