Giải bài toán chỗ đỗ xe ở Nga

Từ lâu ở thủ đô Mátxcơva của LB Nga người ta đã nói đến “cuộc chiến chỗ đỗ xe”. Xe hơi quá nhiều và bãi đỗ quá hiếm. Tình hình ngày càng trầm trọng vì mỗi năm thành phố Mátxcơva phải cõng thêm hơn 100.000 xe. Giải quyết vấn đề này chỉ có thể là chính sách “Nhà nước và nhân dân cùng góp công góp sức”.

Ban đêm phần lớn các chủ xe ở Mátxcơva buộc phải để “con ngựa sắt” của mình vạ vật ở góc sân chung cư, bên lề đường. Cũng có người bạo gan trèo lên hè hay lao vào bãi cỏ, sân chơi của trẻ em. Trong bối cảnh đó các bãi trông xe ô tô tự phát mọc lên như nấm, gây bất bình trong dư luận.

Nhiều người đã lên mạng bày tỏ sự bức xúc của mình về những bãi giữ xe bất hợp pháp. Dưới đây là một ý kiến trong số đó:

“Điểm trông giữ tử tế thiếu trầm trọng, có nghĩa là người ta buộc phải để xe ngoài phố suốt đêm, dù cho đó là một đống tài sản. Trong môi trường béo bở như vậy thì rất dễ dàng mọc ra cả một nghề kinh doanh, nếu có thể gọi đây là nghề.


Trên các đường phố ở khu trung tâm sầm uất xuất hiện những kẻ khoác lên mình chiếc ghi lê màu vàng cam và dựng lên những chiếc cọc bằng nhựa – thế là hình thành những bãi trông xe qua đêm. Ban ngày đây là con phố bình thường, tối đến một người đàn ông chễm chệ ngồi trên chiếc ghế nhựa, tay lăm lăm cuốn sổ và cây bút. Người chủ xe móc hầu bao trả 150 rúp (gần 5 USD), tin tưởng trao gửi chiếc xế hộp mới tinh có giá 30.000 USD.

Mẫu thí điểm “Nhà để xe nhân dân”.

Điểm trông xe tự phát bắt đầu ca trực từ 18 giờ 00 và kết thúc vào lúc 8 giờ 00 ngày hôm sau. Rất nhiều người gửi lấy xe sau 8 giờ sáng. Và đây là cái bẫy! Nhân viên trông xe rất thiếu trách nhiệm – ngủ quên, uống rượu, bỏ đi đâu đó.


Do vậy mà xẩy ra nhiều rủi ro – xe bị va quệt, bẻ gương… Tối hôm sau “khổ chủ” đến bắt đền người giữ xe. Và đây là cuộc đối thoại của họ: “Anh (chị) lấy xe lúc mấy giờ? Khoảng 8 giờ 20. Ồ, tôi tan ca trực lúc 8 giờ kia mà, chắc xe của anh (chị) bị trầy xước (mất gương…) sau 8 giờ rồi”. Thế là hết chuyện. Nếu ai đó làm căng thì may ra được bù một tháng gửi xe miễn phí! Còn nếu xe bị móp méo nghiêm trọng thì điều gì sẽ xảy ra? Trong trường hợp này thì người giữ xe biến mất dạng, còn thay vào đó là một nhân viên mới. Anh này dĩ nhiên là chẳng nhận trách nhiệm thay cho người cũ. Vậy thì chúng ta mất tiền vì cái gì?”.

Người dân chỉ trích chính quyền Mátxcơva đã không làm gì để cải thiện tình hình. Thế nhưng có phải những người chủ xe hoàn toàn vô can trong chuyện này. Đại diện một cơ quan hữu trách “phản pháo”: “Thái độ vô trách nhiệm của công dân trong vấn đề chỗ để xe đến một lúc nào đó sẽ dẫn đến thảm họa.


Ai cũng nghĩ là không có cách gì khác là phải cho phép đỗ xe trên bãi cỏ. Nhưng xe hơi là tài sản riêng. Còn mặt bằng trong sân chung cư không phải là tài sản riêng và không được thiết kế để làm chỗ đỗ cho phương tiện di chuyển của cá nhân. Các lối vào sân chỉ dành cho xe công vụ như xe cứu thương, xe cảnh sát, xe chữa cháy, xe chở thư, báo…

Ngay cả khi chúng ta rải nhựa lên tất cả các bãi cỏ quanh khu chung cư trong thành phố thì vẫn cũng không đủ chỗ đỗ cho mọi chiếc xe. Các khoảnh sân của chung cư không đủ rộng để cho ai muốn đỗ xe cũng được. Chỉ trích chính quyền phường, quận về chuyện lối vào các chung cư chật hẹp ư, vì cớ gì? Đó là vì khi mua xe chẳng ai chịu nghĩ: “Để nó ở đâu nhỉ? Đó là chẳng ai hỏi ý kiến Tòa thị chính về kế hoạch mua xe cả. Tại sao Tòa thị chính lại phải giải quyết chỗ đỗ ngay dưới cửa sổ nhà mình cho mỗi chủ xe trong khu chung cư có rất nhiều căn hộ? Tôi là người nhiệt thành ủng hộ việc phạt thật nặng các vi phạm về chỗ đỗ. Phạt theo kiểu “phủi bụi” thì chẳng ăn thua, mọi người thà nộp phạt còn hơn mua chỗ trong bãi gửi xe thu phí. Đã mua được xe thì hãy móc tiền ra trả cho chỗ gửi xe!”.

Cuộc tranh cãi kiểu này có thể kéo dài bất tận. Và để giảm bớt sự căng thẳng, chính quyền Mátxcơva đã đưa ra ý tưởng xây dựng “Nhà để xe nhân dân”. Đây là các khối nhà gửi xe hoàn toàn nổi trên mặt đất, gồm ba hay bốn tầng, kết cấu đơn giản. Gọi là “nhân dân” vì giá của chúng khá bình dân so với mặt bằng chung ở Mátxcơva - 350.000 rúp (khoảng 11.000 USD)/chỗ.


Những người mua không nhất thiết phải có hộ khẩu ở cùng quận. Họ cũng không nhất thiết phải chứng minh là mình đang sở hữu một chiếc xe. Nói tóm lại là mọi công dân Nga, bất kể có xe hay không có xe, đều có quyền mua chỗ trong “Nhà để xe nhân dân”. Một chỗ đỗ xe trong nhà có diện tích 6x3 mét, sàn được rải nhựa, còn cả tòa nhà thì có điện chiếu sáng, có hệ thống báo cháy và chữa cháy hiện đại nhưng không được trang bị hệ thống lò sưởi. Lối lên xuống và việc bố trí chỗ đỗ được áp dụng theo công nghệ hiện đại.

Sau khi công trình hoàn thiện và các chỗ để xe đã được sang tên thì các chủ sở hữu phải lập ra một dạng hợp tác xã để bầu Ban chủ nhiệm. Theo ý nguyện của các hội viên mà Ban chủ nhiệm quyết định việc thuê bảo vệ, lắp camera theo dõi, lập đội rửa xe, bố trí kho chứa lốp mùa đông…

Người dân Mátxcơva không nhất thiết ngồi chờ đến khi các “Nhà để xe nhân dân” xuất hiện tại phường của mình mà có thể chủ động đề xuất với chính quyền địa phương. Các chủ xe phải họp thành nhóm ít nhất 10 người rồi viết đơn tập thể gửi đến chính quyền phường.


Cán bộ địa chính của phường sẽ xem xét và lựa chọn khu đất trống phù hợp để xây nhà gửi xe. Thủ tục từ lúc gửi đơn đến khi được cấp đất và khánh thành “Nhà để xe nhân dân” đòi hỏi ít nhất một năm rưỡi.

Chính quyến thành phố Mátxcơva dự tính sẽ xây dựng 525.000 chỗ gửi xe trong 3 năm (từ năm 2011 - 2013) theo chương trình “Nhà để xe nhân dân”, còn trong 3 năm tiếp theo sẽ xây 164.500 chỗ gửi xe.

Trần Quang Vinh (Tổng hợp báo chí Nga)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN