03:14 08/03/2017

Nữ bác sĩ nối dài ước mơ cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Lần tìm trên các trang mạng xã hội, tôi đọc được rất nhiều lời khen ngợi của các gia đình hiếm muộn dành tặng BS Vương Thị Ngọc Lan, 1 trong 50 Phụ nữ Ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017 do Tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn và vừa công bố.

BS Ngọc Lan cùng em bé ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Ảnh: NL

Đam mê các kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm


Chia sẻ về việc được chọn là 1 trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam năm 2017, chị Lan cười đáp: “Tôi rất vinh dự những cũng bất ngờ trước kết quả bình chọn này. Bản thân tôi không biết nhiều về tạp chí Forbes Việt Nam và trước khi bình chọn, cũng không quen ai công tác tại đây”.


Được biết, tiêu chí chí bình chọn của Tạp chí Forbes là lựa là những người có vai trò nổi bật trong các lĩnh vực như: Chính trị, kinh doanh, hoạt động xã hội và từ thiện, khoa học – giáo dục, giải trí… Nhưng BS Ngọc Lan cũng không rõ vì sao được bình chọn, chỉ chỉ tự nhận mình là một người quá đam mê với các kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm (TTON), mong muốn tìm ra thật nhiều kỹ thuật mới để giúp các vợ chồng hiếm muộn hoàn thành ước mơ có được một em bé để ẵm bồng.


Chị Lan kể, chị với ngành y, với chuyên ngành Sản khoa và TTON dường như có duyên định sẵn. Là con gái thứ của nhà y khoa nổi tiếng Việt Nam GS.TS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, từ nhỏ, chị Lan thường cùng mẹ đến bệnh viện trong những lần đi trực, đi họp. Mọi chuyện ở bệnh viện, cô bé Lan hồi đó đều biết rất rành rẽ.


Ra trường, được nhận về khoa Sinh đẻ của Bệnh viện Từ Dũ (đầu năm 1997) nhưng còn mới toe và chưa có kinh nghiệm, nên BS Lan không hề có tên trong danh sách kíp kỹ thuật tiếp nhận và thực hiện thụ tinh ống nghiệm (TTON) đầu tiên từ các chuyên gia người Pháp.


“Nhưng vì các chuyên gia Pháp chỉ sang trong 3 tuần, mà công việc rất nhiều nên cứ sau giờ làm việc, tôi lại phụ mẹ gọi điện, hỏi rõ, ghi chép bệnh sử của từng bệnh nhân và hẹn thời gian đến viện. Nào ngờ, khi hỏi về tiền sử một số bệnh nhân được lấy trứng, vị chuyên gia Pháp đã yêu cầu tôi lên gặp để hỏi kỹ ca bệnh. Thấy tôi trả lời lưu loát từng trường hợp, bà đã đề nghị bệnh viện cho tôi tham gia kíp kỹ thuật, bởi việc hiểu rõ về tiền sử, hoàn cảnh của bệnh nhân rất quan trọng trong quá trình TTON”, BS Lan nhớ lại.


Nhưng ngày đầu làm về TTON, mọi kỹ thuật còn quá mới mẻvới các BS Việt Nam nên tỷ lệ thành công khi ấy còn khá thấp, chỉ đạt khoảng 15% . Tuy nhiên, lần đầu tiên được đón em bé ra đời bằng phương pháp TTON (30/4/1998) quả là niềm vui khôn xiết không chỉ đối với cặp vợ chồng hiếm muộn mà còn với cả những bác sĩ mới làm TTON.


“Đầu năm 1998, tôi được cử sang học TTON tại Sinhgapore. Trong đầu tôi lúc nào cũng suy nghĩ, thậm chí còn hỏi thầy giáo: Tại sao ngày nào ở đây cũng có ca thụ tinh thành công, trong khi tại Việt Nam tỷ lệ này lại rất thấp?”, BS Lan chia sẻ.


Trong đợt đi học này, ngoài BS Ngọc Lan còn có BS Hồ Mạnh Tường, sau này cũng trở thành một chuyên gia trong lĩnh vực TTON và trở thành người bạn đời của chị. Cả BS Lan và BS Tường khi ấy đều đau đáu với việc nâng cao tỷ lệ TTON và bàn cách thay đổi quy trình chuyên môn sao cho phù hợp với điều kiện triển khai tại Việt Nam.


“Khi về nước, chúng tôi đã đề xuất bản kế hoạch thay đổi quy trình TTON. Tỷ lệ thành công sau đó đã được cải thiện đáng kể, nâng từ 15% lên 35%”, BS Lan nhớ lại.


Và những niềm vui trọn vẹn

BS Ngọc Lan hướng dẫn kỹ thuật điều trị vô sinh cho bác sĩ người Úc. Ảnh: NL

Theo BS Lan, chi phí TTON tại Việt Nam hiện nay thuộc loại thấp nhất thế giới, khoảng 60 - 70 triệu đồng cho cả chu kỳ. Tuy nhiên, thu nhập của người dân chưa cao nên mức chi phí này còn là gánh nặng với nhiều cặp vợ chồng. Vậy nên, nhiều cặp vợ chồng trẻ hiếm muộn đủ điều kiện áp dụng kỹ thuật nhưng chưa có tiền để điều trị. Họ có khuynh hướng tích lũy để làm sau, nhưng khi đó đã lớn tuổi, trứng ít và chất lượng chất lượng giảm, thì chí phí điều trị lúc này tăng hơn so với trước.


“Mong muốn được gỡ vòng luẩn quẩn này, chúng tôi đã đeo đuổi và triển khai kỹ thuật “Trưởng thành trứng non trong ống nghiệm” nhằm giảm giá thành, để nhiều bệnh nhân tiếp nhận điều trị, cơ hội có con cao hơn”, BS Lan cho biết.


Thực tế, áp dụng phương pháp “Trưởng thành trứng non” có thể giúp những cặp vợ chồng hiếm muộn khó khăn về tài chính có thể giảm chi phí thụ tinh ống nghiệm từ 60 triệu đồng xuống chỉ còn khoảng 30 -35 triệu đồng/ca. Tức là thay bằng việc lấy trứng trưởng thành từ người mẹ, thì giờ đây các bác sĩ sẽ phải lấy trứng từ khi còn non rồi nuôi cho đến gia đoạn trưởng thành để tạo phôi…


Sau một thời gian triển khai đến nay, tỷ lệ thành công ở kỹ thuật trưởng thành trứng non tại Bệnh viện Mỹ Đức, do chị Lan và các đồng nghiệp gây dựng, đã tương đương với TTON thông thường, đạt khoảng 45 - 50%. “Tiếng lành đồn xa” nên đến nay, ngoài việc chuyển giao kỹ thuật cho các cơ sở trong nước, kíp TTON của BS Ngọc Lan còn hướng dẫn cho nhiều đoàn bác sĩ tại Úc, Sinhgapor về phương pháp mới này.

Tên của BS Ngọc Lan được đánh dấu trên bản đồ điều trị hiếm muộn thế giới về triển khai hiệu quả kỹ thuật trưởng thành trứng non. Ảnh: NL.

“Trong một báo cáo tại Bỉ cách đây chưa lâu, GS Yoshi Morimoto (Osaka, Nhật Bản) đã tô một chấm đỏ lớn đánh dấu Việt Nam trên “bản đồ hiếm muộn thế giới" (phía dưới có tên BS Ngọc Lan), thể hiện Việt Nam là một trong số ít quốc gia thực hiện được kỹ thuật “Trưởng thành trứng non trong ống nghiệm”. Thực sự lúc đó, tôi rất hãnh diện, khi bạn bè quốc tế nhắc đến tên Việt Nam thì hạnh phúc, xúc động lắm”, BS Ngọc Lan chia sẻ.


Trả lời câu hỏi, đến nay, đã có bao nhiêu em bé ra đời nhờ sự hỗ trợ sinh sản của chị? BS Lan ngập ngừng cho biết: “Thú thực, cũng không thể nhớ được có bao nhiêu bé nữa. 20 năm làm nghề, có lẽ tôi đã thực hiện khoảng 20.000 ca TTON. Thích nhất là thỉnh thoảng ở bất kỳ thành phố nào trong cả nước cũng gặp ông bố, bà mẹ dắt những em bé xinh xắn đến chào, cảm ơn bác sĩ đã giúp đỡ. Vui và mừng lắm”.


Đam mê với nghề, thấu hiếu những nỗi khổ của những cặp vợ chồng hiếm muộn nên cho đến nay, BS Ngọc Lan và các đồng nghiệp vẫn đang cố gắng cải tiến quy trình chuyên môn, áp dụng các kỹ thuật mới để giảm giá thành, tạo thêm cơ hội điều trị song song với nâng cao tỷ lệ thành công cho người bệnh vì nhiều khi thương bệnh nhân đến thắt lòng.


“Có cặp vợ chồng nọ không phải khó khăn về kinh tế nhưng vì điều trị TTON mười mấy lần đều thất bại nên ảnh chồng nản. Chị vợ (người Vũng Tàu) lên nói với tôi: “Bác sĩ ơi, có cách nào không, chứ chồng em chỉ cho làm một lần nữa thôi nếu không thành là ly dị”. Nhìn cách chị nói, đôi mắt rơm rớm nước mắt nhưng không còn có thể khóc nổi vì quá khổ, quá tuyệt vọng, tôi thấy thương vô cùng”, BS Lan cho biết.


Sau đó, BS Lan mời người chồng lên nói chuyện, anh chồng hỏi: “Bác sĩ coi kỹ cho tôi, có người phụ nữ nào mà cả đời không mang thai được không?”. Dù rất băn khoăn, BS Lan vẫn cố thuyết phục, anh chồng sau đó cũng đồng ý lên viện để lấy tinh trùng cho vợ điều trị TTON lần cuối.


“Cuối cùng, ca TTON đó thành công. Đến khi chuyển sang giai đoạn theo dõi thai thì tôi không theo dõi tiếp. Nhưng rồi buổi trưa nọ, khi đi về, tôi chợt chú ý một sản phụ ngồi trên ghế và ăn cơm do ông chồng đút vô từng thìa. Tò mò, đi ngang nhìn thì hóa ra là cặp vợ chồng ở Vũng Tàu. Lúc này, thai nhi đã 37 - 38 tuần tuổi. Nhìn cảnh người chồng hết mực cưng chiều vợ và cho biết họ sắp có bé trai, tôi thực sự rất vui”, BS Lan cười nói.


Trước khi tạm biệt, BS Ngọc Lan cho biết, chị và các đồng sự đang tiếp tục nghiên cứu trứng non để tăng tỷ lệ tường thành của trứng và có nhiều phôi hơn cho người bệnh; đồng thời, nghiên cứu về vấn đề chuyển phôi đông lạnh so sánh với chuyển phôi tươi - Đề tài đã được báo cáo Hội nghị thường niên của Hiệp hội Y học sinh sản Hoa Kỳ tháng 10/2016, đây là 1/6 báo cáo mang tính đột phá trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, có thể góp phần thay đổi thực hành của chuyên ngành TTON thế giới.


Phương Liên