10:19 22/10/2014

Nứt gãy ở chân núi Ba Vì: Chính quyền cần sớm vào cuộc

Vết nứt gãy dưới chân núi Ba Vì dù chưa phải nghiêm trọng và chưa để lại hậu quả, nhưng những ngày qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Vết nứt gãy dưới chân núi Ba Vì dù chưa phải nghiêm trọng và chưa để lại hậu quả, nhưng những ngày qua đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Bên cạnh hậu quả, người dân nơi đây đang lo lắng, tò mò đặt câu hỏi: vết nứt xuất hiện có phải do dư chấn hay do tác động từ việc xây dựng hồ chứa nước Đồng Xô? Tất cả đang là giả thiết song thiết nghĩ cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để trấn an dư luận.


Mức độ nguy hiểm của vết nứt


Như đã nói ở trên, vấn đề tác động môi trường dẫn tới vết nứt dài ở chân núi Ba Vì là đáng quan tâm. Chỉ khi tìm được nguyên nhân cụ thể thì mới giải tỏa được tâm lý lo âu của người dân. Có ba giải thiết được đặt ra là: Có thể do dư chấn làm đứt gãy chân núi; nước của hồ Đồng Xô ngấm sâu làm lún sụt và do việc khai thác đất để đắp đập hồ Đồng Xô.


Phóng viên đang xem vết vết nứt gãy dưới chân núi Ba Vì. Ảnh: Văn Cảnh



Ông Đỗ Thanh Hùng, Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì cho biết: Sự nghiêm trọng cũng chưa đến mức như thông tin dư luận những ngày qua bởi vết nứt này cách xa hồ Đồng Xô vài trăm mét thì đất khó có thể vùi lấp hồ Đồng Xô. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra vết nứt cần được đánh giá một cách khoa học để có những biện pháp khắc phục kịp thời để hạn chế nguy hiểm cho hồ Đồng Xô và trấn an tinh thần người dân xung quanh.


Theo quan sát, các vết nứt gãy rất bất thường, đặc biệt ở triền núi có nhiều cây cối như rừng quốc gia Ba Vì. Tại hiện trường có 3 vết nứt ở độ cao khoảng 100 đến 120 mét, thuộc Tiểu khu 6, Phân khu phục hồi sinh thái Vườn quốc gia Ba Vì. Khu vực có vết nứt là rừng trồng từ năm 1995, đã khép tán, gồm các loại cây: Sấu, Trám, Muồng, Keo, Bạch Đàn… Trong số 3 vết nứt, vết dài nhất là 112 mét, rộng 30 cm, có hình vòng cung. Chưa thấy có tình trạng cây cối đổ do vết nứt gây ra.


Khẳng định của lãnh đạo Ban quản lý rừng quốc gia Ba Vì là từ xưa đến nay ở vùng này chưa hề có hiện tượng nứt gãy ở chân núi. Đặc biệt, các vết nứt đều nằm trong vùng diện tích 9,5 ha mà Vườn quốc gia Ba Vì đã bàn giao cho Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng cơ bản huyện Ba Vì mượn để lấy đất xây dựng công trình hồ chứa nước Đồng Xô, xã Vân Hòa (Ba Vì), theo tinh thần chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội và đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý.


Trong số diện tích được giao trên, đơn vị thi công đã sử dụng khoảng 0,27 ha phục vụ lấy đất xây dựng hồ chứa nước Đồng Xô và đã trồng lại rừng để cải tạo đất bằng cây Keo với chiều cao khoảng 1 đến 2,5 mét. Như vậy, có thể thấy, những vết nứt này có liên quan đến vùng lấy đất để thi công hồ và đập Đồng Xô.


Lãnh đạo Vườn quốc gia Ba Vì cho biết sau khi nhận thông tin phản ánh của người dân, Vườn quốc gia Ba Vì cũng đã kiểm tra thực địa, lập biên bản và gửi cho các cơ quan chức năng giải quyết.


Chính quyền còn thờ ơ


Trước sự việc được dư luận quan tâm, ngày 15/10/2014 Vườn quốc gia Ba Vì đã có văn bản số 371/VBV – KL gửi UBND huyện Ba Vì về sự việc rừng nứt gãy. Tuy nhiên, đến ngày 22/10/2014, tức một tuần sau khi có văn bản của Vườn quốc gia Ba Vì, huyện Ba Vì mới thành lập đoàn kiểm tra vào rừng xem thực địa.


Ông Đặng Văn Phúc, người dân thôn Xoan, xã Vân Hòa tỏ ra lo lắng trước hiện tượng bất thường nứt bìa rừng Ba Vì. Bởi vết nứt xuất hiện ngay cạnh hồ thủy lợi Đồng Xô. Ông Phúc cho rằng, nếu không có biện pháp kịp thời, thì trong những ngày trời mưa lũ lớn, nguy cơ xảy ra sạt đất, gây thiệt hại cho nhân dân là rất cao. "Khu vực có vết nứt gần với cánh đồng hằng ngày người dân đi lại trồng cấy, chăn thả trâu bò. Bình thường không ai đi lên bìa rừng ấy nhưng cũng có khi trâu bò lên đấy ăn cỏ, mình phải chạy lên để dắt về, không may mưa gió ập đến thì tính mạng có thể bị đe dọa", ông Phúc băn khoăn.


Chúng tôi đem những suy tư, lo lắng của người dân và sự quan tâm của dư luận mong chính quyền huyện Ba Vì giải thích, nhưng Chủ tịch UBND huyện, Chánh Văn phòng UBDN huyện, Trưởng phòng kinh tế huyện Ba Vì, Trưởng Ban Quản lý đầu tư Xây dựng cơ bản… đều từ chối phát ngôn hoặc là không nghe điện thoại.


Cuối giờ làm việc ngày 21/10/2014, chúng tôi chờ đợi và gặp được ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND huyện Ba Vì ở phòng làm việc và nhận được câu trả lời với vẻ khó chịu, rằng: "Cái này chúng tôi đã chỉ đạo rất kịp thời; huyện đang rất nhiều việc, phóng viên cần làm việc thì gửi giấy tờ theo đường công văn."


Thiết nghĩ, với những vụ việc người dân đang quan tâm, chính quyền địa phương cũng cần có động thái để trấn an dư luận; cho dù đấy là câu trả lời chờ đợi các cơ quan chức năng có thẩm quyền kết luận, chứ không nhất thiết phải thủ tục hành chính rườm rà. Đó mới là cách giải quyết "kịp thời" của nhà chức trách trước nhu cầu chính đáng được thông tin đầy đủ của người dân.


Văn Cảnh – Mạnh Khánh