03:15 09/03/2012

Ô nhiễm môi trường làng nghề

Trong nhiều năm qua, sự phát triển làng nghề trên cả nước đã tạo động lực to lớn góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế... Tuy nhiên, hệ lụy của phát triển làng nghề đã để lại nhiều hậu quả mà vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Trong nhiều năm qua, sự phát triển làng nghề trên cả nước đã tạo động lực to lớn góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt, hoạt động làng nghề đã sử dụng một lượng lớn lao động tại chỗ, giải quyết hiệu quả bài toán lao động, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của đất nước. Tuy nhiên, hệ lụy của phát triển làng nghề trong nhiều năm qua đã để lại nhiều hậu quả mà vấn nạn ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng đang là nỗi bức xúc của toàn xã hội.

Để lợi ích kinh tế song hành lợi ích môi trường

Theo đánh giá, hầu hết các làng nghề hiện nay đều gây ô nhiễm môi trường do rác thải không được xử lý xả ra môi trường xung quanh. Do vậy, bài toán đang cần lời giải hiện nay là làm thế nào để phát triển kinh tế làng nghề nhưng vẫn giữ được vệ sinh môi trường.

Đa đạng ô nhiễm

Sông Nhuệ chảy qua tỉnh Hà Tây và nối với sông Châu Giang, sông Đáy của tỉnh Hà Nam. Trước đây, khi chưa bị ô nhiễm, dòng sông này từng được dùng làm nơi thả cá và lấy nước sinh hoạt. Từ khi làng nghề khu vực này phát triển, song song với việc tạo ra thay đổi rõ rệt bộ mặt của từng vùng nông thôn thì làng nghề cũng đã góp phần làm cho môi trường con sông này bị xuống cấp nghiêm trọng. Và hậu quả là ô nhiễm đã hủy hoại môi trường tự nhiên trên lưu vực sông này. Chẳng hạn, năm 2009 hàng chục tấn cá đã chết trên sông Nhuệ, đoạn từ Mễ Trì (Từ Liêm) đến quận Hà Đông, kéo dài 7 km. Nguyên nhân chính là do dọc sông Nhuệ có rất nhiều cửa cống thải của các làng nghề, các cụm công nghiệp, trong đó có làng Lụa Vạn Phúc Hà Đông, một trong những làng nghề có mức độ ô nhiễm rất cao.`Năm 2010, nước thải của Hà Nội đổ về tỉnh Hà Nam qua sông Nhuệ đã dẫn đến tình trạng cá chết hàng loạt trên sông Châu Giang gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi trên đoạn sông này.

Rác thải được đổ rồi đốt trong cánh đồng làng Trát Cầu, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội – một làng nghề làm chăn, gối bông. Ảnh: Trần Việt - TTXVN


Làng nghề tại tỉnh Bắc Ninh lại có những hình thức ô nhiễm khác. Một nghiên cứu mới đây được thực hiện tại làng nghề tái chế nhôm xã Văn Môn (huyện Yên Phong) và làng nghề tái chế sắt phường Châu Khê (thị xã Từ Sơn) cho biết, lúa gạo thu hoạch tại ruộng đất của 2 làng nghề này có hàm lượng chì và asen cao hơn từ 1,5 đến 2 lần so với những vùng khác. Điều này có nghĩa là người dân phải chịu nguy cơ ảnh hưởng của chì trong gạo đối với sức khỏe cao hơn gần 2 lần so với dân vùng khác. Tuy nhiên, hàm lượng các chất gây ảnh hưởng này hiện vẫn nằm trong ngưỡng an toàn theo quy định của Bộ Y tế, hay tiêu chuẩn của WHO.

Nguyên nhân bị ảnh hưởng là do Văn Môn có làng nghề tái chế nhôm và kim loại màu lớn nhất miền Bắc, tập trung chủ yếu ở thôn Mẫn Xá. Nghề tái chế kim loại phát triển với quy mô tương đối lớn với 8.000 - 10.000 tấn phế liệu/năm được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào, chủ yếu là nhôm, chì. Châu Khê có làng nghề tái chế sắt thép truyền thống và lớn nhất vùng đồng bằng sông Hồng với khả năng cung cấp cho thị trường 200.000 tấn phôi đúc, 150.000 tấn thép cán, 8.000 tấn lưới, dây thép/năm…

Rác thải chưa xử lý xả thẳng xuống hồ bên vệ đường tại thị trấn Trúc Sơn, huyện Chương Mỹ (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Lâm-TTXVN


Ô nhiễm môi trường làng nghề cũng đã tác động xấu đến những mô hình phát triển kinh tế khác tại các địa phương, kìm hãm sự phát triển du lịch làng nghề, làm giảm lượng khách du lịch dẫn tới giảm nguồn thu từ hoạt động này tại các địa phương có làng nghề.

Điển hình như Hà Tây (cũ) là một vùng đất có tới 100 làng nghề truyền thống có từ lâu đời với nhiều nghề cổ truyền độc đáo mang bản sắc văn hóa tiêu biểu. Mặc dù, du lịch làng nghề truyền thống của vùng này luôn nhiệt tình mở cửa, vậy mà du khách vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Có nhiều lý do, nhưng trong đó, vấn đề ô nhiễm môi trường được xem là “chiếc gậy ngáng chân” du khách lớn nhất. Môi trường đất, nước, không khí ở hầu hết các làng nghề đều ô nhiễm ở mức báo động. Ngay cả những làng nghề mới, có trưng biển “du lịch làng nghề” như làng may Thượng Hiệp (Phúc Thọ) thì chất thải từ sản xuất cũng làm cho nguồn nước và không khí bị ô nhiễm. Cùng với vấn đề ô nhiễm, hạ tầng cơ sở như đường sá chật hẹp, kém chất lượng khiến cảnh quan du lịch làng nghề trở nên bí bách, thiếu thông thoáng.

Theo đánh giá của ngành môi trường, ô nhiễm môi trường tại các làng nghề tồn tại từ rất lâu, nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả. Tình trạng ô nhiễm môi trường của nhiều làng nghề diễn biến ngày càng trầm trọng hơn. Đặc biệt, các làng nghề tại miền Bắc phát sinh nhiều chất thải nguy hại nhất, chủ yếu là các làng nghề tái chế kím loại, đúc đồng với nguồn chất thải rắn phát sinh bao gồm bavia, bụi kim loại, phôi, gỉ sắt…

Nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất ở các làng nghề rất lạc hậu, quy mô sản xuất ỏ các làng nghề thường là hộ cá thể không đủ năng lực tài chính và kỹ thuật để đầu tư cải tiến công nghệ và bảo vệ môi trường; chưa có cơ quan chủ trì quản lý môi trường ở các làng nghề, hệ thống các văn bản pháp quy về quản lý môi trường chưa cụ thể và chưa phù hợp với đặc điểm làng nghề; hiểu biết về bảo vệ môi trường của nhân dân ở các làng nghề còn rất hạn chế.

Để lợi ích kinh tế song hành lợi ích môi trường

Ông Bùi Cách Tuyến,Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Do phát triển làng nghề theo kiểu manh mún theo hộ gia đình cộng với thiếu ý thức về bảo vệ môi trường, nên đa số làng nghề xưa nay vẫn tùy tiện xả thải ra môi trường tự nhiên, coi việc xử lý hậu quả ô nhiễm là việc của các cơ quan chức năng Nhà nước. Mặt khác, kinh phí xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm chiếm từ 5 - 25% tổng kinh phí đầu tư của một cơ sở sản xuất, nên giải pháp “tối ưu” nhất của các làng nghề là xả thẳng chất thải, nước thải vào hệ thống công cộng hoặc các ao hồ trong khu vực. Dẫn tới chính họ phải gánh chịu nạn ô nhiễm môi trường đầu tiên, mà hậu quả của nó là tỷ lệ những người mắc bệnh ngoài da, đường ruột, hô hấp và ung thư cao hơn hẳn so với người dân ở vùng khác. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là phải hoàn chỉnh hệ thống luật pháp đồng bộ để tạo cơ sở trong xử lý.

Ông Vũ Quốc Tuấn, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề :

Ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, thi hành Luật Môi trường và những văn bản dưới luật, cần sớm tiến hành tái cơ cấu làng nghề và từng doanh nghiệp trong làng nghề. Như vậy phải có chính sách, tổ chức thực hiện, lực lượng thi hành tái cơ cấu; đi đôi với việc làm rõ trách nhiệm bảo vệ môi trường của một số bộ, ngành... Đồng thời cần hướng dẫn, trợ giúp và huy động mọi lực lượng xã hội tham gia khắc phục ô nhiễm môi trường trong các làng nghề hiện nay. Trước khi tiến hành tái cơ cấu làng nghề, phải tổng điều tra, đánh giá thực trạng làng nghề trên phạm vi toàn quốc. Qua đó phân loại, đánh giá từng làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng thì phải kiên quyết xóa bỏ, còn đối với những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Đi đôi với quy hoạch, tổ chức lại làng nghề theo quy mô tập trung nhằm xử lý chất thải theo đúng tiêu chuẩn cho phép, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân làng nghề về vốn vay để họ đổi mới trang thiết bị, sản xuất theo tiêu chuẩn “xanh” tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Quang Sản, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng:

Những năm gần đây, mặc dù nguồn kinh phí từ ngân sách đầu tư lớn cho các hoạt động về môi trường, nhưng chủ yếu là xây dựng hạ tầng kỹ thuật như các nhà máy xử lý rác, hệ thống kênh mương dẫn nước thải. Nguồn kinh phí trực tiếp chi cho công tác bảo vệ môi trường tại các làng nghề hạn chế. Chưa có làng nghề nào có nhà máy xử lý nước thải tập trung. Ngành công nghiệp có chính sách khuyến công, hỗ trợ các cơ sở sản xuất trong các làng nghề đổi mới thiết bị, công nghệ, nhưng kinh phí nhỏ giọt, khó làm thay đổi cơ bản về tình trạng công nghệ lạc hậu của các làng nghề. Nếu tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề ít được cải thiện, hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai.

Để giải quyết tận gốc tình trạng ô nhiễm môi trường các làng nghề, cần thiết phải quy hoạch lại các làng nghề, lựa chọn các làng nghề phù hợp với tình hình mới để xây dựng chiến lược phát triển. Có như vậy mới có thể xử lý triệt để các ô nhiễm môi trường, bảo đảm môi trường sống an toàn cho nhân dân.

Theo thống kê, hiện cả nước có trên 2.100 làng nghề sử dụng hơn 11 triệu lao động (khoảng 30% lực lượng lao động tại khu vực nông thôn).

Làng nghề có ý nghĩa lớn trong việc thúc đẩy phát triển KT – XH ở nông thôn, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia, giải quyết việc làm, qua đó, bộ mặt nông thôn được đổi mới, cơ sở hạ tầng tại nhiều làng nghề đã phát triển khá hơn so với các làng thuần nông.

Tuy nhiên, trình độ công nghệ sản xuất tại các làng nghề thấp, manh mún, lạc hậu, làng nghề phân bố rải rác thiếu tập trung, nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường còn yếu kém… đã làm cho làng nghề đang là tác nhân gây ô nhiễm môi trường đáng kể.

Theo ông Lưu Duy Dần, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, trong những năm qua, phát triển làng nghề với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 12-15% /năm và mang lại doanh thu hàng trăm tỉ đồng mỗi năm. Để tạo điều kiện cho làng nghề phát triển, cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện Đề án tổng thể xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề cũng như các thông tư quy định về bảo vệ môi trường làng nghề, công tác thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường làng nghề, xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với chất thải của sản xuất…”.

Với góc độ là cơ quan quản lý, trong nhiều năm qua Bộ Tài Nguyên và Môi trường đã đầu tư nhiều dự án, nghiên cứu và đưa ra nhiều giải pháp giúp cho các làng nghề hạn chế gây ô nhiễm môi trường, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục và cải thiện ô nhiễm môi trường với kinh phí lên tới 1.400 tỷ đồng. Năm 2012, Bộ này sẽ triển khai chương trình trên phạm vi toàn quốc với hai dự án: Khắc phục ô nhiễm cải thiện môi trường chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi, làng nghề chế biến đồ gỗ mỹ nghệ từ da, xương trâu bò và dự án khắc phục ô nhiễm cải thiện môi trường với các loại hình làng nghề còn lại. Trước mắt sẽ có 8 loại hình làng nghề gây ô nhiễm nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng sẽ được xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm.

Theo ông Nguyễn Minh Quang, Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường: “Chương trình sẽ tập trung vào các cơ sở làng nghề hoạt động có mức gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và phát triển kinh tế, xã hội như: Sản xuất và tái chế giấy, giết mổ gia súc, tái chế kim loại, tái chế nhựa, dệt nhuộm, chế biến lương thực, thực phẩm, làng nghề chế biến nông sản thực phẩm kết hợp chăn nuôi, làng nghề chế biến đồ mỹ nghệ từ da, xương trâu bò. Đồng thời tập trung xây dựng các dự án thí điểm xử lý, khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường cho 14 làng nghề tại các tỉnh, thành phố, gồm: Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Thái Bình, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam và Bình Dương...”.

Để làm tốt việc này “cần tập trung hướng dẫn và lựa chọn danh mục các dự án ưu tiên để địa phương tham gia triển khai thực hiện, trong đó công tác truyền thông và xây dựng cơ chế tài chính là rất quan trọng “, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.



















Thành Hiển