08:10 30/08/2011

Nông dân vùng lũ Kiên Giang bỏ nghề nuôi cá lóc trong mùa lũ

Vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang đang chủ động đón lũ về, với dự báo mực nước sẽ đạt cao nhất trong khoảng 10 năm qua. Đây là tin vui của người dân, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản.

Vùng Tứ giác Long Xuyên, tỉnh Kiên Giang đang chủ động đón lũ về, với dự báo mực nước sẽ đạt cao nhất trong khoảng 10 năm qua. Đây là tin vui của người dân, là điều kiện thuận lợi để phát triển nuôi thủy sản. Thế nhưng, phần lớn nông dân vùng lũ bỏ nghề nuôi cá lóc trong mùa lũ năm nay do không có lãi, thậm chí còn thua lỗ.

Xã Mỹ Thuận, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) là một trong những địa phương vùng rốn lũ Tứ giác Long Xuyên phát triển rất mạnh nghề nuôi cá lóc khi lũ về. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Thuận cho biết: Thời gian gần đây, nghề này mai một dần, mùa lũ năm nay chỉ còn vài ba hộ trong xã đầu tư nuôi cá. Nguyên nhân là do khoảng 10 năm gần đây, vùng Tứ giác Long Xuyên không có lũ, nông dân không còn tâm thế “sống chung với lũ” và nghề nuôi cá lóc chẳng còn hấp dẫn đối với họ do hiệu quả kinh tế thấp. Theo đó, giá cá giống, cá mồi và những khoản chi phí đầu tư khác tăng cao nhưng cá hàng hóa giá lại không tăng, thậm chí sụt giảm, thị trường tiêu thụ không ổn định. Giá bán hiện nay bình quân 30.000 đồng/kg cá lóc thương phẩm nhưng giá thành đầu tư sản xuất tương đương hoặc cao hơn nên nông dân sản xuất hòa vốn, lỗ công chăm sóc. Đó còn chưa kể người tiêu dùng không còn mặn mà với cá nuôi do chất lượng kém cá đồng tự nhiên nên giá cả giảm lại khó tiêu thụ.

Không đầu tư nuôi cá lóc trong mùa lũ, nông dân vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang) chuyển sang sản xuất lúa vụ 3, khai thác tận thu lúa chét tái sinh trên chân ruộng hè thu, trồng rau màu trên đê bao, khai thác đánh bắt tôm, cá tự nhiên, nuôi vịt chạy đồng...

Lê Huy Hải