08:19 20/08/2014

Pakistan: Vai trò của quân đội trên chính trường thời khủng hoảng

"Vùng đỏ" tại Pakistan đã được bàn giao cho quân đội, các lực lượng vũ trang đang nỗ lực bảo vệ các tòa nhà chính phủ ở khu vực này trước đám đông người biểu tình đang tiến về.

Hàng chục nghìn người biểu tình Pakistan đang ồ ạt tiến vào “vùng đỏ” gần trụ sở Quốc hội để đòi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức. Người biểu tình dùng cần cẩu và máy cắt chướng ngại vật để loại bỏ các thùng container được sử dụng làm rào chắn trên các tuyến đường vào thủ đô Islamabad. Cảnh sát dẹp bạo loạn và lực lượng bán vũ trang cố gắng phong tỏa khu vực ngoại giao đoàn và các cơ quan chính phủ trước khi đoàn biểu tình tiến vào “vùng đỏ”.

           

Người biểu tình tuần hành từ thành phố Gujranwala, tỉnh Punjab tới thủ đô Islamabad. Ảnh: AFP-TTXVN


Căng thẳng tại Pakistan bùng phát sau khi Tòa án hình sự ở Lahore quyết định thụ lý vụ án giết người đối với 22 bị cáo, trong đó có Thủ tướng Nawaz Sharif và em trai ông là Shahbaz Sharif, Thủ hiến bang Punjab. Họ bị cáo buộc dính líu tới vụ cảnh sát nổ súng sát hại 14 người biểu tình ở thành phố Lahore, miền Đông nước này hồi tháng 6 vừa qua, theo đơn kiện của Phong trào Nhân dân Pakistan (PAT). Tiếp theo đó hàng nghìn người thuộc phe đối lập ở Pakistan đã tuần hành từ Lahore về thủ đô Islamabd, tiến hành biểu tình chống chính phủ và đòi Thủ tướng Sharif từ chức do cáo buộc gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013.

 

Chủ tịch đảng PakistanTehreek-e-Insaf (PTI) ông Imran Khan và Chủ tịch Phong trào Nhân dân Pakistan ( PAT), ông Tahirul Qadri dẫn đầu chiến dịch biểu tình tuyên bố sẽ đấu tranh đến cùng cho đến khi Thủ tướng Sharif rời nhiệm sở. Làn sóng biểu tình gây căng thẳng và hỗn loạn tại Pakistan được coi là thách thức lớn nhất đối với chính phủ của Thủ tướng Sharif sau một năm cầm quyền.

           

Các nguồn tin tại chỗ cho biết, tình hình Pakistan vô cùng nguy hiểm, khiến người ta liên tưởng đến các “kịch bản” đảo chính đã nhiều lần xảy ra tại đất nước Nam Á có vũ khí hạt nhân này. Tuy nhiên, Thủ tướng Nawaz Sharif vẫn ra lệnh cho lực lượng an ninh không sử dụng vũ lực chống người biểu tình. Người phát ngôn quân đội Pakistan, Tướng Asim Bajwa cũng kêu gọi các bên kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán. Theo Tướng Bajwa, "tình hình hiện nay đòi hỏi sự kiên nhẫn, sáng suốt và khôn ngoan của tất cả các bên hữu quan nhằm tháo gỡ thế bế tắc thông qua đối thoại vì lợi ích của đất nước và dân tộc".

 

Cảnh sát bang Punjap tăng cường an ninh trước cuộc biểu tình chống chính phủ tại Islamabad ngày 17/8. Ảnh: AFP-TTXVN


Ông Bajwa cho biết hiện quân đội đang bảo vệ toàn b các trụ sở cơ quan chính phủ ở "vùng đỏ" và yêu cầu các bên tuân thủ. "Vùng đỏ" đã được bàn giao cho quân đi và hàng trăm binh sĩ được triển khai hỗ trợ lực lượng bán vũ trang và cảnh sát bảo vệ các tòa nhà chính phủ ở khu vực này. Động thái này đã dấy lên những đồn đoán rằng quân đội Pakistan có khả năng quay trở lại nắm quyền với vai trò trung tâm. Thực tế trong lịch sử 67 năm kể từ khi tuyên bố độc lập năm 1947, Pakistan có gần một nửa thời gian do quân đội nắm quyền lãnh đạo. Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi giới chính khách thường phải viện tới sự hậu thuẫn của quân đội để tìm lối thoát cho khủng hoảng. Điều này cũng dấy lên những quan ngại rằng cuối cùng Pakistan lại phải trải qua một cuộc đảo chính quân sự như vẫn thường xảy ra trong lịch sử của đất nước này.

 

Các nhà phân tích thường nhận định về vai trò chi phối chính trị của quân đội Pakistan cho dù là thời kỳ chế độ quân sự hay dân sự. Kể từ khi Tướng Pervez Musharraf từ chức năm 2008 để mở đường cho việc tái thiết lập chế độ dân sự, quân đội Pakistan vẫn duy trì vai trò của mình trên chính trường. Quân đội Pakistan chi phối đời sống xã hội - chính trị trong nước lẫn quan hệ đối ngoại, trong đó có quan hệ với Ấn Độ và Afghanistan. Làn sóng biểu tình của phe đối lập bùng lên sau khi quân đội Pakistan triển khai chiến dịch chống lực lượng Taliban ở gần biên giới Afghanistan.


Trước tình hình nghiêm trọng, Thủ hiến bang Punjap, ông Shahbaz Sharif - người em trai đầy quyền lực của Thủ tướng Nawaz Sharif - đã phải vội vã từ Lahore về Rawalpindi để tiến hành cuộc họp khẩn cấp với lãnh đạo quân đội bàn biện pháp ngăn chặn biểu tình. Điều này là một dấu hiệu chứng tỏ quân đội vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ trên chính trường Pakistan.


Mặc dù lường được những nguy cơ có thể xảy ra, song trong tình hình hiện nay Thủ tướng Nawaz Sharif không còn cách nào khác ngoài việc phải cầu viện quân đội. Báo “the Hindustan Times” của Ấn Độ nhận định rằng làn sóng biểu tình đang làm tăng thêm tình hình chính trị nóng bỏng tại Pakistan. Chính phủ Pakistan từ ngày 19/8 đã bắt đầu nỗ lực tìm kiếm một giải pháp thông qua thương lượng và kêu gọi ông Khan đàm phán. Nếu ông Khan đi quá giới hạn, tình hình sẽ ra ngoài tầm kiểm soát, và hành động can thiệp quân sự để chấm dứt biểu tình là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, nguy cơ can thiệp quân sự sẽ ẩn chứa nhiều mối đe dọa đối với Pakistan.


 

Minh Lý (P/v TTXVN tại Ấn Độ)