11:15 29/11/2014

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở Sóc Trăng

Hàng trăm hộ dân ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng phải chịu thảm cảnh ô nhiễm quá trầm trọng từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng.

Nhiều năm qua, không chỉ người lưu thông trên tuyến quốc lộ 1A, đoạn qua khu công nghiệp An Nghiệp thuộc địa phận xã An Hiệp, huyện Châu Thành, Sóc Trăng phải "chịu trận" bởi mùi hôi thối, mà hàng trăm hộ dân sinh sống gần đó cũng phải chịu thảm cảnh ô nhiễm quá trầm trọng từ nhà máy xử lý nước thải của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng.

Nước thải của các doanh nghiệp dệt, nhuộm sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nếu không được xử lý tốt. Ảnh: sggp.org.vn


Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân trong vùng mà còn cho thấy sự vô trách nhiệm và xem thường pháp luật của công ty này khi hàng ngày thản nhiên xả thải thẳng ra môi trường mà chưa qua xử lý.

Theo chị Sơn Thị Phi, một người dân sống gần khu vực ô nhiễm cho biết, tình trạng ô nhiễm này đã kéo dài rất lâu, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt không chỉ gia đình chị mà còn với cả những hộ dân sống xung quanh. Cả ngày gia đình chị phải đóng kín cửa để hạn chế mùi ô nhiễm; việc buôn bán của gia đình cũng đi xuống từ mấy năm qua.

Theo giải thích của ông Trần Trường Giang - Giám đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng thì từ cuối năm 2012, Ban Quản lý các khu công nghiệp và Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp đã làm việc với nhiều đơn vị chuyên ngành môi trường để bảo trì nhà máy nhưng không đơn vị nào đảm nhận.

Đến tháng 6/2014, công ty có ký hợp đồng bảo dưỡng hàng năm nhà máy xử lý nước thải với một công ty tại Cần Thơ nhưng sau 2 tháng thực hiện bảo trì tại nhà máy xử lý nước thải, công ty kia cũng từ chối thực hiện hợp đồng với lý do nhà máy hoạt động quá tải, ô nhiễm cao. Hiện tại, Ban Quản lý các khu công nghiệp đã gửi yêu cầu bảo trì cho 2 đơn vị khác. Ông Giang cho biết, đơn vị có làm việc với các doanh nghiệp có làm lưới chắn rác, cũng như xử lý sơ bộ trước khi đấu nối với hệ thống xử lý nước thải của nhà máy, nhưng việc này chưa được các đơn vị thực hiện nghiêm túc.

Nhà máy xử lý nước thải và hệ thống thu gom nước thải tập trung Khu công nghiệp An Nghiệp đi vào hoạt động từ cuối năm 2009. Đến nay, đã có 11 doanh nghiệp đấu nối nước thải vào hệ thống đưa về nhà máy xử lý nước thải tập trung. Các doanh nghiệp trong khu công nghiệp không phải xử lý sơ bộ, chỉ qua lưới chắn rác và xả thẳng vào hệ thống thu gom đưa về nhà máy, nhà máy xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra môi trường. Hiện nay, nhà máy xử lý đạt ở công suất 70% tương đương 2.800m 3 /ngày đêm nhưng nhà máy đang tiếp nhận nước thải của các doanh nghiệp trung bình từ 3.300 - 3.800 m 3 /ngày đêm.

Như vậy, so với công suất xử lý của nhà máy vượt từ 500-1.000m 3 /ngày đêm và số lượng nước thải không xử lý hết nhà máy xả qua các ao chứa nước thải trong khu công nghiệp, khả năng xử lý bằng thực vật thủy sinh như bồn bồn, lục bình ở các ao chứa nước thải không mang lại hiệu quả như mong đợi, gây ra tình trạng ô nhiễm, gây mùi hôi, ảnh hưởng đến người dân sinh sống xung quanh khu vực Khu công nghiệp An Nghiệp.

Việc nhà máy xử lý nước thải quá tải là không chính xác, nguyên nhân quá tải chưa rõ ràng khi Nhà máy xử lý nước thải có công suất thiết kế 4.000m3/ngày đêm nhưng hiện nay chỉ xử lý đạt ở công suất 70%, tương đương 2.800m3 /ngày đêm. Điều này vừa đặt ra nghi vấn về công suất thực trong việc xử lý nước thải của nhà máy so với thiết kế ban đầu; năng lực thực sự của đơn vị này trong việc vận hành và xử lý nước thải. Vấn đề đặt ra hiện nay, tại sao công ty này khó tìm được đơn vị bảo trì nhà máy trong suốt một thời gian quá dài và khi đã hết khả năng, công ty này được quyền xả thải thẳng ra môi trường?

Theo đánh giá của Sở Tài Nguyên và Môi trường Sóc Trăng, công tác duy tu bảo dưỡng trong thời gian vừa qua đã không được thực hiện đúng theo quy định. Hệ thống xử lý nước thải hoạt động từ cuối năm 2009 đến nay đã trải qua nhiều năm nhưng vấn đề duy tu bảo dưỡng, nạo vét hồ chưa làm đúng theo quy định, dẫn đến hệ thống xử lý nước thải không đạt theo công suất mong muốn.

Qua kết quả quan trắc và dựa trên thiết kế công suất 4.000m3/ngày đêm thì về mặt lý thuyết nhà máy chưa quá tải. Hệ thống vận hành chưa đạt theo công suất thiết kế là do quy trình vận hành chưa đúng mức, chưa đúng quy trình; chưa làm tốt công tác bảo trì, nếu việc bảo trì không tốt thì lượng bùn lắng xuống hồ sẽ làm giảm thể tích của bể xử lý, kéo theo tình trạng giảm công suất xử lý.

Hơn nữa, khả năng xử lý của hệ thống nhà máy chưa được đầu tư mở rộng mà đưa doanh nghiệp đấu nối xả thải vào nhiều nên ảnh hưởng đến chất lượng xử lý, công suất của nhà máy. Nếu tháng 3/2014 có 10 doanh nghiệp đấu nối vào nhà máy xử lý nước thải thì đến nay đã có 11 doanh nghiệp đấu nối vào. Thay vì trong thời gian kêu gọi đầu tư nhà máy xử lý nước thải giai đoạn II thì Ban Quản lý các khu công nghiệp cần làm việc với các doanh nghiệp để có kế hoạch giảm thải như: xử lý sơ bộ trước khi thải hoặc áp dụng chương trình sản xuất sạch hơn để giảm nước thải trong quá trình sản xuất.

Cũng theo Sở Tài Nguyên và Môi trường Sóc Trăng thì một nguyên nhân khác mà hệ thống xử lý không hiệu quả do khâu kiểm tra của Ban Quản lý Khu công nghiệp không đúng quy định. Cụ thể, doanh nghiệp phải qua xử lý sơ bộ trước khi thải trực tiếp vào nhà máy, nếu không xử lý sơ bộ sẽ làm tăng thêm áp lực cho nhà máy, làm nhà máy vận hành khó khăn, như vậy trách nhiệm công ty trong việc kiểm tra chưa cao. Vấn đề hiện nay cần làm rõ quy trình xử lý, bảo trì và vận hành, rà soát lại công suất của nhà máy.

Trước những bức xúc của người dân về việc ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng tại Khu công nghiệp An Nghiệp, mới đây, đoàn khảo sát của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã khảo sát và làm việc với lãnh đạo Ban quản lý các Khu công nghiệp và Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Sóc Trăng về tình hình vận hành, xử lý nước thải tại nơi này. Tuy nhiên, trước khi những quyết định và chế tài được đưa ra thì hàng ngày, người dân xung quanh khu vực này vẫn phải chung sống với sự ô nhiễm trầm trọng này.


Chanh Đa (TTXVN)