05:23 09/05/2011

Oasinhtơn không coi sự tăng trưởng của Bắc Kinh là “mối đe dọa”

Ngày 9/5, vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc đã khai mạc tại thủ đô Oasinhtơn (Mỹ).

Ngày 9/5, vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ ba giữa Mỹ và Trung Quốc đã khai mạc tại thủ đô Oasinhtơn (Mỹ). Đồng chủ trì vòng đối thoại lần này phía Mỹ có Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner, trong khi đại diện phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Vương Kỳ Sơn và Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc.

Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc Đới Bỉnh Quốc phát biểu tại phiên khai mạc vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế lần thứ ba Mỹ - Trung tại Oasinhtơn ngày 9/5. Ảnh: AFP - TTXVN


Phát biểu khai mạc vòng đối thoại, Phó Thủ tướng Trung Quốc Vương Kỳ Sơn nêu rõ Bắc Kinh và Oasinhtơn chia sẻ nhiều lợi ích chung và mối quan hệ giữa hai nước đóng vai trò quan trọng đối với thế giới. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Geithner cho rằng khả năng phối hợp hành động giữa hai nước có ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định của nền kinh tế toàn cầu. Theo ông Geithner, Trung Quốc đang ngày càng phát triển, song Bắc Kinh cần thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của mình. Về phần mình, Ngoại trưởng Mỹ Clinton nói rằng Oasinhtơn không coi sự tăng trưởng của Trung Quốc là một “mối đe dọa”. Bà Clinton cũng cho biết Mỹ muốn tìm kiếm sự tin tưởng hơn nữa với Trung Quốc để hai nước có thể phối hợp trong các vấn đề quốc tế, đồng thời nêu rõ hai bên cần đạt tới sự hợp tác, hơn là bất đồng.

Dự kiến, tại vòng đối thoại kéo dài hai ngày này, hai bên sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề vĩ mô, chiến lược và dài hạn trong phát triển mối quan hệ Trung - Mỹ, cũng như về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm nhằm tăng cường hiểu biết, củng cố lòng tin lẫn nhau và đẩy mạnh hợp tác.
Vòng Đối thoại Chiến lược và Kinh tế đầu tiên giữa Mỹ và Trung Quốc diễn ra tháng 7/2009 tại Oasinhtơn, vòng thứ hai được tổ chức ở Bắc Kinh tháng 5 năm ngoái.

Khó có thể tạo bước đột phá lớn?

Theo nhận định của nhiều nhà quan sát, tại vòng đối thoại, Mỹ có thể sẽ ép Trung Quốc về một loạt vấn đề liên quan đến tỷ giá đồng NDT, cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong khi Bắc Kinh hy vọng sẽ hối thúc Oasinhtơn dỡ bỏ các rào cản đối với những công ty Trung Quốc làm ăn tại Mỹ. Song, giới phân tích nhận định hai bên sẽ khó có thể tạo được bước đột phá lớn nào tại các cuộc đàm phán cấp cao thường niên này.

Các chuyên gia cho rằng trước áp lực mạnh mẽ từ phía Mỹ về chính sách tiền tệ, Trung Quốc dường như sẵn sàng hơn cho phép đồng NDT tăng giá ở mức nhanh hơn để kiểm soát lạm phát trong nước, một mối quan tâm mới chủ chốt của Bắc Kinh. Trung Quốc đã nâng 5% giá trị đồng NDT so với đồng USD kể từ khi nước này cam kết áp dụng tỷ giá linh hoạt hơn cho đồng nội tệ hồi tháng 6/2010. Bắc Kinh cũng phát đi tín hiệu rằng tỷ giá hối đoái sẽ được sử dụng để kiềm chế đà leo thang của giá cả và dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng ở nước này.

Giáo sư kinh tế Patrick Chovanec, thuộc Đại học Thanh Hoa, nhận định giới lãnh đạo Trung Quốc sẵn sàng nâng giá đồng nội tệ nếu động thái này giúp họ đối phó với lạm phát, song mức tăng sẽ chỉ vừa phải, bởi lẽ Trung Quốc vẫn lo ngại tác động của việc điều chỉnh tỷ giá đối với ngành xuất khẩu.
Các quan chức Mỹ lâu nay chỉ trích gay gắt chính sách tỷ giá của Trung Quốc khi cho rằng Bắc Kinh đã cố tình ấn định giá trị đồng NDT ở mức thấp hơn nhiều so với giá trị thực, nhằm đem lại thế thương mại không công bằng cho các nhà xuất khẩu trong nước, gây thiệt hại cho giới doanh nghiệp và người lao động Mỹ.

Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ yêu cầu Trung Quốc mở cửa thị trường hơn cho các doanh nghiệp Mỹ. Về thương mại, các quan chức Mỹ sẽ tiếp tục yêu cầu Trung Quốc cải tổ lĩnh vực tài chính nước này như tuyên bố hồi tuần trước của Bộ trưởng Tài chính Geithner. Theo ông Geithner, Trung Quốc cần bãi bỏ những hình thức bảo hộ đang được thiết kế nhằm giảm chi phí vốn cho các doanh nghiệp quốc doanh.

Trong khi đó, phái đoàn Trung Quốc hy vọng có thể thúc đẩy Mỹ dỡ bỏ những hạn chế đối với các doanh nghiệp Trung Quốc làm ăn tại thị trường Mỹ. Đây là vấn đề lớn đối với giới chức Trung Quốc trong bối cảnh ngày càng nhiều công ty trong nước vươn ra nước ngoài.

Tại một cuộc họp báo cuối tuần qua, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu tuyên bố phái đoàn Trung Quốc tham dự cuộc đối thoại sẽ yêu cầu chính phủ Mỹ cung cấp một sân chơi bình đẳng cho các doanh nghiệp Trung Quốc. Theo một báo cáo của Trung tâm Xã hội châu Á (trụ sở tại Mỹ) về quan hệ Trung-Mỹ, các doanh nghiệp Trung Quốc đang cảm thấy đầu tư vào Mỹ hấp dẫn hơn trước. Năm ngoái, đầu tư Trung Quốc vào Mỹ đạt hơn 5 tỷ USD. Ước tính đến năm 2020, đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài sẽ đạt 1.000 tỷ USD và Mỹ sẽ chiếm một phần quan trọng trong đó.

TKT - H.H