Ô tô trong nước giảm giá nhưng vẫn 'lép vế' trước xe nhập khẩu

Tính đến hết tháng 8/2017, doanh số bán hàng của xe ô tô lắp ráp trong nước giảm 11% trong khi xe nhập khẩu tăng 10% so với cùng kì năm ngoái.

Báo cáo của Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA) cho biết, trong tháng 8/2017, doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.099 xe, tăng 7% so với tháng 7/2017 và giảm 6% so với tháng 8/2016.

Doanh số bán hàng của toàn thị trường đạt 22.099 xe, bao gồm 12.568 xe du lịch; 8.687 xe thương mại và 844 xe chuyên dụng. Doanh số xe du lịch tăng 12%; xe thương mại tăng 2% và xe chuyên dụng giảm 14% so với tháng trước. Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 15.494 xe, tăng 5% so với tháng trước và số lượng xe nhập khẩu nguyên chiếc là 6.605 xe, tăng 12% so với tháng trước.

Trong đó, doanh số bán hàng theo chủng loại xe của các thành viên VAMA tính đến hết tháng 8, tổng doanh số bán hàng giảm 6% so với cùng kì năm ngoái. Xe ô tô du lịch giảm 4%; xe thương mại giảm 7% và xe chuyên dụng giảm 17% so với cùng kì năm ngoái.

Trong đó, phải kể đến sự sụt giảm của một số thương hiệu lớn như Công ty ô tô Trường Hải (Thaco), tổng trong tháng 8/2017, Thaco bán ra thị trường 6.228 chiếc các loại, giảm 2.990 chiếc (32%) so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 626 chiếc (9%) so với tháng 7/2017.

Doanh số bán hàng của Vama tháng 8/2017.

Giảm mạnh nhất là doanh số của Tổng công ty cơ khí giao thông Sài Gòn (SAMCO), trong tháng 8/2017, hãng này bán được 99 xe, giảm 53% so với cùng kỳ năm ngoái và 16% so với tháng 7/2017. Hãng Honda bán được 1.113 chiếc, tăng so với cùng kỳ năm ngoái 10% nhưng giảm nhẹ, 2% so với tháng 7/2017.

Tuy nhiên, một số hãng vẫn có doanh số tăng như Mercedes-Benz Vietnam bán được 524 chiếc tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và 25% so với tháng 7/2017. Công ty ô tô Toyota Việt Nam bán được 5.794 xe, tăng 48% so với cùng kỳ năm ngoái và 35% so với tháng 7/2017.

Như vậy, thị trường ô tô tháng 8/2017 đã có chiều hướng đi lên so với vài tháng trước đó. Theo đánh giá, bên cạnh việc xả hàng trước năm bản lề 2018 cùng doanh số sụt giảm trong tháng 7 đã khiến các nhà sản xuất liên tục có chính sách giảm giá để kích cầu. Chương trình khuyến mại kéo dài từ tháng trước sang tháng sau, nhiều mẫu xe tháng trước vừa giảm, tháng sau còn giảm nhiều hơn.

Đáng chú ý, ở dòng xe đa dụng (SUV) chứng kiến cuộc cạnh tranh giảm giá khốc liệt giữa Honda CR-V và Mazda CX-5, Nissan X-Trail. Cả 2 mẫu xe CR-V và CX-5 ở thời điểm đầu năm 2016 (thời điểm phiên bản mới được giới thiệu ra thị trường) đều có giá trên 1 tỷ đồng. Đến nay, sau 19 tháng, Honda CR-V đã giảm hơn 300 – 330 triệu đồng tùy phiên bản.

Hàng loạt mẫu xe chủ chốt của Mazda như Mazda3, Mazda6, CX-5 đồng loạt có mức giá thấp kỷ lục từ trước tới nay. Cụ thể, Mazda6 trong tháng 8 bán ra ở mức từ 841 - 990 triệu đồng, giảm cao nhất trong số các mẫu xe Mazda với mức giảm từ 45-106 triệu đồng, mẫu xe Mazda bán chạy nhất thị bán ra dao động từ 650-760 triệu đồng giảm hàng chục triệu đồng...

Đối với dòng xe nhập khẩu nguyên chiếc, lượng ô tô Indonesia nhập khẩu về Việt Nam đã tăng đáng kể và vượt qua cả Thái Lan - vốn là thị trường cung cấp nhiều ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam nhất, lượng ô tô nhập khẩu từ Indonesia tăng từ mức 2.108 xe của tháng 7 lên mức 2.967 trong tháng 8.

Số lượng nhập khẩu ô tô từ Thái Lan về Việt Nam lại giảm đi so với tháng trước, từ mức 2.688 xe xuống còn 2.053 xe và đứng ở vị trí thứ 2.

Đứng thứ 3 là Trung Quốc với 806 xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam, chỉ tăng nhẹ so với mức 757 chiếc của tháng trước.

Trang Thu/Báo Tin Tức
Vì sao các dòng ô tô lắp ráp trong nước đua nhau ‘rớt’ giá?
Vì sao các dòng ô tô lắp ráp trong nước đua nhau ‘rớt’ giá?

Việc các hãng ô tô tại Việt Nam liên tiếp giảm giá "sốc” cho các dòng xe lắp ráp trong nước trong thời gian vừa qua đều có chủ đích.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN