06:07 18/06/2014

Ổn định tỷ giá có lợi cho nền kinh tế

Từ giữa tháng 5/2014 đến nay, tỷ giá tại ngân hàng liên tiếp biến động, có thời điểm tăng lên mức 21.246 đồng/USD. Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi khi tỷ giá cao. Tuy nhiên...

Từ giữa tháng 5/2014 đến nay, tỷ giá tại ngân hàng liên tiếp biến động, có thời điểm tăng lên mức 21.246 đồng/USD. Có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ được lợi khi tỷ giá cao. Tuy nhiên trao đổi với phóng viên báo Tin Tức- chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương (Bộ Công Thương) cho rằng: Lý thuyết là như vậy nhưng thực tế nhiều năm qua, xuất khẩu của Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào tỷ giá; ngược lại, nhập khẩu lại bị ảnh hưởng.


Tỷ giá tăng: Hại nhiều, lợi ít


Theo Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng đầu năm nay, cả nước vẫn xuất siêu 1,65 triệu USD. Đây là tin vui nhưng nhìn chung, giá trị gia tăng của hàng xuất khẩu chưa cao do Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu.

 

Khách hàng giao dịch tại BaoVietBank chi nhánh Hà Nội.
Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, biến động tỷ giá ảnh hưởng rất rõ đến tình hình xuất nhập khẩu của doanh nghiệp. Về mặt vi mô, khi tỷ giá tăng, doanh nghiệp xuất khẩu rất có lợi. Bởi lượng tiền đồng thu về khi bán ngoại tệ sẽ tăng lên, khuyến khích cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, ở những doanh nghiệp nhập khẩu thì vấn đề biến động tỷ giá lại là không có lợi. Bởi doanh nghiệp sẽ tốn nhiều tiền đồng hơn để đổi sang ngoại tệ trả cho bạn hàng. Theo đó, chi phí tiêu dùng cũng bị tăng theo, cụ thể như giá sữa, thực phẩm, nguyên phụ liệu trong ngành dệt may… Điều này cũng sẽ làm cho nguy cơ lạm phát tăng theo.


Vì vậy, đại diện Trung tâm Thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương) chia sẻ: “Khi tỷ giá biến động chỉ doanh nghiệp xuất khẩu có lợi, còn doanh nghiệp nhập khẩu bất lợi. Nếu USD tăng giá so với nội tệ, chi phí nguyên liệu đầu vào của hàng hóa sẽ tăng lên, dẫn đến giá thành cũng tăng theo”.

Tỷ giá USD/đồng tại các ngân hàng vẫn cao

Vài ngày gần đây, tỷ giá giao dịch USD/đồng vẫn ở mức cao. Sau nhiều lần đổi giá trong ngày 16/6, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng giá bán USD lên kịch trần. Cụ thể, tại Ngân hàng ACB, tỷ giá USD được niêm yết mua vào - bán ra ở mức 21.206 - 21.246 đồng/USD; tại BIDV là 21.195 - 21.246 đồng/USD; tại Eximbank là 21.210 - 21.246 đồng/USD. Ngày 17/6, tỷ giá USD mua vào - bán ra tại Vietcombank là 21.200- 21.240 đồng, còn tại Eximbank là 21.215 - 21.246 đồng.


Đề cập việc có nên phá giá VND qua việc điều chỉnh tỷ giá, ông Cấn Văn Lực, cố vấn Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) phân tích: Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc… đang thực hiện chính sách phá giá đồng nội tệ để khuyến khích xuất khẩu khi hàng rào thuế quan giảm mạnh. Xét về mặt lý thuyết, khi phá giá tiền đồng, cán cân thương mại sẽ được cải thiện, xuất khẩu tăng, nhập khẩu giảm. Tuy nhiên tại Việt Nam, hầu hết các mặt hàng sản xuất trong nước để xuất khẩu (trừ hàng nông, lâm, thủy sản) đều phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu (90% tổng giá trị hàng nhập là nhập nguyên, vật liệu sản xuất).


Do đó, theo BIDV, ngay cả khi điều chỉnh tỷ giá, việc giảm nhập khẩu sẽ không thể xảy ra. Phá giá tiền đồng có lợi cho xuất khẩu nông sản - những ngành ít phải nhập khẩu nguyên liệu. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu nông, lâm sản trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước không lớn. Trong khi đó, các ngành hàng xuất khẩu khác phải nhập nguyên liệu lại chiếm số đông. Việc phá giá tiền đồng sẽ gây xáo trộn thị trường, làm niềm tin với tiền đồng sụt giảm. Chỉ cần cho phá giá tiền đồng 3- 4% sẽ gây đổ vỡ niềm tin, khiến lạm phát tăng mạnh. Tuy nhiên, với cách điều hành tỷ giá một cách từ từ theo tín hiệu thị trường hiện nay, kinh tế vĩ mô không bị ảnh hưởng.


“Việc các doanh nghiệp xuất khẩu trông chờ vào việc phá giá VND để kiếm lợi nhuận sẽ làm các doanh nghiệp xuất khẩu quên đi cách thức tạo giá trị cạnh tranh bền vững, thông qua việc cải thiện năng suất lao động và nâng cao giá trị gia tăng. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn nhận những tác động của việc phá giá tiền đồng trên bình diện toàn nền kinh tế để có cái nhìn đa chiều hơn. Có thể nói, lợi ích của việc phá giá mạnh VND ở thời điểm này sẽ thấp hơn rất nhiều so với hậu quả mà quyết định này mang lại.


Ổn định trong linh hoạt


Theo ông Nguyễn Hoành Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, dư địa tín dụng của ngành ngân hàng năm nay vẫn còn khá lớn, khoảng 12%. Vốn cho vay của ngân hàng vẫn còn khá nhiều nên chỉ cần các doanh nghiệp có phương án kinh doanh tốt thì ngân hàng sẵn sàng cho vay. “Ngân hàng đảm bảo có đủ ngoại tệ để cung ứng cho các doanh nghiệp, kể cả trường hợp tỷ giá ngoại tệ có biến động. Tuy nhiên, sự biến động tỷ giá chỉ là nhất thời do tâm lý của người dân. Vì vậy, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu không nên quá lo ngại”, ông Minh nói.


Đại diện Ngân hàng HSBC Việt Nam cho hay: NHNN đã rất thận trọng trong chính sách ngoại hối và tiền tệ nói chung. Sự kết hợp giữa chính sách tiền tệ với ngoại hối rất nhuần nhuyễn trong 2 năm qua. Theo HSBC Việt Nam, duy trì tỷ giá ổn định sẽ tạo sự ổn định kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin vào VND, từ đó có cơ sở để kéo lãi suất xuống.


Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế TS. Trần Du Lịch cho rằng, ổn định tỷ giá không có nghĩa là “neo” tỷ giá quá lâu mà cần phải có sự linh hoạt để khuyến khích xuất khẩu. “Biên độ dao động của tỷ giá tăng không quá 2% trong năm nay là phù hợp. So với lạm phát mục tiêu 5 - 6% trong năm nay thì lãi suất tiết kiệm vẫn thực dương và việc chọn tiền đồng vẫn có lợi”, ông Lịch nói.


Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Hữu Thắng cho rằng, việc điều hành tỷ giá của NHNN hiện nay là hợp lý. Ổn định tỷ giá về dài hạn sẽ có lợi cho tổng thể nền kinh tế. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, để kích thích xuất khẩu, NHNN nên điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng. "Việc NHNN đưa ra chủ trương từ nay đến cuối năm điều chỉnh tỷ giá ở mức tăng 2% là phù hợp”, ông Nguyễn Hữu Thắng phân tích.


Minh Phương- Hải Yên