10:06 22/10/2013

Nữ y tá “tử thần”- Kỳ 2: Lần theo dấu vết

Bé Claire Peck bị bệnh hen, được trợ thở trong phòng điều trị. Như thường lệ, Allitt vẫn ở một mình với bệnh nhi. Nhưng chỉ vài phút sau, Claire lên cơn đau tim.

Bé Claire Peck bị bệnh hen, được trợ thở trong phòng điều trị. Như thường lệ, Allitt vẫn ở một mình với bệnh nhi. Nhưng chỉ vài phút sau, Claire lên cơn đau tim.


Allitt lại gọi cấp cứu ầm ĩ.

 

Bác sĩ ập vào phòng và sau khi hồi sức thành công cho Claire, họ để bé một mình với Allitt. Một lần nữa, Allitt thất thanh gọi bác sĩ. Nhưng lần này, họ đã không thể cứu được Claire. Khi bé tắt thở, một bác sĩ nói: “Điều này lẽ ra không bao giờ xảy ra”.

Allitt trên đường bị áp giải tới tòa ngày 19/12/1991.


Khám nghiệm tử thi cho thấy Claire tử vong do nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh viện đã mở cuộc điều trả về số bệnh nhi gặp tình trạng tim ngừng đập cao bất thường ở khu số 4 khoa nhi trong suốt hai tháng qua. Họ kiểm tra xem có virus trong không khí không nhưng không tìm thấy gì. Xét nghiệm cho thấy lượng kali cao bất thường trong máu nạn nhân cuối cùng khiến cuộc điều tra trở nên cấp bách hơn.


Tuy nhiên, mãi đến ngày 2/5/1991, bệnh viện mới gọi cảnh sát vào cuộc. Cảnh sát đã khai quật xác Claire để xét nghiệm thêm và phát hiện dấu vết thuốc gây tê trong các mô, một chất được dùng trong trường hợp tim bị ngừng đập nhưng chỉ dùng với người lớn. Sĩ quan cảnh sát Stuart Clifton cho rằng có bàn tay kẻ sát nhân ở bệnh viện.


Ông kiểm tra các trường hợp khác và phát hiện nhiều bé có lượng insulin cao bất thường trong cơ thể. Ông cũng biết rằng chính y tá Allitt là người báo tủ lạnh chứa insulin bị mất chìa khóa. Ông đã kiểm tra mọi thông tin, trò chuyện với bố mẹ các nạn nhân và lắp camera an ninh ở khu vực số 4.


Trong khi rà soát nhật ký chăm sóc bệnh nhi hàng ngày của bệnh viện, các thám tử phát hiện một số trang bị mất. Đó chính là những trang tương ứng với thời gian bé Paul Crampton vào khu vực số 4. Thấy khả nghi, họ tiếp tục xem xét 25 trang ghi lại nhật ký chăm sóc 13 bệnh nhi, trong đó 4 bệnh nhi đã tử vong, để tìm kiếm manh mối. Điểm chung của các trang hiện ra rõ ràng: Beverly Allitt là người duy nhất có mặt trong lịch chăm sóc tất cả 13 bệnh nhi. Trong vòng ba tuần, ngày 21/5/1991, nữ y tá “tử thần” đã bị bắt.

Luật sư và gia đình các nạn nhân.

Nơi làm việc của Allitt.


Allitt phủ nhận dính líu vào các vụ giết hại và làm bị thương 13 bệnh nhi, khăng khăng chỉ làm mỗi việc là chăm sóc các bé. Cô ta không tỏ thái độ hồi hộp khi bị thẩm vấn. Tuy nhiên, khi lục soát nhà của Allitt, cảnh sát phát hiện một số trang ghi chép lịch chăm sóc bệnh nhi bị mất.


Allitt được bảo lãnh nhưng sau đó đã bị bắt lại và đưa ra xét xử với cáo buộc giết 4 bệnh nhi và 22 tội danh cố ý giết người và gây thương tích nghiêm trọng.


Phiên tòa xét xử “thiên thần báo tử” đặc biệt thu hút dư luận Anh. Hơn 200 phóng viên đã đăng ký dự phiên tòa, bốn bộ phim tài liệu, ba cuốn sách và vô số bài viết xoáy sâu vào vụ việc. Trong những ngày Allitt còn đang bị điều tra, phóng viên báo lá cải “sục sạo” săn tin về vụ giết người hàng loạt đặc biệt nghiêm trọng này. Họ đóng giả thám tử thu thập thông tin, giả vờ làm người mua nhà… để tìm cách tiếp cận với một trong những gia đình nạn nhân của Allitt.


Vụ Allitt thu hút dư luận không chỉ bởi tính chất nghiêm trọng của sự việc mà nó còn phản ánh thực trạng quá tải đến mức tắc trách của hệ thống y tế Anh lúc bấy giờ.


Trong quá trình điều tra, cảnh sát phát hiện ra rằng kẻ sát nhân bị mắc tới hai chứng rối loạn tính cách rất nghiêm trọng. Đó chính là lý do tại sao Allitt có thể hành động không ghê tay với các bệnh nhi yếu ớt. Do liên quan đến khoa học y học, các bên liên quan đến phiên tòa đã phải mời chuyên gia giỏi từ khắp nơi trên thế giới đến để giải thích, phân tích vụ việc dưới góc độ chuyên môn. Vậy nữ y tá “tử thần” Allitt đã mắc phải hội chứng gì?
Thùy Dương


Đón đọc kỳ cuối: Hội chứng Munchausen