07:14 31/07/2011

Nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long: Cần sự gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp

Đầu tháng 5/2011, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến đỉnh điểm là 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 6 đến nay, giá cá sụt giảm và hiện ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg...

Đầu tháng 5/2011, giá cá tra nguyên liệu tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên đến đỉnh điểm là 28.000 - 29.000 đồng/kg, nhưng từ tháng 6 đến nay, giá cá sụt giảm và hiện ở mức 23.000 - 24.000 đồng/kg. Theo tính toán, giá bán cá hiện ngang bằng với giá thành nuôi và người nuôi cá luôn chịu thiệt thòi khi thị trường biến động. Không những thế, nhiều hộ nuôi còn đứng trước nguy cơ phá sản. Nếu không có các giải pháp quyết liệt ngay từ bây giờ, người nông dân vẫn chịu nhiều thua thiệt nhất.

Nhu cầu lớn nhưng người nuôi thiếu thông tin

Thống kê cho biết, 6 tháng đầu năm 2011, diện tích nuôi cá tra vùng ĐBSCL đạt 3.980 ha, diện tích đã thu hoạch 1.933 ha, sản lượng cá thu hoạch đạt 597.324 tấn (năng suất 309 tấn/ha) với kim ngạch xuất khẩu đạt 744 triệu USD. Một số địa phương có diện tích thả nuôi nhiều gồm Đồng Tháp 1.188ha, An Giang 787ha, TP Cần Thơ 665 ha, ít nhất là Kiên Giang 16,95 ha. Từ cuối tháng 5/2011 đến nay, sản lượng cá tra đến kỳ thu hoạch tăng, nhưng hầu hết các doanh nghiệp (DN) chế biến tập trung thu mua cá có trọng lượng dưới 750g/con, nên cá trên 800g/con đang tiêu thụ chậm, do vậy giá cá tra đã giảm từ 3.000 đồng/kg đến 5.000 đồng/kg.

Với mức giá như hiện nay, người nuôi cá tra ở ĐBSCL lo lắng vì giá cá nguyên liệu đang lỗ từ 2.000 đến 3.000 đồng/kg. Càng lo hơn khi lượng cá quá lứa (cá trên 1kg/con) bán chẳng ai mua. Một số người nuôi cá phải “cậy nhờ” người quen can thiệp với doanh nghiệp bán cá với giá rẻ bèo nhưng doanh nghiệp vẫn “phớt lờ”! Không những thế, hiện nay đã xuất hiện tình trạng người dân nôn nóng muốn bán được cá tra ở trọng lượng này phải thông qua “cò” mua cá và phải chịu mất 1.000 đồng/kg cá cho dịch vụ “cò”.

Trước những thông tin nêu trên, ông Lê Chí Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang cho biết, nhu cầu chế biến vẫn rất lớn nhưng trong thời gian gần đây có hiện tượng khi thấy giá cá giảm liên tục nên nhiều người nuôi sốt ruột rao bán tràn lan. Có hộ nuôi 1.000 tấn cá nhưng rao bán tới 10 nhà máy cùng lúc để mong bán được hàng sớm. Trong khi đó, thống kê của ngành chức năng lại không phát hiện ra những số ảo này nên thay vì chỉ có 1.000 tấn cá thì lại thông báo là 10.000 tấn cá. Trong khi đó, lượng cá nguyên liệu ở An Giang hiện nay vẫn thiếu và nhiều nhà máy chế biến không thể chạy hết công suất.

Thu hoạch cá tra nguyên liệu tại Ô Môn, Cần Thơ.

Tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, TP Cần Thơ… tình hình cũng tương tự, các nhà máy chỉ hoạt động khoảng 50 - 60% công suất. Điều này cho thấy lượng cá tra vẫn không đủ cung cấp (hiện thị trường đang dư thừa loại cá quá cỡ). Theo khảo sát của Vasep, về cơ bản “cung vẫn không đủ cầu”, nhất là số lượng cá loại nhỏ rất ít. Từ đầu năm đến nay, lượng cá tra ở các tỉnh, thành ĐBSCL thiếu khoảng 20- 30% so với nhu cầu chế biến xuất khẩu. Theo dự báo, đến cuối năm nguồn nguyên liệu sẽ tiếp tục thiếu hụt.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng Giám đốc Cafatex cho biết: Nông sản tăng giá, chỉ có cá tra là giảm. Việc kéo giá cá giảm không nên đổ lỗi cho DN nhỏ, mà cần có cuộc điều tra nghiêm túc tại sao giá xuống. Hiện đang vào mùa hè cũng có tác động làm giá xuống, nhưng không phải là yếu tố quan trọng. Ông Kịch cho rằng, hiện nông dân không biết là thị trường cần cỡ cá nào vì họ không đủ điều kiện để nắm các thông tin này.

Cần phát triển theo các mô hình liên kết

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá tra, Bộ NN-PTNT đã có đề án trình Chính phủ phê duyệt. Theo đó, Chính phủ đã đưa cá tra vào nhóm sản phẩm chiến lược, đồng thời đề ra chính sách hỗ trợ trên nhiều mặt. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn vốn đang thiếu; trong khi nghề nuôi, chế biến và xuất khẩu cá tra đòi hỏi vốn rất lớn. Thiếu vốn, cộng với ngân hàng dè dặt với nghề cá nên mọi chuyện cứ giậm chân tại chỗ. Theo các chuyên gia kinh tế, đã đến lúc nghề cá phải mạnh dạn thay đổi theo tình hình mới. Chuyện nuôi nhỏ lẻ, tự phát… cần dừng lại bởi tính rủi ro cao và chất lượng cá khó đảm bảo.

Thời gian qua, trước tình trạng nguồn nguyên liệu bấp bênh, nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu đã chủ động xây dựng vùng nguyên liệu. Lãnh đạo Công ty Agifish An Giang thừa nhận: “Từ nhiều năm qua, các doanh nghiệp luôn ám ảnh chuyện bị động về nguyên liệu nên đã ra sức đầu tư xây dựng vùng nuôi cá riêng. Đến nay, nhiều nhà máy chủ động được từ 30 - 50% lượng nguyên liệu trở lên và tới đây sẽ còn tiếp tục mở rộng thêm”.

Lãnh đạo Tổng cục Thủy sản cũng cho rằng, nghề nuôi cá tra cần phát triển theo mô hình liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp đóng vai trò chính; đồng thời, nên đưa ngành nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu cá tra là ngành “có điều kiện” nhằm tiến tới thành lập những vùng nuôi tập trung quy mô lớn, có đầu tư và quản lý bài bản để hạ giá thành, tăng chất lượng cá theo tiêu chuẩn quốc tế. Đối với doanh nghiệp phải có thị trường, sản phẩm đạt chất lượng, được kiểm tra đầy đủ các tiêu chuẩn mới cho xuất khẩu. Về lâu dài phải đẩy mạnh mô hình nuôi trang trại để dễ kiểm soát “đầu vào – đầu ra”.

Thứ trưởng Bộ NN và PTNT Vũ Văn Tám khẳng định, giá cá đang giảm, các ngành và địa phương sẽ tập trung tìm hiểu nguyên nhân. Cá tra là sản phẩm chiến lược, do đó sản xuất phải theo quy hoạch, sản xuất có điều kiện. Những hộ đơn lẻ phải có hợp đồng, hướng tiêu thụ trước khi sản xuất. Ông Tám cũng yêu cầu các địa phương vào cuộc kiểm tra việc DN và người nuôi đã ký hợp đồng, nhưng DN phá hợp đồng để xử lý nghiêm, đảm bảo đầu ra cho người nuôi cá...

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, Chính phủ đã đưa các sản phẩm từ cá tra là mặt hàng chiến lược đến năm 2020. Chính vì vậy, các chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng, hoàn thiện quy hoạch, tín dụng, liên kết với doanh nghiệp cần phải nhanh chóng được xúc tiến.

Thúy Hiền