12:23 06/12/2012

Oscar Niemeyer - huyền thoại của những đường cong

Oscar Niemeyer, nhà thiết kế những công trình hiện đại nổi tiếng bậc nhất thế kỷ 20 và là “cha đẻ” của phần lớn những tòa nhà quan trọng tạo nên trái tim của thủ đô Braxilia, đã qua đời tại Rio de Janeiro (Braxin) hôm 5/12 khi chỉ còn ít ngày là ông bước sang tuổi 105.

Oscar Niemeyer, nhà thiết kế những công trình hiện đại nổi tiếng bậc nhất thế kỷ 20 và là “cha đẻ” của phần lớn những tòa nhà quan trọng tạo nên trái tim của thủ đô Braxilia, đã qua đời tại Rio de Janeiro (Braxin) hôm 5/12 khi chỉ còn ít ngày là ông bước sang tuổi 105.


 

Nhà thờ Lớn Braxilia, một công trình tiêu biểu của Niemeyer. Ảnh: Internet

 

Vị kiến trúc sư huyền thoại được điều trị tại bệnh viện Samaritano ở Rio từ đầu tháng 11 vì bệnh dạ dày và thận. Nhưng sức khỏe của ông đã trầm trọng hơn trong vài ngày qua và Niemeyer qua đời vì chứng nhiễm trùng phổi mới mắc phải. Trong một lời chia buồn trên trang blog chính thức của mình, Tổng thống Braxin, Dilma Rousseff viết: “Ngày hôm nay, Braxin mất đi một trong những thiên tài. Đây là một ngày đau buồn”.


 

Kiến trúc sư huyền thoại Oscar Niemeyer.

 

Oscar Niemeyer khởi nghiệp năm 1930, khi Braxin vẫn sao chép lối kiến trúc tân cổ điển của châu Âu với những cao ốc trang trí lộng lẫy. Thiết kế táo bạo của ông ở Braxilia đã biến thủ đô mới của Braxin trở thành một “tuyên ngôn” ấn tượng về niềm tin vào tương lai và là biểu tượng cho kiến trúc hiện đại.


Là một người đam mê công việc và cuộc sống, Niemeyer luôn phản đối các góc cạnh cứng nhắc và “những tòa nhà được thiết kế bởi người cai trị và những góc vuông”. Những thiết kế của ông, đặc biệt là tại thủ đô Braxilia, là một phần trong nỗ lực đưa đất nước hướng tới chủ nghĩa bình đẳng, đưa người giàu và nghèo xích lại gần nhau qua các dự án nhà ở và không gian công cộng.


Vị kiến trúc sư ăn nói nhẹ nhàng này vẫn làm việc miệt mài ở độ tuổi 90 trong một căn gác nhìn ra núi Sugar Loaf và bãi biển Copacabana ở Rio de Janeiro. Từ khung cảnh đầy nguồn cảm hứng này, Niemeyer đã cho ra đời hàng trăm dự án kiến trúc.


Nhiều thiết kế của Niemeyer đã bắt đầu với một bản vẽ nhanh, thể hiện tình yêu của ông với những đường cong, từ đường cong vũ trụ của Einstein, bãi biển cát trắng bên ngoài khung cửa sổ, cho tới những người phụ nữ Braxin với thân hình gợi cảm. Niemeyer từng có một câu nói nổi tiếng rằng, các cách điệu hóa trong những tòa nhà của ông lấy cảm hứng từ những đường cong của phụ nữ xứ sở điệu Samba. “Khi bạn có một không gian lớn để chinh phục, đường cong là giải pháp tự nhiên”, cây đại thụ của nền kiến trúc thế giới nói. “Những đường cong là cốt lõi trong các thiết kế của tôi bởi chúng là cốt lõi của Braxin, đơn giản và thuần khiết. Tôi là một người Braxin trước khi là một kiến trúc sư. Tôi không thể tách biệt hai con người đó”, Niemeyer phát biểu trên tờ Washington Post vào năm 2002.


Sự nghiệp của Oscar Niemeyer trải dài trong suốt 9 thập niên. Ông trở nên nổi tiếng trên thế giới sau khi thiết kế các tòa nhà chính phủ quan trọng ở thủ đô Braxilia, được khánh thành từ năm 1960. Niemeyer cũng là nhà thiết kế của những công trình nổi tiếng mang tính biểu tượng như trụ sở Liên hợp quốc tại New York (hợp tác với kiến trúc sư người Thụy Sĩ Le Corbusier), trụ sở Đảng Cộng sản Pháp ở Pari, Nhà thờ lớn Công giáo La Mã ở Braxilia…


Là nhà tiên phong trong việc sử dụng bê tông cốt thép để xây dựng các công trình tròn trịa và cao vút, Niemeyer đã thiết kế 600 công trình trên toàn thế giới và có 20 dự án khác vẫn đang được thực hiện. Năm 1988, khi ở tuổi 80, ông đã nhận giải thưởng danh giá Pritzker, vốn được ví như “Giải Nobel Kiến trúc” với công trình Nhà thờ Lớn Braxilia, nổi tiếng với cách điệu “Vương miện Gai”.


Đây chỉ là một trong hàng chục kiến trúc công cộng mà ông thiết kế cho Braxilia, tạo nên phong cách “space-age” (kỷ nguyên không gian) nổi tiếng của thành phố. Sau khi bay qua Nhà Quốc hội Braxin, dinh Tổng thống và các tòa nhà chính quyền do Niemeyer thiết kế vào năm 1961, nhà du hành vũ trụ người Nga, Yuri Gagarin đã thốt lên rằng, ấn tượng với ông là “như bay đến một hành tinh khác”.


Nhưng khác xa với thành phố kiểu mẫu mà Niemeyer từng hình dung, Braxilia ngày nay là hình ảnh thu nhỏ của bất bình đẳng. Được thiết kế phục vụ 500.000 người, thành phố nay là nơi sinh sống của trên 2,5 triệu người, với khoảng cách giàu nghèo ngày càng xa.


Thu Hằng