10:06 17/10/2014

Nước Mỹ “nóng” với dịch Ebola

Không lâu sau khi nữ y tá Mỹ gốc Việt xét nghiệm dương tính với Ebola, thêm một nữ y tá nữa cùng làm việc với cô đã bị xác nhận nhiễm virus chết người này.

Không lâu sau khi nữ y tá Mỹ gốc Việt xét nghiệm dương tính với Ebola, thêm một nữ y tá nữa cùng làm việc với cô đã bị xác nhận nhiễm virus chết người này. Dịch Ebola cũng làm lộ ra quy trình quản lý lỏng lẻo của Mỹ bởi nữ y tá này vẫn được phép lên máy bay cùng 132 hành khách khác dù bị sốt nhẹ.

Y tá Mỹ thứ hai nhiễm Ebola

Nữ y tá Amber Vinson 29 tuổi là một trong hơn 70 nhân viên y tế tại bệnh viện Texas Health Presbyterian từng tiếp xúc, điều trị cho Thomas Eric Duncan, ca nhiễm và tử vong do Ebola đầu tiên ở Mỹ. Hiện Vinson đã được đưa tới bệnh viện Đại học Emory ở Atlanta và ở trong khu vực cách ly đặc biệt. Bệnh viện này từng chữa khỏi cho hai bệnh nhân Ebola.

Nhân viên môi trường khử trùng xung quanh căn hộ của nữ y tá thứ hai ở Mỹ bị nhiễm Ebola ở Dallas, bang Texas ngày 15/10. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trước đó, nữ y tá Vinson đã nói chuyện với một quan chức y tế Mỹ, thông báo rằng cô bị sốt nhẹ nhưng vẫn được lên máy bay từ Ohio tới Texas. Theo giải thích của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC), Vinson cho biết bị sốt 37,5 độ C, dưới ngưỡng nhiệt độ 38 độ C mà CDC đưa ra nên cô không bị cấm bay. CDC cũng trấn an dư luận rằng nguy cơ hành khách bay cùng Vinson bị nhiễm Ebola là rất thấp vì nữ y tá này không bị nôn và chảy máu. Dù vậy, các hành khách đi trên chuyến bay 1143 của Hãng hàng không Frontier Airlines từ bang Texas đến bang Ohio cùng Vinson ngày 13/10 vẫn được đề nghị liên lạc qua đường dây nóng của CDC.

Cả ba chỉ số chứng khoán chủ lực Dow Jones, Standard&Poor's 500 và Nasdaq của Mỹ có lúc bị mất giá trung bình hơn 3% trong phiên giao dịch ngày 15/10, mà một phần nguyên nhân là các nhà đầu tư lo ngại về dịch Ebola.

Sau khi hai nhân viên y tế nhiễm Ebola, tiến sĩ Daniel Varga, Giám đốc phụ trách bệnh viện của Texas Health Resources, tức công ty mẹ của bệnhviện Texas Health Presbyterian đã thừa nhận mắc sai lầm trong quy trình chữa trị cho bệnh nhân Duncan. Ông nói: “Chúng tôi đã không chẩn đoán đúng triệu chứng của Duncan là triệu chứng Ebola. Chúng tôi thực sự rất lấy làm tiếc”. Ông Varga cũng nói thêm bệnh viện đã điều chỉnh một số thứ, trong đó có tổ chức một khóa tập huấn cho nhân viên bộ phận cấp cứu.

Trước đó, ông Duncan, một công dân Liberia đã tới bệnh viện Texas Health Presbyterian để khám do nghi nhiễm Ebola sau khi vừa từ vùng dịch vào Mỹ, nhưng viện này đã bảo ông về nhà uống kháng sinh. Chỉ khi có triệu chứng nặng, Duncan mới được nhập viện và sau đó đã tử vong.

Ưu tiên giải quyết dịch Ebola

Những sơ hở của hệ thống y tế khiến dư luận lo ngại về khả năng phòng chống dịch Ebola của nước Mỹ. Tại một số sân bay, nhiều hành khách đã đeo khẩu trang và thậm chí là mặc cả một đồ bảo hộ tự chế.

Ông Anthony Fauci, Chủ tịch Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm quốc gia, coi việc Mỹ có y tá thứ hai nhiễm Ebola là điều không thể chấp nhận được. Hiện các ủy viên hội đồng hạt Dallas đang cân nhắc xem có nên đề nghị Thống đốc bang Texas cho phép tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở hạt hay không.

Trước những diễn biến mới và nguy hiểm của Ebola trên đất Mỹ, Tổng thống Mỹ Obama đã phải hủy chiến dịch vận động tranh cử cho đảng Dân chủ ở đông bắc Mỹ để triệu tập một cuộc họp với nhóm phản ứng dịch Ebola tại Nhà Trắng. Ông Obama nhấn mạnh: “Chúng tôi đang xử lý việc này rất nghiêm túc ở các cấp chính phủ cao nhất”. Dù vậy, ông Obama cho rằng nguy cơ người Mỹ nhiễm virus này là “cực kỳ thấp” và Mỹ có thể ngăn chặn một dịch bệnh nghiêm trọng.

Trước đó, Tổng thống Obama cũng tiến hành điện đàm với các lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Italy về tình hình dịch Ebola. Trong đó, các lãnh đạo đều nhận định Ebola là tình trạng khẩn cấp về y tế quốc tế nghiêm trọng nhất trong những năm gần đây và thế giới cần phải hành động nhiều hơn, nhanh hơn để chặn đà lây lan Ebola trong khu vực. Tổ chức Y tế Thế giới ngày 15/10 cho biết từ đầu năm đến nay đã có khoảng 4.500 người thiệt mạng vì dịch Ebola.

Thùy Dương