10:13 23/10/2014

Ồ ạt mở rộng diện tích tiêu

Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường tăng khá cao, đạt từ 188.000 - 190.000 đồng/kg, gần gấp 5 lần so với cà phê nhân nên đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích không theo quy hoạch.

Hiện nay, do giá tiêu hạt trên thị trường tăng khá cao, đạt từ 188.000 - 190.000 đồng/kg, gần gấp 5 lần so với cà phê nhân nên đồng bào các dân tộc ở Đắk Lắk đã bất chấp khuyến cáo của các ngành chức năng, ồ ạt mở rộng diện tích không theo quy hoạch. Đến nay, diện tích trồng tiêu ở Đắk Lắk đã vượt xa kế hoạch so với quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển tự phát

Theo quy hoạch, đến năm 2020, tỉnh Đắk Lắk ổn định diện tích 6.000 ha hồ tiêu, thế nhưng hiện nay đã tăng lên trên 11.083 ha, trong đó có 6.178 ha tiêu đã cho thu hoạch, năng suất đạt 31,40 tạ/ha, với sản lượng 19.408 tấn tiêu đen, diện tích còn lại đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản. Tình trạng này chủ yếu là ở các huyện Ea H’Leo, Cư Kuin, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng.

Tiêu chết hàng loạt, nhiều chủ vườn lao đao. Ảnh: Lang Hường

Thời gian qua, đồng bào các dân tộc trên địa bàn Đắk Lắk đã bất chấp rủi ro, mạnh dạn phá bỏ diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả như điều, cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, vườn tạp chuyển sang trồng tiêu. Gia đình anh Hoàng Văn Long, ở xã Ea H’leo (huyện Ea H’Leo) đã phá bỏ trên 2 ha cà phê già cỗi, năng suất kém sang trồng hồ tiêu. Tuy mới đưa vườn tiêu vào kinh doanh thu hoạch niên vụ đầu tiên nhưng với giá tiêu cao “ngất ngưởng” như hiện nay, gia đình anh đã thu lãi trên 200 triệu đồng.

Còn gia đình anh Hoàng Văn Phúc, ở thôn 10, xã Ea Ning, huyện Cư Kuin có 9 sào tiêu, trong đó có 4 sào đã bước vào năm thứ ba, 5 sào còn lại mới trồng từ đầu năm 2014. Theo anh Phúc, với diện tích này, trước đây anh trồng cà phê, điều. Cây điều thì mất mùa, “rớt giá” liên tục, còn cây cà phê đã già cỗi hết chu kỳ kinh doanh, năng suất thấp mà thực hiện tái canh lại cây cà phê thì phải áp dụng luân canh các loại cây ngắn ngày khác từ 3 - 4 vụ. Thời gian dài quá nên anh Phúc quyết định chuyển sang trồng tiêu. Niên vụ vừa rồi anh thu về trên 1,8 tấn tiêu, sau khi trừ các khoản chi phí, anh lãi trên 200 triệu đồng, gấp 6 lần so với cà phê và hàng chục lần so với cây điều.

Theo tính toán của anh Hoàng Văn Phúc, mỗi ha tiêu chi phí đầu tư ban đầu khoảng 400 triệu đồng từ làm đất, đào hố, tiêu giống, phân bón, trụ tiêu... Nếu cây tiêu sinh trưởng, phát triển tốt thì sau 3 năm thu hoạch ổn định, vườn tiêu bắt đầu cho lãi cao, ngược lại tiêu bị bệnh thì xem như trắng tay. Đây cũng là loại cây khá “đỏng đảnh” chỉ cần trong vườn có vài trụ bị bệnh là cả vườn sẽ bị ảnh hưởng nhưng bù lại, tiêu cho thu nhập khá cao, giá có xuống thấp bằng một nửa như hiện nay, cây tiêu vẫn cho thu nhập cao hơn hẳn so với các loại cây trồng khác.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Ning, Nguyễn Xuân Trường cho biết, trước đây xã chưa hề có cây tiêu, thế nhưng chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây giá tiêu lên cao, đồng bào các dân tộc trong xã đua nhau phá bỏ các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng tiêu. Hiện nay, xã đã có gần 800 ha tiêu, trong đó gần một nửa là đang trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, diện tích còn lại đã đưa vào kinh doanh cho thu hoạch. Nhiều hộ gia đình trồng tiêu, mỗi niên vụ thu lãi từ 200 đến cả tỷ đồng…

Những hệ lụy đã báo trước

Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk tình trạng sâu bệnh gây hại cho cây tiêu ngày càng diễn biến phức tạp trên diện rộng làm thiệt hại lớn cho bà con nông dân. Theo thống kê sơ bộ của Chi cục Bảo vệ thực vật, hiện Đắk Lắk có trên 1.000 ha tiêu bị nhiễm bệnh, trong đó có 150 ha tiêu đã bị chết. Nhiều vườn tiêu mới đưa vào kinh doanh, cho thu hoạch 3 - 4 niên vụ của các hộ đồng bào các dân tộc nhưng đã bị dịch bệnh chết hàng loạt, làm thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Nhiều hộ gia đình đồng bào các dân tộc ở các thôn 1, thôn 2A, thôn 3, buôn Jang, buôn Săm A, xã Ea H’Leo, huyện Ea H’Leo có trên 30 ha tiêu đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch đã bị bệnh chết nhanh nên chết hàng loạt.

Theo Chi cục Bảo vệ thực vật Đắk Lắk, tiêu chết hàng loạt là do đồng bào chạy theo phong trào mở rộng diện tích cây tiêu ồ ạt, không chú trọng đến việc cải tạo, xử lý mầm bệnh trong đất, sử dụng các giống tiêu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, bố trí trồng trên những chân đất không thích hợp. Thậm chí, nhiều vùng đồng bào còn đưa cây tiêu vào trồng ở những chân đất dễ bị ngập, thoát nước kém nên dẫn đến tình trạng nhiều vườn tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm, nhiễm các loại nấm trong đất, rệp sáp hại rễ…

Trước mắt, để giảm thiệt hại cho đồng bào các dân tộc, các ngành chức năng ở tỉnh Đắk Lắk đã hướng dẫn đồng bào các dân tộc phải thường xuyên kiểm tra vườn sớm phát hiện các loại sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Đồng thời, vệ sinh, cắt tỉa những cành vô hiệu, cành lươn, cành sát mặt đất để tạo độ thông thoáng cho vườn cây. Tỉnh còn hướng dẫn đồng bào quét dung dịch Bordeaux 10%, vôi vào phần thân cây tiêu ở đoạn sát mặt đất nhằm hạn chế sự xâm nhập của mầm bệnh.

Trong quá trình chăm sóc vườn tiêu không được làm tổn thương gốc, thân, rễ, thu gom các tàn dư thực vật như lá, cành, dây tiêu bị sâu bệnh hại đưa ra khỏi vườn để đốt tránh lây lan cho các vườn tiêu khác. Trong mùa mưa, hướng dẫn đồng bào đào rãnh tiêu, thoát nước, bón phân cân đối, nhất là đạm, kali. Khi cây tiêu bị tuyến trùng, bệnh chết nhanh, chết chậm, các đơn vị chức năng khuyến cáo đồng bào sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật như Tervigo 020SC, Ridomil Gold 68 WG, Agri-fos 400… phòng trị nhằm giảm thiệt hại cho các hộ gia đình trồng tiêu.

Đắk Lắk cũng khuyến cáo, khi vườn tiêu bị chết do sâu bệnh hại thì không trồng lại ngay mà phải luân canh bằng các loại cây trồng khác. Tiến hành xử lý mầm bệnh trong đất và sau 2 - 3 năm mới trồng lại. Khi trồng mới, tuyệt đối không được lấy giống từ các vườn tiêu bị dịch bệnh, xử lý trước khi trồng bằng thuốc Ridomil Gold 68 WG… Tỉnh Đắk Lắk cần tiến hành rà soát, quy hoạch cụ thể đối với từng vùng trồng tiêu, quan tâm đến công nghệ sau thu hoạch đối với cây tiêu nhằm nâng cao giá trị xuất khẩu bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm hạt tiêu như tăng sản lượng tiêu trắng, giảm dần việc xuất khẩu tiêu đen như hiện nay. Tỉnh cũng tổ chức tập huấn, xây dựng các mô hình quản lý dịch hại tổng hợp trên cây tiêu… nhằm giúp đồng bào nâng cao trình độ canh tác, phát triển bền vững cây tiêu.

Nhiều loại sâu bệnh hại tiêu

Cả nước hiện có gần 80.000 ha hồ tiêu, trong đó các tỉnh Tây Nguyên chiếm trên 51,6%. Năng suất và sản lượng hồ tiêu hàng năm đạt khoảng 146.000 tấn, xuất khẩu 130.000 tấn. Hiện dịch hại trên cây hồ tiêu đang có chiều hướng diễn biến xấu trên tổng diện tích khoảng 15.000 ha với 13 loại sâu bệnh gây hại như bệnh rệp sáp, sâu ăn lá, sâu đục thân - cành - quả, bọ xít... làm cho cây hồ tiêu mắc các bệnh chết nhanh, chết chậm, tuyến trùng rễ.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Cần ngăn chặn kẻ xấu chặt phá cây tiêu

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn xã Hòa Đông, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk đã có trên 437 trụ tiêu của hàng chục gia đình đồng bào các dân tộc đang trong thời kỳ kinh doanh cho thu hoạch hoặc tiêu mới trồng, bị kẻ xấu chặt phá, gây nhiều thiệt hại cho đồng bào. Hiện nay, ngoài việc tuyên truyền, vận động các hộ trồng hồ tiêu, cà phê luân phiên bố trí người trên nương rẫy, thường xuyên tuần tra, canh gác bảo vệ vườn cây, tỉnh Đắk Lắk cũng chỉ đạo các ngành chức năng có giải pháp hữu hiệu khoanh vùng, tăng cường điều tra, nhanh chóng bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng cố tình phá hoại, nhằm góp phần bảo đảm an ninh nông thôn để đồng bào yên tâm sản xuất.

Ông Nguyễn Đình Vương, Chủ tịch UBND xã Hòa Đôn,
huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk

Lần đầu tiên xuất khẩu hạt tiêu đạt trên 1 tỷ USD

Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 9, các doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu được 3.556 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 34,081 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu của cả nước từ đầu năm đến nay lên trên 136.000 tấn, đạt giá trị 1,022 tỷ USD. Đây là năm đầu tiên xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam đạt giá trị trên 1 tỷ USD, qua đó đưa hạt tiêu vào câu lạc bộ những mặt hàng có giá trị xuất khẩu từ 1 tỷ USD trở lên. Theo Hiệp hội Hạt tiêu Việt Nam, xuất khẩu hạt tiêu năm nay có thể sẽ tăng mạnh so với năm ngoái bởi vì, mới đến giữa tháng 9/2014, lượng xuất khẩu đã cao hơn cả năm ngoái tới gần 4.000 tấn và giá trị xuất khẩu cao hơn 100 triệu USD. Năm 2013, Việt Nam đã xuất khẩu 132.637 tấn hạt tiêu, đạt giá trị 888,985 triệu USD.

Theo Tổng cục Hải quan

Quang Huy