07:22 15/07/2012

Orion, tàu vũ trụ thế hệ mới lên sao Hỏa

Mới đây, tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida, Mỹ), NASA đã lần đầu tiên giới thiệu Orion, môđun tàu vũ trụ sẽ đưa các phi hành gia lần đầu tiên vượt khỏi quỹ đạo Trái đất kể từ năm 1972, và có thể đưa họ hạ cánh xuống Mặt trăng và sao Hỏa trong các sứ mạng tiếp theo.

Mới đây, tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy (Florida, Mỹ), NASA đã lần đầu tiên giới thiệu Orion, môđun tàu vũ trụ sẽ đưa các phi hành gia lần đầu tiên vượt khỏi quỹ đạo Trái đất kể từ năm 1972, và có thể đưa họ hạ cánh xuống Mặt trăng và sao Hỏa trong các sứ mạng tiếp theo.


 

Môđun Orion - thành phần chính trong dự án tàu vũ trụ mới của NASA.

 

Mặc dù kinh phí cho chương trình của NASA bị cắt giảm, Orion được cho là bước đi đầu tiên trong nỗ lực khởi động một kỷ nguyên mới đưa con người thám hiểm sâu hơn trong vũ trụ. Theo Phó giám đốc NASA, Lori Garver, “sự kiện ra mắt Orion đã khởi đầu một chương mới đầy thú vị trong hành trình thám hiểm vũ trụ vĩ đại” của nước Mỹ.


Orion mang hình nón cổ điển giống như môđun phi hành gia của tàu Apollo. Đây là một trong những tàu vũ trụ tiên tiến nhất từng được chế tạo. Trong vòng 18 tháng nữa, môđun này sẽ được lắp đặt các thiết bị điện tử, đo đạc, các máy vi tính phục vụ chuyến bay lịch sử.


Môđun Orion vừa được giới thiệu không phải là mô hình giả mà là một phần hoạt động được của cả con tàu vũ trụ sẽ tiến hành chuyến bay thử nghiệm không người lái đầu tiên vào năm 2014. Trong chuyến bay thử nghiệm khám phá lần 1 (EFT-1), nó sẽ được phóng lên trên quỹ đạo Trái đất nhờ tên lửa đẩy Delta 4, từ căn cứ không quân Cape Cannaveral. Orion sẽ bay vòng quanh Trái đất ở độ cao khoảng 5.800 km, tức là cao hơn khoảng 15 lần so với độ cao của Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) hiện nay.


Sau hai vòng bay, con tàu sẽ quay trở lại bầu khí quyển với tốc độ 32.000 km/giờ (nhanh hơn tới 8.000 km/giờ so với bất cứ tàu vũ trụ nào của con người) để thử nghiệm thân tàu và khiên nhiệt của nó nhằm đảm bảo chúng có khả năng bảo vệ con tàu và trong tương lai là phi hành đoàn với các sứ mệnh tới các tiểu hành tinh, Mặt trăng và sao Hỏa. Với các thiết bị đo đạc và cảm biến, NASA sẽ biết được liệu môđun này có thể chịu được áp lực khổng lồ từ vụ phóng, khi bay lên quỹ đạo và trở lại bầu khí quyển Trái đất hay không.


Trong sứ mạng EFT-1, tàu Orion cũng sẽ được trải nghiệm những điều kiện trở về khắc nghiệt, như khi quay trở lại bầu khí quyển, nó sẽ phải trải qua nhiệt độ tới 4.000 độ F (khoảng 2.200 độ C), cao hơn bất cứ điều kiện nhiệt độ nào mà các tàu vũ trụ từng trải qua kể từ khi các nhà du hành trở về từ Mặt trăng.


EFT-1 sẽ kết thúc bằng việc tàu Orion hạ cánh xuống khu vực ngoài khơi bờ biển nước Mỹ thuộc Thái Bình Dương.


Theo kế hoạch, mùa thu năm 2013, công ty Lockheed Martin – nhà thầu chính sản xuất tàu vũ trụ Orion - sẽ hoàn thành toàn bộ con tàu dài 5 mét này. Các tấm kim loại sẽ được gắn quanh phi thuyền với khả năng chịu nhiệt cao tương đương với các tàu con thoi. Phần bụng của con tàu cũng sẽ được gắn các khiên nhiệt vốn được sử dụng trên con tàu vũ trụ Apollo của NASA.


Hiện nay, NASA đã lên kế hoạch cho ghép Orion với Hệ thống phóng vũ trụ (SLS) - một tên lửa khổng lồ hơi giống tên lửa Saturn V từng phóng tàu Apollo - vào năm 2017 để thực hiện một chuyến bay không người lái lên mặt trăng. Tiếp theo, chuyến bay thử thứ ba, dự kiến vào năm 2021, sẽ là một sứ mạng có người lái bay vòng quanh Mặt trăng.


Cơ quan này cũng dự định năm 2025 sẽ đưa phi hành gia lên khám phá một hành tinh gần Trái đất và sau đó hướng tới sao Hỏa vào những năm 2030. Tuy nhiên, trở ngại lớn hiện nay với họ là nguồn kinh phí hạn hẹp. Ngân sách của NASA đã bị cắt giảm mạnh, dẫn đến nhiều lần trì hoãn và hủy bỏ sứ mạng trong các dự án, trong đó có chương trình vũ trụ thương mại, xe tự hành trên sao Hỏa…

 

Thu Hằng