07:07 10/07/2012

Nước Anh trước ngã ba đường

Cuộc khủng hoảng châu Âu ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ chia rẽ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng cao. Trong bối cảnh này, nước Anh dường như đang đứng trước ngã ba đường.

Cuộc khủng hoảng châu Âu ngày càng nghiêm trọng, nguy cơ chia rẽ Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ngày càng cao. Trong bối cảnh này, nước Anh dường như đang đứng trước ngã ba đường. Những mâu thuẫn về việc nên ở lại hay tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) ngày càng trở nên gay gắt, và đã đến lúc Anh cần phải đưa ra quyết định quan trọng.

 

Nước Anh đang trước ngã ba đường. Ảnh Internet

Tờ “Đại Công báo” (Hồng Công) ngày 8/7 đăng bài cho rằng hiện nay, Thủ tướng Anh David Cameron đang đối mặt với rất nhiều mâu thuẫn khó có thể giải quyết. Đầu tiên là những mâu thuẫn ở trong nước, trong liên minh cầm quyền và ngay trong nội bộ đảng Bảo thủ của ông. Dưới tác động của cuộc khủng hoảng châu Âu mấy năm gần đây, dân chúng Anh nhìn chung muốn tách khỏi châu Âu. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân mới đây nhất cho thấy có tới 51% người được hỏi yêu cầu ra khỏi EU, chỉ có 28% ý kiến cho rằng nên ở lại. Ngay trong nội bộ Đảng Bảo thủ cũng có 40% thành viên muốn tách khỏi châu Âu, song một điều trớ trêu là đảng Tự do Dân chủ - một đảng trong liên minh cầm quyền với Đảng Bảo thủ - lại là phe thân châu Âu. Bên ngoài, Thủ tướng Anh tán đồng với sự liên hợp châu Âu và muốn ở lại EU, song làm thế nào để đối phó với ý chí của dân chúng cũng như của Đảng Bảo thủ lại là một thách thức vô cùng lớn đối với ông Cameron.


Mâu thuẫn trong nước đương nhiên ảnh hưởng tới chính sách châu Âu của chính phủ Anh, và mâu thuẫn trong việc đưa ra quyết sách đối với châu Âu cũng ngày càng trở nên gai góc, khó có thể đạt được thỏa hiệp. Xét từ góc độ địa lý và kinh tế, tiền đồ của nước Anh nằm tại châu Âu, với 50% mậu dịch của Anh được tiến hành với châu Âu, riêng điều này cũng đã liên quan tới 3,5 triệu nhân công của xứ sương mù. Mặt khác, do các nhân tố lịch sử và chiến lược địa chính trị, cộng thêm tâm lý "quốc đảo", Anh lại muốn độc lập bên ngoài châu Âu và duy trì sự tự chủ cao độ. Điều này khiến Anh áp dụng thái độ nước đôi của chủ nghĩa cơ hội trong vấn đề nhất thể hóa châu Âu, tức là áp dụng một chính sách đầy mâu thuẫn: vừa muốn tham dự, lại vừa không muốn dấn sâu vào. Nhìn lại lịch sử có thể thấy rõ vấn đề này. Trong những năm 1970, khi chính phủ của Đảng Bảo thủ dẫn dắt nước Anh gia nhập Cộng đồng chung châu Âu, sau đó nâng cấp trở thành thành viên EU, song vào thời điểm then chốt của việc thành Eurozone - một bước quan trọng để tiến tới nhất thể hóa châu Âu - Anh đứng ngoài khu vực này.


Khủng hoảng nợ công châu Âu bùng phát khiến không ít người Anh thấy may mắn vì chưa gia nhập Eurozone, điều này càng làm nảy sinh thái độ muốn thoát khỏi EU mạnh mẽ hơn. Cuộc khủng hoảng khiến những mâu thuẫn trên thêm gay gắt: Với sức ép hiện nay, châu Âu cần phải tăng cường nhất thể hóa, ngày càng nhiều những lời kêu gọi thành lập liên minh tài chính, liên minh ngân hàng và liên minh chính trị, song lực li tâm của người Anh lại ngày càng lớn, mâu thuẫn trở nên không thể giải quyết. Do đó, chính phủ Anh đã áp dụng một thái độ vô cùng kỳ quặc, đó là hy vọng châu Âu khẩn trương hỗ trợ các nước khó khăn thoát khỏi khủng hoảng, tránh để liên lụy đến nước Anh, song lại nói rõ Anh sẽ không xuất tiền trợ giúp; và mặc dù ủng hộ châu Âu đi theo con đường nhất thể hóa, song Anh sẽ không tham dự.


Mâu thuẫn này còn thể hiện ở những hành động cụ thể, khi EU thông qua Thỏa thuận tài chính hồi tháng 12 năm ngoái và tăng cường nhất thể hóa tài chính - một bước đi quan trọng để dọn đường cho sự ra đời liên minh tài chính, Anh đã từ chối ký kết. Hành động này lúc đó đã khiến Đảng Tự do Dân chủ hết sức bất mãn, chỉ chút nữa dẫn tới sự tan rã của liên minh cầm quyền. Đảng Tự do Dân chủ đã phải tự mình nhiều lần tới châu Âu để thể hiện lập trường bất đồng với Đảng Bảo thủ, cũng là để hy vọng làm giảm mâu thuẫn giữa Anh với châu Âu. Cho dù thế nào, dân ý ở Anh lúc đó vẫn ủng hộ thủ tướng không tham gia Thỏa thuận tài chính, hành động này cho thấy trong thời gian tới, Anh sẽ không tham gia bất cứ hành động nào của EU trong nỗ lực tăng cường nhất thể hóa châu Âu.


Theo Đại Công báo, ngoài chia rẽ về chính sách, thái độ “cười trên nỗi đau người khác” của ông Cameron cũng góp phần thổi bùng ngọn lửa mâu thuẫn giữa Anh với châu Âu. Ví dụ như Pháp mới đây tăng thuế đối với người giàu (do khó khăn), Thủ tướng Anh lập tức nói rằng nước Anh có thể trải thảm đỏ đón mời người giàu Pháp di dân tới, một cử chỉ khiến Pháp vô cùng bất mãn.


Phan Thành Dương