01:15 16/01/2012

Ở Premier League, không còn "sân nhà", "sân khách"?

Tính đến trước vòng 21 mùa này, chiến thắng dành cho đội khách chiếm đến 34% các trận diễn ra. Không khí sôi động của các khán giả, những quyết định nhẹ tay hơn của trọng tài và sự quen thuộc với mọi ngóc ngách trên sân có vẻ không còn là ưu thế quyết định nữa.

Tính đến trước vòng 21 mùa này, chiến thắng dành cho đội khách chiếm đến 34% các trận diễn ra. Không khí sôi động của các khán giả, những quyết định nhẹ tay hơn của trọng tài và sự quen thuộc với mọi ngóc ngách trên sân có vẻ không còn là ưu thế quyết định nữa.

Ít có điều gì trong bóng đá ngọt ngào hơn một chiến thắng sân khách. Những ai từng theo chân đội nhà trong những chuyến đi xa hẳn hiểu rõ có được 3 điểm ở sân đối phương sẽ kịch tính, đáng giá và nhiều cảm xúc hơn hẳn so với chiến thắng ở sân nhà.

Đó đơn giản là vấn đề đại số. Các CĐV đội khách thường chỉ lọt thỏm trong những chuyến xa nhà, với tỉ lệ phổ biến là 1/10, nên cảm giác bị bao vây dễ hiểu sẽ tạo ra sự phấn khích hơn hẳn cho chiến thắng. Nhưng đó cũng có thể là một vấn đề thống kê, những trận thắng sân khách hiếm hoi hơn, nên chúng mang lại nhiều cảm xúc hơn.

Tuy nhiên, thống kê đang có xu hướng không còn đúng nữa ở Premier League mùa này. Thông thường, tỉ lệ các trận thắng sân khách ở giải Ngoại hạng đâu đó vào khoảng 25%. Trong 15 năm qua, theo thống kê, tỉ lệ này chỉ chạm mức 30% trong một lần duy nhất, chính xác là 30% vào mùa giải 2001-2002. Trong hai mùa gần nhất, tỉ lệ này ở mức dưới 24%. Nhưng mùa này, sau 20 vòng, tỉ lệ đã là 34%, cao nhất trong lịch sử giải Ngoại hạng.



M.U là đội đá sân khách tốt nhất ở mùa này.



Đó là một thống kê rất khác thường. Cứ ba trận thì có một trận đội khách chiến thắng là điều hoàn toàn mới mẻ. Lợi thế sân nhà trong một thời gian dài đã là nhân tố cơ bản của bóng đá cấp CLB, nhưng xu thế này đang thay đổi.

Vai trò của phòng ngự

Nói chung, bí quyết có một trận thắng sân khách thường khá đơn giản: phòng thủ thật vững và bất thình lình tung ra một đòn quyết định. M.U hiện là đội có thành tích sân khách tốt nhất ở mùa này, với 7 chiến thắng và chỉ 1 thất bại trong 10 trận sân khách. Đội nhì bảng đang rất chắc chân trên đường có số chiến thắng sân nhà đạt mức hai chữ số.

Paddy Crerand, từng chơi hơn 300 trận cho M.U, tin rằng phòng ngự là điều quyết định: “Ai cũng biết rõ phòng thủ là rất, rất quan trọng. Và trên sân khách điều đó càng quan trọng. So với khi đến Old Trafford, họ sẽ tấn công nhiều hơn khi tiếp M.U. Họ còn bị hối thúc làm điều đó bởi các CĐV nhà. Nhưng tấn công trực diện vào M.U có thể là một quyết định khiến bạn phải trả giá đắt”.

Nhiều năm kinh nghiệm ở Champions League đã dạy cho M.U cách phòng ngự phản công rất đáng sợ. “Kinh nghiệm chơi bóng trên sân khách ở châu Âu là một nhân tố lớn”, Crerand phân tích. “Bạn học được cách phòng ngự khi chơi trước những đối thủ hàng đầu. Nếu bạn không phòng ngự tốt, bạn sẽ bị trừng phạt, ở vòng đấu loại trực tiếp”. Điều này góp phần giải thích thành công khi xa nhà của các đội bóng hàng đầu. Không có gì ngạc nhiên khi các đội có truyền thống chơi bóng ở châu Âu có thành tích sân khách tốt hơn.

Ngoài ra, còn những lời giải thích khác về mặt chiến thuật. Jonathan Wilson, tác giả cuốn sách Inverting the Pyramid: The History of Football Tactics (Đảo ngược kim tự tháp: Lịch sử chiến thuật bóng đá thế giới), cho rằng những thay đổi chiến thuật đã góp phần làm giảm bớt lợi thế sân nhà. “Nếu hai đội đều chơi với đội hình 4-4-2 tiêu chuẩn, mỗi cầu thủ sẽ có một đối thủ, chơi giống nhau và khi đó đội chủ nhà có lợi thế”, ông nói. “Trong khi nếu bạn thay đổi, chơi phức tạp hơn về chiến thuật, kết quả cũng có thể thay đổi”.

Thêm vào đó, một số sân bóng lớn đơn giản là đã đánh mất hào quang trong mùa giải này, và các đội khách giờ sẵn sàng hơn cho những chiến thắng. “Trong quá khứ nếu bạn tới Old Trafford, Anfield, Stamford Bridge hay Emirates, bạn thường chờ đợi một trận thua”, Wilson giải thích. “Những đội bây giờ không còn sợ hãi như thế nữa. Các ví dụ là Blackburn ở Old Trafford hay Aston Villa ở Chelsea. Họ đến đó với suy nghĩ trong đầu: thật ra, đối thủ cũng thường thôi”.

Câu trả lời có thể không nằm trên sân, mà trên khán đài. Các sân bóng ở Premier League không còn đông đúc như trước. Số khán giả đến sân trung bình mùa này, 34.515, là thấp thứ hai trong 5 năm gần nhất ở giải Ngoại hạng, và kém xa so với mức cao nhất mùa giải 2007-2008, 36.076. Điều đó làm giảm bớt nhiệt độ của bầu không khí thường sôi sục hơn ở các sân bóng lớn. Các sân bóng được hiện đại hóa cũng góp phần khiến khán giả phải cư xử lịch thiệp hơn, và do đó, ít hiếu chiến và gây ra ít sức ép hơn với đội khách.

“Một số sân bóng mới có khán đài rất xa, khiến tác động đến sân ít hơn”, Malcolm Clarke, Chủ tịch hiệp hội CĐV bóng đá Anh, nói. “Giờ sân nào cũng có hệ thống sửi ngầm, thoát nước đúng quy cách. Các trận đấu không còn diễn ra trong giá lạnh và bùn đen. Nói chung, điều kiện chơi bóng cho các cầu thủ, dù khách hay nhà, là tốt như nhau, nên bầu không khí không quá quan trọng nữa”, Wilson góp ý.

Theo thethaovanhoa.vn