08:16 15/08/2011

Nuôi cá lóc, một hướng đi mới ở Trà Vinh

Phong trào nuôi cá lóc được hình thành từ một vài năm trước như một hướng đi mới đối với người nuôi trồng thủy sản ở Trà Vinh. Vụ nuôi năm nay, bên cạnh việc nuôi tôm sú, cua biển và tôm càng xanh, phong trào nuôi cá lóc theo hình thức thâm canh bắt đầu phát triển mạnh...

Phong trào nuôi cá lóc được hình thành từ một vài năm trước như một hướng đi mới đối với người nuôi trồng thủy sản ở Trà Vinh. Vụ nuôi năm nay, bên cạnh việc nuôi tôm sú, cua biển và tôm càng xanh, phong trào nuôi cá lóc theo hình thức thâm canh bắt đầu phát triển mạnh, đã hình thành được quy trình nuôi và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Giống cá lóc hiện nay đang được nông dân chọn nuôi nhiều là giống cá lóc đầu nhím, cho tăng trọng nhanh và thịt ngon hơn giống cá lóc đầu vuông trước đây, được thị trường ưa chuộng.

Huyện Trà Cú là khu vực nuôi cá lóc hiệu quả nhất trong tỉnh. Trong 7 tháng qua, toàn huyện Trà Cú đã có 329 hộ thả nuôi, với số lượng cá lóc giống khoảng 16 triệu con trên diện tích gần 40 ha mặt nước. Nhiều người nuôi cá lóc tại các xã Định An, Đại An, thị trấn Định An và Ngọc Biên đã thu lãi hàng trăm triệu đồng trong mỗi vụ.

Xã Định An có diện tích và số hộ nuôi cá lóc cao nhất huyện Trà Cú, với 173 hộ thả nuôi 8,826 triệu con cá giống trên diện tích 26,66 ha mặt nước. Anh Trần Thanh Phong – một hộ nuôi cá lóc ở ấp Mé Rạch B, xã Định An cho biết: từ cuối năm 2010 đến nay, giá cá lóc tăng khá cao (42.000 – 45.000 đồng/kg), người nuôi thắng lợi lớn. Trung bình mỗi kg cá thương phẩm sau khi bán, trừ chi phí người nuôi lãi từ 12.000 đến 15.000 đồng/kg. Anh Trần Thanh Phong cũng cho hay, với chi phí thức ăn công nghiệp, người nuôi phải bỏ ra cho mỗi kg cá sau thu hoạch khoảng 30.000 – 32.000 đồng, chưa tính con giống, thuốc thú y vào khoảng 1.000 – 1.500 đồng/kg, giá bán cá phải từ 40.000 đồng trở lên người nuôi mới có lãi. Do đó, để nuôi cá có hiệu quả cao và giảm giá thành, trong quá trình nuôi, khi thời điểm giá thức ăn tươi (cá vụn) rẻ khoảng 5.000 – 7 .000 đồng/kg, người nuôi chuyển sang cho ăn cá vụn. Vụ thả nuôi năm 2011, anh đã thả 120.000 con cá giống trên diện tích 1,4 ha mặt nước với 3 ao nuôi. Vừa qua, anh đã thu hoạch được trên 22 tấn cá và giá bán cho thương lái là 46.000 đồng/kg. Trừ các khoản chi phí, gia đình anh thu được trên 250 triệu đồng.

Theo tính toán của nhiều hộ nuôi, với mức giá từ 42.000 đến 45.000 đồng/kg như hiện nay, chỉ sau 4,5 – 5 tháng thả nuôi, sau khi trừ chi phí người nuôi thu được từ 100 đến 150 triệu đồng/1.000 m2. Tuy nhiên, do hiệu quả từ con cá lóc mang lại khá cao nên nhiều nông dân đã “xé rào” trong việc mở rộng diện tích nuôi tại các vùng chưa có quy hoạch về thủy sản và những vùng thiếu nguồn nước. Việc nuôi cá lóc tập trung với diện tích lớn dẫn đến tình trạng khan hiếm con giống, phần lớn nguồn nước thải trong các ao nuôi sau thu hoạch hoặc trong quá trình nuôi được thải trực tiếp ra sông rạch đã làm cho một số tuyến kênh bị ô nhiễm, rất dễ làm phát sinh dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Nhiều hộ nuôi cá lóc cho biết, do có nhiều người nuôi cá lóc và việc sản xuất con giống tại chỗ chưa có nhiều nên nhiều hộ nuôi phải mua con giống từ các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, vì vậy giá thành con giống cũng tăng cao, khoảng 300 – 320 đồng/con (loại 1.000 con/kg). Phần lớn người nuôi cá hiện vẫn đang gặp khó khăn trong việc tiếp nhận kỹ thuật về quy trình nuôi. Tỷ lệ nuôi còn hao hụt quá cao (45 – 50%), nguồn con giống chưa chủ động được tại địa phương, người nuôi phải đi mua giống từ các tỉnh khác về, vận chuyển xa, thiếu sự giám sát về chất lượng giống, dịch bệnh.

Lê Hiền