04:10 28/04/2012

Nuốt nước mắt nhìn ngao chết trắng bãi

Hàng trăm hecta ngao bỗng dưng chết hàng loạt, cả tỷ đồng vốn đầu tư bỗng dưng mất trắng. Và chưa bao giờ người dân Tiền Hải (Thái Bình) lại mong mưa như lúc này.

Những ngày gần đây, thời tiết nắng gắt, oi nồng, gây cảm giác khó chịu. Nhưng với người dân vùng biển xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) thì cái nắng này còn mang vị mặn chát của nước mắt. Hàng trăm hecta ngao bỗng dưng chết hàng loạt, cả tỷ đồng vốn đầu tư bỗng dưng mất trắng. Và chưa bao giờ họ lại mong mưa như lúc này.

Bàng hoàng ngao chết


12 giờ trưa, trời nắng như đổ lửa, gió hắt nóng rát. Thay vì cảnh đông đúc tấp nập mua bán ngao ngay tại bến như mọi khi, hàng chục tàu thuyền thuộc xã Nam Thịnh vẫn ầm ầm tiếng máy của những chiếc thuyền chở người thu dọn ngao về. Theo chân anh Nguyễn Văn Trào ra bãi nuôi ngao, chúng tôi mới hiểu được tại sao giờ này những người nông dân kia vẫn chưa được nghỉ. Họ phải nhanh chóng dọn những xác ngao đã chết trắng bãi, chuẩn bị nước, bơm cát vào bãi để làm sạch, làm mát và cứu số ngao còn lại. Cách xa bãi nuôi ngao hàng cây số, chúng tôi đã cảm nhận được mùi ngao chết nồng nặc.

Cào tay nhặt những vỏ ngao nằm la liệt trên cát, trắng xóa cả một vùng bãi nuôi, anh Trào chua xót: Bốn ngày trước là lúc cao điểm ngao chết, phải huy động tới 50 - 60 nhân công để thu dọn bãi ngao hơn 1 ha này, đã 4 ngày mà vẫn chưa xong. Bây giờ nhiều chủ đầm thuê quá, nên không có đủ người làm. Chắc tôi phải đợi để thuê máy vào xới lên thôi. Mọi năm “thuận buồm xuôi gió” đầu tư 500 triệu/ha ngao cuối vụ cũng thu về được ngót 1,5 tỷ đồng. Còn khoảng 10 ngày nữa là thu hoạch, nhưng tự dưng ngao chết trắng thế này thì lỗ nặng.

Ngao chết hàng loạt tại bãi ngao của hộ ông Mai Xuân Toán (thôn Đông Lạc, xã Nam Thịnh). Ảnh Người Lao Động


Cùng chung cảnh ngộ như anh Trào, ông Hoàng Mạnh Thép (thôn Thiện Châu, xã Nam Thịnh, huyện Tiền Hải) - người có gần 20 năm kinh nghiệm nuôi ngao nhưng cũng không hiểu vì sao ngao bỗng dưng chết hàng loạt như thế này. Năm nay gia đình ông Thép nuôi hơn 3 ha ngao, với số vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ đồng. Theo tính toán, nếu không xảy ra việc ngao chết, vụ này ông cũng thu về khoảng trên 2 tỷ đồng. Ông buồn rầu: mọi năm ngao cũng chết, nhưng chết ít và thường bị chết vào khoảng tháng Ba Âm lịch. Năm nay ban đầu ngao chỉ chết rải rác ở một số bãi nuôi thả có mật độ dày, nên những người nuôi ở đây cho là chuyện bình thường. Nhưng sau đó bỗng nhiên ngao chết hàng loạt khiến chúng tôi không kịp trở tay.


Nuôi trồng thủy sản là nghề mang tính rủi ro cao. Chuyện ngao chết cũng từng nhiều lần xảy ra. Điển hình là tháng 5 năm 2003, hàng trăm hộ dân tại xã Nam Thịnh đã vướng cảnh “đại tang ngao”, nhiều gia đình lâm cảnh nợ nần chồng chất. Năm nay cũng vậy, song người dân vẫn bàng hoàng khi sắp tới ngày thu hoạch, ngao lại chết trắng cả bãi. Đã 10 năm gắn bó với nghề, giàu lên cũng nhờ ngao, ông Mai Xuân Toán (thôn Đồng Lạc, xã Nam Thịnh) cũng không khỏi bất ngờ khi “trắng sổ” ngao như vụ này. Hiện gia đình ông là hộ có số ngao đỏ chết nhiều nhất trong xã, khoảng 4 ha. Ông chia sẻ: Ban đầu thấy có hiện tượng ngao chết lẻ tẻ, nhưng chỉ 1 - 2 ngày sau thì chết hàng loạt và rất nhanh. Ngao chồi lên trên mặt cát rồi tách vỏ. Hôm sau nữa thì đã chết trắng cả bãi. Hiện tại, gia đình tôi phải huy động tất cả con cái và thuê hàng chục người ra dọn xác ngao, vệ sinh bãi để kịp bơm cát vào cải tạo bãi nuôi ngao.


Không những thiệt hại về nguồn thu, những hộ nuôi ngao còn phải thuê mướn người với giá cao để thu gom vỏ ngao chết đi đổ. Ông Thép cho biết, mỗi ngày những hộ có ngao bị chết như chúng tôi phải thuê 150- 200 ngàn một công cho người thu nhặt vỏ ngao chết ở đầm nuôi. Giá thuê người làm vệ sinh đầm đắt như vậy, nhưng không phải chủ đầm nào có ngao chết cũng thuê được người làm do hiện có quá nhiều đầm có ngao chết. Để thu gom xác ngao chết đem bỏ đi, có hộ đã phải mất tới 50- 60 triệu đồng... quả là bị thiệt đơn thiệt kép.


Nguyên nhân từ nuôi sai quy trình


Ông Bùi Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Nam Thịnh cho chúng tôi biết, toàn xã có khoảng 800 ha nuôi ngao, chủ yếu nuôi ngao thương phẩm. Trong đó diện tích nuôi ngao trắng chiếm 80% diện tích, còn lại là ngao đỏ, ngao vàng. Từ khi phát hiện có ngao chết ngày 5/4 đến nay đã có khoảng 400 ha có ngao chết lẻ tẻ, 100 ha có lượng ngao chết từ 5-10% và khoảng 50 ha có số ngao chết từ 15-20%, ước tính thiệt hại gần 100 tỷ đồng. Về kỹ thuật, ngao chỉ phát triển tốt nhất trong điều kiện độ mặn từ 10 - 17 phần nghìn, trên 18 phần nghìn ngao đã kém phát triển. Nhưng những ngày gần đây, nắng nóng kéo dài, độ mặn nước ở đây lên tới trên 25 phần nghìn. Bên cạnh đó, do vào thời điểm thủy triều thấp, các bãi nuôi ngao cao, ngao bị phơi nắng thời gian dài, vì vậy nguy cơ ngao chết tiếp là rất cao. Trong lúc này muốn giảm độ mặn, chỉ có mưa mới cứu được ngao ở đây thôi - ông Dũng không giấu nổi nỗi buồn, tâm sự.


Ông Trần Minh Tiến, Trưởng phòng Nông nghiệp Nông thôn huyện Tiền Hải cho biết, cần phải tìm nguyên nhân sâu xa của việc ngao chết hàng loạt như hiện nay. Theo ông phân tích, bãi nuôi ngao xã Nam Thịnh đã phát triển nhiều năm, nguồn dinh dưỡng trong cát giảm dẫn đến ngao lớn chậm. Do vậy, người dân đua nhau cải tạo bãi. Nhà này bơm cát thì buộc nhà khác cũng phải bơm theo, nếu không sẽ thành bãi trũng, bùn lắng đọng, ngao nuôi mãi không phát triển được. Thời gian qua có tới 60 tàu hút cát vận hành, bơm cát vào nền bãi, bãi dâng cao lên 30 - 40 cm so với mức ban đầu. Mùa hè nắng gắt, nước biển bốc hơi mặn, cộng thêm nền bãi cao, khi nước triều dâng thì thời gian để diện tích ngao ngâm nước sẽ rút ngắn, lượng phù sa lắng đọng ít. Ngao như bị phơi nắng và chết nóng. Hơn nữa, nhiều hộ nuôi với mật độ nuôi quá dày, có hộ lên đến 2.200 con /m2 trong khi khuyến cáo mật độ để ngao phát triển tốt nhất chỉ nên 700 - 800 con/m2.


Hiện tượng ngao chết hàng loạt, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng đã từng xuất hiện tại huyện Tiền Hải. Và nguyên nhân ngao chết trắng bãi cũng đã nhiều lần được “mổ xẻ”, tuy nhiên “kịch bản” dường như vẫn lặp lại. Thiết nghĩ để hạn chế rủi ro trong nuôi trồng và khai thác thủy sản nói chung, nuôi ngao nói riêng, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương nên phổ biến sâu rộng hơn nữa kiến thức cho người dân, thay vì để họ nuôi theo kiểu tự phát, sai quy trình và theo kinh nghiệm là chính như hiện nay./.


Lê Sơn - Thu Hoài