04:16 24/04/2011

Ô nhiễm làng nghề làm bún Khắc Niệm

Nghề làm bún ở xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có từ lâu, được coi là nghề truyền thống. Tuy nhiên, với sự phát triển đó, hàng ngày, người dân Khắc Niệm phải sống trong môi trường nguồn nước, không khí bị ô nhiễm nặng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Nghề làm bún ở xã Khắc Niệm, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh có từ lâu, được coi là nghề truyền thống, đem lại việc làm và thu nhập khá cho hàng nghìn người dân nơi đây. Nhiều gia đình ở Khắc Niệm đã trở nên giàu có nhờ nghề này. Tuy nhiên, song song với sự phát triển đó, hàng ngày, người dân Khắc Niệm phải sống trong môi trường nguồn nước, không khí bị ô nhiễm nặng, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh.

Kiểm tra nước thải làng nghề làm bún ở Khắc Niệm

Xã Khắc Niệm hiện có hơn 270 hộ làm nghề sản xuất bún trong đó tập trung chủ yếu tại hai thôn Tiền Trong và Tiền Ngoài với sản lượng trung bình khoảng 20 nghìn tấn bún/năm. Ngoài ra, tận dụng những nguyên liệu thừa từ khâu sản xuất bún để chăn nuôi gia súc gia cầm nên mỗi ngày, có tới hàng trăm mét khối nước thải xả ra cống rãnh, ao hồ, cống lộ thiên của Khắc Niệm. Kết quả phân tích chất lượng nước thải làng nghề sản xuất bún Khắc Niệm của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Bắc Ninh cho thấy các chỉ tiêu cơ bản để đánh giá chất lượng như COD, BOD, hàm lượng coliform đều cao hơn tiêu chuẩn cho phép từ 20 đến 30 lần. Việc các hộ gia đình sử dụng than đá để sản xuất bún cũng gây ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân địa phương do khí thải từ việc đốt than có chứa nhiều CO 2 , SO 2 , bụi than … Ngoài ra, các chất thải rắn gồm xỉ than, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt luôn phát sinh rất nhiều khiến môi trường ngày càng ô nhiễm.

Hiện tại, cả xã mới có khoảng hơn 100 trong số hơn 300 hộ chăn nuôi xây dựng bể biogas nên lượng chất thải chăn nuôi thải xuống cống rãnh là rất lớn. Gia đình bà Nguyễn Thị Liên (thôn Tiền Ngoài) sản xuất bún từ hơn 10 năm nay cho biết, trước đây, bún được sản xuất theo truyền thống, phải trải qua rất nhiều thời gian, công đoạn mới ra đuợc thành phẩm, tốn một lượng lớn nước sạch để ngâm rửa gạo. Từ khi có máy móc, thời gian sản xuất bún được rút ngắn một nửa, lượng nước sử dụng để sản xuất cũng giảm. Gia đình bà Liên còn tận dụng nguyên liệu thừa từ sản xuất bún để chăn nuôi lợn rồi xây bể biogas để xử lý chất thải chăn nuôi. Tuy nhiên, nước thải chưa qua xử lý vẫn xả thẳng xuống cống rãnh và nhiều hộ chăn nuôi trong thôn chưa xây dựng bể biogas nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng.

Nước thải chảy luẩn quẩn quanh làng, đọng lại trong cống rãnh, kênh mương ao tù. Ngày nắng, nước thải bốc mùi hôi thối, người dân phải đeo khẩu trang, đóng cửa nhà, ngày mưa, nước thải tràn ra đường, đổ về các ao hồ, đồng ruộng, làm ảnh hưởng lớn đến đời sống và sức khoẻ người dân nơi đây. Họ thường xuyên mắc các bệnh về đường hô hấp và da liễu…

Khắc Niệm đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải chế biến và sinh hoạt với quy mô 450 m3/ngày đêm. Đây là dự án thí điểm đầu tiên của cả nước sử dụng công nghệ xử lý nước thải phi tập trung DEWATS với tổng kinh phí xây dựng công trình gần 7 tỉ đồng. Tuy nhiên sau gần hai năm triển khai xây dựng, đến nay công trình vẫn chưa được nghiệm thu để đưa vào vận hành. Và người dân Khắc Niệm vẫn còn phải chung sống lâu dài với ô nhiễm.

Thu Phương