01:15 30/01/2018

Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh gần bằng Bắc Kinh

Ngày 30/1, tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh phối hợp Trung tâm Sống và học tập vì môi trường tổ chức hội thảo “Chất lượng không khí năm 2007: Hiện trạng và giải pháp”, nhằm thảo luận về những nỗ lực và giải pháp cải thiện chất lượng không khí.

Ô nhiễm không khí tại TP. Hồ Chí Minh đang ở mức báo động. Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN

Chất lượng không khí xấu hơn  trong dịp cận Tết Nguyên đán

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt ở khu vực đô thị và các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh hiện đang là vấn đề môi trường được cộng đồng xã hội rất quan tâm. Năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xuất bản báo cáo “Hiện trạng môi trường quốc gia 2016” khẳng định hầu hết các đô thị lớn ở Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng gia tăng, đặc biệt là ô nhiễm bụi.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh, trong năm 2017, tại 2 trạm quan trắc đặt ở Đại sứ quán Mỹ (Hà Nội) và Lãnh sự quán Mỹ (Thành phố Hồ Chí Minh) cùng dữ liệu quan trắc từ một số máy đo do Trung tâm đặt tại 4 điểm ở Hà Nội…, chỉ số chất lượng không khí nhiều lần vượt ngưỡng “nguy hiểm”- ở mức nguy hại cho sức khỏe của cộng đồng. Đặc biệt, vào những tháng cuối năm, đặc điểm thời tiết mùa đông lạnh, nhiệt độ thấp làm giảm sự phát tán của bụi và chất ô nhiễm. Thêm vào đó, các hoạt động sinh hoạt của người dân để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán diễn ra mạnh mẽ hơn cũng góp phần vào ô nhiễm không khí trong thành phố.

Trong tháng 11-12/2017, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh chọn 3-4 đợt ô nhiễm nghiêm trọng để phân tích cho thấy, hầu hết các nguồn không khí bị ô nhiễm đều đi qua khu vực Quảng Ninh. Điều này có thể các khu công nghiệp ở Quảng Ninh đóng vai trò quan trọng trong các đợt ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, phần lớn các lần bụi mịn (PM 2.5) đạt đỉnh điểm đều liên quan đến những khối khí đi dọc theo bờ biển, tích tụ ô nhiễm từ tất cả các thành phố, từ giao thông, nhà máy điện và các cơ sở công nghiệp trong khu vực.

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh cho biết thêm, với các con số thống kê ở mức tương đối, năm 2017 Hà Nội có 257 ngày và Thành phố Hồ Chí Minh có 222 ngày chỉ số chất lượng không khí vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới. Theo các thông số do Đại sứ quán Mỹ đo tại các trạm quan trắc đặt ở một số nước trên thế giới, chỉ số chất lượng không khí ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thấp hơn nhiều nếu so với New Delhi, Mumbai (Ấn Độ), nhưng chỉ số này gần tương đương ở Bắc Kinh (Trung Quốc).

Giám sát chất lượng không khí từ ảnh vệ tinh

Chất lượng không khí tại Hà Nội ngày càng kém. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN

Tiến sĩ Phạm Văn Hà, Trường Đại học công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng một phương pháp mới đang được nghiên cứu là giám sát chất lượng không khí từ ảnh vệ tinh. Theo thống kê từ Tổng cục Môi trường, tỷ lệ bụi mịn cao vào các tháng mùa đông và thấp vào các tháng mùa mưa.

Trước đây, có nhiều nghiên cứu liên quan về xây dựng chất lượng không khí, tuy nhiên vẫn thiếu các thông tin liên quan dưới dạng giám sát, cảnh báo trực tuyến, ứng dụng công nghệ vệ tinh chưa được quan tâm. Bởi vậy, Trường Đại học công nghệ ứng dụng vệ tinh để lập bản đồ với nhiều độ phân giải khác nhau. Với các đô thị, ảnh có độ phân giải cao được sử dụng, các vùng khác dùng ảnh có độ phân giải trung bình. Các nguồn quan trắc từ Tổng cục Môi trường, Trung tâm khí tượng thủy văn, các nguồn mở của Mỹ, đặc biệt trạm thu dữ liệu vệ tinh được đặt tại Trường Đại học công nghệ.

Sau đó, nhóm xây dựng mô hình hệ thống giám sát và cảnh báo chất lượng không khí, để thu thập, tiền xử lý, quản lý dữ liệu, ước tính chỉ số bụi mịn từ ảnh Modis/viirs/spot4 để ước tính chỉ số bụi mịn; các dịch vụ giám sát, tìm kiếm và tải về, báo cáo giúp cho công tác quản lý nhà nước, cảnh báo cho nhà quản lý, chuyên gia và người dân.

Tiến sĩ Phạm Văn Hà mong muốn xây dựng mô hình ước tính chất lượng không khí, hệ thống giám sát và cảnh báo ô nhiễm bụi đến người dân, trong đó có giám sát và cảnh báo trực tuyến. Tuy nhiên, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi mây nên tần suất của ảnh chất lượng cao đang là thách thức cần tiếp tục tìm giải pháp giảm thiểu.

* Thực thi chính sách là quan trọng

Các chuyên gia cho rằng, có nhiều mô hình đánh giá giúp các nhà hoạch định chính sách có cái nhìn tổng quan, cũng có nhiều chính sách được ban hành, tuy nhiên vấn đề thực thi luật pháp và áp dụng các tiêu chuẩn là quan trọng nhất.

Kinh nghiệm từ Mỹ, bà Alisa, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội cho biết, người lao động có quyền được biết tình trạng môi trường nơi làm việc, nơi ở ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào, nên chính quyền Mỹ đã đặt các trạm quan trắc để công khai đưa ra các giá trị chỉ số chất lượng không khí. Năm 2017, Mỹ đã thông qua Đạo luật không khí sạch. Tỷ lệ hạt lơ lửng trong không khí giai đoạn 1970-2014 ở Mỹ đã giảm 69%, giảm 2/3 tình trạng ô nhiễm không khí.

Các giải pháp được khuyến cáo nhiều như sử dụng nhiên liệu sạch hơn và hiệu quả hơn; thiết kế nhà thông thoáng, trồng cây xanh, giữ trẻ nhỏ tránh xa khói, hạn chế các hoạt động với cường độ cao, sử dụng máy lọc không khí; thiết lập hệ thống cảnh báo sớm để gửi thông tin cho người dân sinh sống trong khu vực có nguy cơ cao. Việc đưa các chỉ số chất lượng không khí để khuyến cao người dân cũng là một cách gây sức ép cho các nhà quản lý.

Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho rằng, trước mắt cần kiểm soát chặt chẽ nguồn thải của 4 ngành chính là nhiệt điện chạy than, xi măng, thép, hóa chất do các ngành này đóng góp 80% lượng khí thải từ các nguồn điểm; công khai dữ liệu thông tin quan trắc khí thải; triển khai từng bước kiểm soát khí thải xe máy tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; triển khai các biện pháp kỹ thuật để theo dõi, giám sát các công trình xây dựng nhà cao tầng, hạ tầng giao thông…

Minh Nguyệt (TTXVN)