Hà Nội ban hành công điện khẩn chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19; Việt Nam có thêm 13 ca mắc COVID-19 mới; bệnh nhân COVID-19 thứ 25 tử vong do mắc bệnh nền nặng; đề xuất bỏ phương án "điện một giá" và Nguyễn Xuân Đường nhận án tù 2 năm 6 tháng..., là những tin “nóng” trong ngày 18/8.
Công điện khẩn phòng chống dịch COVID-19 của Hà Nội: Không tập trung quá 30 người nơi công cộng
Ngày 18/8, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý đã ký ban hành Công điện khẩn số 07/CĐ-UBND gửi Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, Thường trực Thành ủy về công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, Công điện số 1290/CĐ-BYT của Bộ Y tế.
UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành thành phố; Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn và các đơn vị liên quan quán triệt thực hiện nghiêm túc văn bản số 3906/UBND-KGVX ngày 14/8/2020 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường phòng, chống dịch COVID-19; quyết liệt vận động người dân thực hiện các biện pháp chống dịch: Đeo khẩu trang khi đi đường, không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng; các trường hợp mắc bệnh mãn tính, người có nguy cơ cao, người cao tuổi không đi ra ngoài khi không thật cần thiết; thực hiện khai báo y tế theo quy định khi có dấu hiệu ho, sốt, khó thở, viêm phổi phải đến ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Các cơ sở kinh doanh dịch vụ, nhà máy, công trường thực hiện nghiêm túc các biện pháp đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định. Các nhà hàng ăn uống, quán cà phê từ 0 giờ ngày 19/8/2020 thực hiện nghiêm việc giãn cách chỗ ngồi tối thiểu 1m, khuyến khích có vách ngăn giữa các chỗ ngồi, nhân viên phải đeo khẩu trang trong suốt quá trình phục vụ, tổ chức đo thân nhiệt cho khách, thực hiện sát khuẩn tay, lau rửa bề mặt các vật dụng thường xuyên tiếp xúc.
Việt Nam có thêm 13 ca mắc COVID-19 mới, thêm 2 bệnh nhân tử vong do mắc bệnh nền nặng
Ngày 18/8, Việt Nam có thêm 13 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc lên 989 ca, trong đó có 649 ca do lây nhiễm trong nước, số lượng ca mắc mới liên quan đến Đà Nẵng tính từ ngày 25/7 đến nay là 509 ca.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly): 87.672, trong đó: Cách ly tập trung tại bệnh viện: 3.395; cách ly tập trung tại cơ sở khác: 24.511; cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 59.766 trường hợp.
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, ngày 18/8 có thêm 53 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Hiện, số ca âm tính với vi rút SARS-CoV-2 lần 1 là 35 ca; lần 2 là 35 ca; lần 3 là 30 ca; số ca tử vong là 25 ca; số ca điều trị khỏi: 520 ca.
Sáng ngày 18/8/2020, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19. Đây là trường hợp mắc COVID-19 tử vong thứ 25 tính từ khi dịch xảy ra ở Việt Nam. Đó là bệnh nhân 698 (BN 698): Bệnh nhân nữ, 51 tuổi, địa chỉ phường Thuận Phước, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử ung thư buồng trứng di căn ổ bụng, sỏi thận, nhiễm trùng đường tiết niệu đã cắt thận trái.
Bệnh nhân tử vong tại Bệnh viện Phổi Đà Nẵng, được chẩn đoán nguyên nhân: Viêm phổi do COVID-19, nhồi máu cơ tim cấp biến chứng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng trên bệnh nhân ung thư buồng trứng di căn thành bụng, sỏi thận đã cắt thận trái.
Đến tối 18/8, Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại TP Đà Nẵng tiếp tục thông tin về trường hợp bệnh nhân số 418 tử vong. Bệnh nhân 418 (BN 418): Bệnh nhân nam, 61 tuổi, địa chỉ ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, Đà Nẵng. Bệnh nhân có tiền sử mắc COVID-19 trên nền tăng huyết áp, suy thận mạn tính, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.
Bệnh nhân đã được xét nghiệm âm tính 4 lần với vi rút SARS-CoV-2 vào các ngày 4/8, 10/8, 11/8, 12/8. Bệnh nhân được chẩn đoán tử vong do choáng nhiễm trùng nhiễm độc, suy đa tạng không phục hồi, tăng huyết áp, đái tháo đường type 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Cùng ngày, Bệnh viện Trung ương Huế cũng công bố chữa khỏi cho 5 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó có 1 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính 6 lần (BN523) được xuất viện về nhà và cách ly tại nhà. Bốn trường hợp còn lại có bệnh nền rất nặng như: Suy thận mạn, suy tim, tăng huyết áp đã có kết quả xét nghiệm âm tính từ 3-8 lần với SARS-CoV-2. Sau khi công bố khỏi bệnh, theo kế hoạch, ngày 19/8, các bệnh nhân sẽ được chuyển về Bệnh viện C Đà Nẵng để tiếp tục lọc máu định kỳ và điều trị tiếp.
Đề xuất bỏ phương án 'điện một giá'
Ngày 18/8, Bộ Công Thương đã tổ chức cuộc họp bàn về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014, được Bộ đưa ra lấy ý kiến các chuyên gia và người dân trong thời gian qua. Tại cuộc họp, sau khi tính toán và cân nhắc, nhiều ý kiến đã đề xuất rút phương án "điện một giá".
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vừa qua, Cục Điều tiết điện lực đã đưa ra dự thảo biểu giá điện bán lẻ với 2 phương án biểu giá điện gồm 5 bậc thang và biểu giá điện một giá để lấy ý kiến dư luận.
Sau khi Bộ Công Thương đưa ra các phương án lấy ý kiến rộng rãi dư luận, Bộ nhận được nhiều ý kiến. Các ý kiến chủ yếu tập trung vào các phương án 2A, 2B (có lựa chọn điện một giá) đem lại khách hàng nhiều sự lựa chọn, nhưng có điểm hạn chế khi không khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, trong khi đây là chủ trương lớn của Chính phủ.
"Vì vậy, Cục Điều tiết điện lực kiến nghị cho rút các phương án giá điện một giá tại phương án 2A và 2B. Thứ hai, tiếp tục giảm số bậc thang từ 6 bậc xuống còn 5 bậc và điều chỉnh phù hợp với nhu cầu sử dụng điện của nhân dân", ông Nguyễn Anh Tuấn đề xuất.
Còn theo ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, phương án điện một giá, qua tính toán của Đề án thì dự kiến, phương án giá này có tỷ lệ hộ tiêu dùng điện áp dụng rất ít, chỉ khoảng 2% trong tổng số hộ. Số các hộ có thể lựa chọn có lợi trong việc sử dụng điện một giá. Đó là phương án chưa được phổ biến lắm.
Ông Dũng cho rằng, số ít các hộ này là những người có thu nhập cao, không bị ảnh hưởng bởi mức độ tiêu thụ điện nhiều, lại được giảm tiền điện khi lựa chọn phương án điện một giá thì chủ trương khuyến khích tiết kiệm điện sẽ không đảm bảo được. Đây là khiếm khuyết trong phương án này. Rất nhiều chuyên gia và người dân không đồng tình với phương án này.
Tại cuộc họp, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cũng đồng tình rút phương án điện một giá. Ông Kim đề xuất, cần có cơ sở rõ hơn để làm rõ một số nội dung, cách tính khoảng cách giữa các biểu giá mà dư luận quan tâm. Phân tích kỹ hơn các phương án 5 bậc, 4 bậc, và có thể là 3 bậc…
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, biểu giá điện nào cũng phải đảm bảo các yếu tố: Hỗ trợ các hộ nghèo, chính sách; đảm bảo đủ điện cho đời sống hoạt động, sinh hoạt người dâ; khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả. Việc đề xuất điện một giá sẽ thêm lựa chọn cho khách hàng, nhưng số lượng người được hưởng lợi, cũng như lựa chọn phương án này còn ít. Do vậy, có thể bỏ phương án điện một giá ra khỏi Đề án, báo cáo Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, nắng nóng thời gian qua khiến tiêu thụ điện tăng cao, tiền điện người dân phải trả rất lớn, chưa kể bộc lộ một số vấn đề về ghi chỉ số công tơ, tính toán tiền điện.... Từ đó, Bộ Công Thương đã tập trung nghiên cứu, xây dựng ngay biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt mới, để giải quyết vướng mắc liên quan tiền điện của người dân.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, điện một giá có thể thực hiện được, nhưng phải có các điều kiện khác đi kèm như có thị trường điện cạnh tranh và chính sách của nhà nước, như hỗ trợ các hộ nghèo…, lúc đó cơ chế điện một giá mới có ý nghĩa. Nếu không sẽ có tác động mạnh đến xã hội. Phương án điện một giá cần có cơ sở nhất định, hiện nay chưa phù hợp để áp dụng.
Kết thúc cuộc họp, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, Cục Điều tiết điện lực cần tiếp tục tiếp thu ý kiến đóng góp của các tầng lớp nhân dân để tiếp cận đầy đủ với các quan điểm của xã hội, xây dựng biểu giá bán lẻ điện đảm bảo yêu cầu, các nguyên tắc căn bản. Cục Điều tiết Điện lực lắng nghe, tiếp thu, phân tích làm rõ các ý kiến đóng góp... Trên cơ sở đó hoàn chỉnh phương án đơn giản nhất, hiệu quả nhất, đảm bảo hài hòa lợi ích các bên, giá điện bình quân không thay đổi, cho dù giá đưa ra là 3 bậc, 5 bậc... Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta không có cách khác được ngoài giá điện bậc thang. Nhưng những bậc thang như thế nào, giá ra sao, thì phải nghiên cứu thực hiện.
Các phương án đưa ra của Bộ Công Thương gồm: Phương án 1 (5 bậc), ghép bậc 1 và bậc 2 hiện hành thành bậc 1 mới (từ 0 - 100 kWh), giá bậc 1 mới được giữ nguyên bằng bậc 1 hiện hành; giữ nguyên giá cho các hộ có mức sử dụng điện phổ biến từ 101 - 200 kWh; ghép các bậc từ 201 - 300 kWh với 301 - 400 kWh thành bậc mới; tách bậc thang trên 401 kWh thành 2 bậc mới: 401 - 700 kWh và trên 700 kWh.
Phương án 2, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc như trên và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng sử dụng điện được quyền lựa chọn áp dụng giá sinh hoạt 5 bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá; trong đó, giá 4 bậc đầu tiên của biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt 5 bậc tại phương án 1 được giữ nguyên để không tác động đến các hộ sử dụng ở mức dưới 700 kWh là các khách hàng có mức thu nhập thấp hoặc trung bình.
Ở phương án 2 này, Bộ đưa ra 2 kịch bản (2A và 2B), với kịch bản 2A, Bộ Công Thương trình 5 bậc giá, lần lượt bằng 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 274% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Nếu không chọn tính theo bậc thang, khách hàng có thể chọn điện một giá với mức giá bán bằng 145% so với giá bán lẻ điện bình quân.
Kịch bản 2B, Bộ Công Thương chia các bậc tương tự như phương án 1, nhưng giá bán thay đổi, lần lượt là: 90% (bậc 1), 108% (bậc 2), 141% (bậc 3), 160% (bậc 4), 185% (bậc 5) so với giá bán lẻ điện bình quân. Phương án điện một giá được đề xuất với giá bán lẻ bằng 155% so với giá bán lẻ điện bình quân...
Nguyễn Xuân Đường nhận án tù 2 năm 6 tháng
Ngày 18/8, Hội đồng xét xử Tòa án Nhân dân TP Thái Bình (tỉnh Thái Bình) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai bị cáo Nguyễn Xuân Đường về tội “Cố ý gây thương tích” xảy ra vào ngày 18/11/2014 tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình).
Bị cáo Nguyễn Xuân Đường (còn gọi là Đường Nhuệ, sinh năm 1971, trú tại số nhà 366, đường Lê Quý Đôn, phường Kỳ Bá). Bị hại là anh Mai Thế Duy (sinh năm 1988, trú tại phường Trần Lãm).
Đây là vụ án hình sự được dư luận đặc biệt quan tâm bởi Nguyễn Xuân Đường là đối tượng núp dưới vỏ bọc kinh doanh bất động sản và có nhiều thủ đoạn, hành vi côn đồ, coi thường pháp luật.
Do tính chất nghiêm trọng của vụ án, nhân thân nguy hiểm của bị cáo Nguyễn Xuân Đường và tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID -19 trên địa bàn, nên công tác an ninh tại phiên tòa được siết chặt. Chỉ những người liên quan trực tiếp mới được bố trí ngồi trong phòng xét xử, còn hàng chục phóng viên của các cơ quan báo chí trung ương và địa phương được bố trí tác nghiệp, theo dõi phiên tòa tại một phòng riêng qua màn hình trình chiếu.
Theo Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Thái Bình, ngày 18/11/2014, tại phòng tiếp dân ở Công an phường Trần Lãm, Nguyễn Xuân Đường cãi nhau với bà Đinh Thị Lý (là mẹ của anh Mai Thế Duy). Đường dùng tay phải siết cổ bà Lý và khi anh Duy can ngăn thì bị Đường đánh vào mặt, làm anh Duy bị gẫy xương hàm dưới, tỷ lệ thương tích là 15%.
Mẹ con bà Lý đã làm đơn tố cáo Nguyễn Xuân Đường nên đến ngày 5/1/2015, Công an TP Thái Bình đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” để điều tra. Đường không thừa nhận việc đánh anh Duy. Ngày 5/7/2015, Công an TP Thái Bình đã ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án với lý do hết thời hạn điều tra, chưa xác định được bị can.
Tháng 4/2020, sau khi thu thập được tài liệu, chứng cứ xác định Nguyễn Xuân Đường đã gây thương tích cho anh Duy, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an TP Thái Bình) đã ra quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự này và quyết định khởi tố bị can đối với Đường về tội “Cố ý gây thương tích”. Trong quá trình phục hồi điều tra, lúc đầu Đường quanh co chối tội, không nhận đánh mà chỉ xô đẩy anh Duy, nhưng sau Đường đó đã nhận tội.
Sau khi nghị án, Hội đồng xét xử phiên sơ thẩm Tòa án nhân dân TP Thái Bình đã tuyên án, phạt tù bị cáo Nguyễn Xuân Đường 2 năm 6 tháng vì phạm tội “Cố ý gây thương tích”, theo quy định tại điểm đ, khoản 2, Điều 134 - Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.