05:11 16/05/2017

Nước Pháp dưới thời tân Tổng thống Macron

Việc ông Macron được bầu làm Tổng thống Pháp có thể sẽ giúp thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về nước Pháp hiện tại.

Tân Tổng thống Emmanuel Macron cam kết thúc đẩy cải cách, xây dựng nước Pháp hùng mạnh. Ảnh: AFP/TTXVN

Tờ neweurope.eu đã đăng bài viết của chuyên gia Zaki Laidi, Viện nghiên cứu chính trị Paris, về tầm quan trọng chiến thắng của ông Emmanuel Macron đối với cả nước Pháp và châu Âu.

Ông Zaki Laidi khẳng định: "Việc ông Macron được bầu làm Tổng thống Pháp có thể sẽ giúp thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá về nước Pháp hiện tại. Dưới thời của người tiền nhiệm François Hollande Pháp theo đuổi chính sách ngoại giao tích cực, trong đó có việc tham gia cuộc chiến chống chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở châu Phi và Nhà nước Hồi giáo (tự xưng) ở Trung Đông. Mặc dù vậy, bản thân ông Hollande thiếu khả năng thu hút và chính sách ngoại giao của ông này không giúp vực dậy nền kinh tế ảm đạm khiến vị thế quốc tế của Pháp suy yếu. Điều này thể hiện rất rõ ở châu Âu, khi sự mất cân bằng giữa Pháp và Đức ngày càng gia tăng. Paris đã không thể chống lại chính sách kinh tế khắc khổ mà Berlin áp đặt.

Ông Macron nhận thức rõ ràng rằng bất cứ sự điều chỉnh chính sách nào theo hướng cân bằng trong EU cũng đòi hỏi phải củng cố nền kinh tế Pháp trước tiên. Không giống nhiều lãnh đạo cánh tả khác thường chỉ trích, đổ lỗi cho EU là nguyên nhân dẫn tới mọi thất bại trong nước, ông Macron cho rằng nước Pháp suy yếu bởi thất bại trong việc tiến hành cải cách. Trong thực tế, trong số các nước thuộc khu vực Đồng tiền chung châu Âu thì Pháp là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế dưới mức trung bình và yếu kém nhất trong việc giải quyết nạn thất nghiệp. Ông Macron cho rằng nếu không tiến hành cải cách kinh tế một cách sâu rộng thì sẽ không thể thay đổi tình trạng hiện nay trong EU cũng như khôi phục sự cân bằng trong quan hệ Pháp-Đức.

Tuy nhiên, không nên cho rằng việc ông Macron lên nắm quyền sẽ giúp giải quyết tất cả các vấn đề trong quan hệ giữa Pháp và Đức. Hai nước vẫn còn bất đồng lớn liên quan đến cách thức quản trị kinh tế trong Eurozone. Trong khi Pháp kêu gọi xây dựng ngân sách riêng cho các nước Eurozone thì Đức vẫn ủng hộ việc sử dụng quỹ của châu Âu trong các trường hợp khẩn cấp. Đức không muốn bị trói buộc trong việc xây dựng ngân sách EU bởi nước này không muốn hội nhập sâu hơn về kinh tế với EU.


Trong khi đó, ông Macron lại ủng hộ sự hội nhập sâu hơn trong EU bởi đây là cách duy nhất để làm giảm ảnh hưởng của Đức đối với quá trình hoạch định chính sách của liên minh. Không giống những người tiền nhiệm, nhất là cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, ông Macron mong muốn tạo sự cân bằng thật sự trong quan hệ Pháp-Đức nhằm tạo nền tảng cho việc củng cố sức mạnh kinh tế của Pháp. Do đó, không loại trừ khả năng nếu nước Pháp trỗi dậy dưới sự lãnh đạo của ông Macron, quan hệ Pháp-Đức có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn.

Theo quan điểm của ông Macron, Pháp cần phải thay đổi nếu nước này muốn Đức làm điều tương tự. Thông qua việc tiến hành các cải cách cấp thiết trong nước, chính quyền của ông Macron sẽ có thể thuyết phục Đức có các biện pháp giải quyết tình trạng bất ổn kinh tế trong EU. Khả năng ông Macron sẽ đề xuất sửa đổi luật lao động của Pháp ngay khi Quốc hội mới được bầu tháng 6/2017. Nếu việc sửa đổi luật này được thông qua sẽ giúp tăng cường lòng tin của nhà đầu tư và xóa đi hình ảnh của một nước Pháp trì trệ.

Trong khi châu Âu là ưu tiên chiến lược thì ông Macron cũng sẽ cần phải giải quyết nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như quan hệ với Nga. Trong chiến dịch tranh cử ông Macron cam kết sẽ áp dụng chính sách cứng rắn với Nga. Đây là điều đáng chú ý bởi người Pháp có truyền thống ủng hộ Nga, ngưỡng mộ các nhân vật có tính cách mạnh mẽ và phản đối ý tưởng thành lập cộng đồng xuyên Đại Tây Dương.

Chắc chắn, ông Macron sẽ tìm cách tăng cường quan hệ với chính quyền của Tổng thống Putin. Tuy nhiên, ông Macron sẽ không bỏ qua việc Nga can thiệp vào công việc nội bộ của Pháp, nhất là các cáo buộc Moskva đứng đằng sau các vụ tấn công mạng trong cuộc bầu cử vừa qua và việc Nga công khai ủng bộ đối thủ Marine Le Pen của Mặt trận quốc gia (FN).

Với quan điểm rõ ràng về chính sách đối nội, đối ngoại của nước Pháp và đường lối ủng hộ hội nhập EU, ông Macron có thể sẽ trở thành nhà lãnh đạo giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế EU, tái cân bằng quan hệ Pháp-Đức và khôi phục lại vai trò lãnh đạo về ngoại giao và quân sự của Pháp trong EU.

Nguyễn Hồng Tâm (P/v TTXVN tại CH Séc)