03:10 08/03/2011

Nông dân sẽ được sử dụng nước sạch

Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh nông thôn với mục tiêu đến năm 2020, tất cả cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Từ năm 2000, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Quốc gia Nước sạch và Vệ sinh nông thôn với mục tiêu đến năm 2020, tất cả cư dân nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn quốc gia, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh...

Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn (MTQGNS&VSMTNT) được coi là “công cụ” để thực hiện chiến lược này. Đến nay, chương trình MTQGNS&VSMTNT đã hoàn thành giai đoạn 2 (2006 - 2010) với nhiều kết quả và thành tựu đáng khích lệ nhưng vẫn chưa được như mong muốn.

Đâu là nguyên nhân? Và liệu trong giai đoạn 3 (2011 - 2015), chương trình có đạt được chỉ tiêu đề ra? Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Đào Xuân Học (ảnh) Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Phó Ban Chủ nhiệm thường trực chương trình MTQGNS &VSMTNT về vấn đề này.

Xin Thứ trưởng đánh giá về kết quả thực hiện chương trình MTQGNS&VSMTNT giai đoạn 2 (2006 - 2010)?

Chương trình MTQGNS&VSMTNT giai đoạn 2 (2006 - 2010) đã đạt được những mục tiêu cơ bản. Về vấn đề nước hợp vệ sinh cho dân, đến hết năm 2010 đã đạt 83,5%/85% theo chỉ tiêu; những vấn đề nhà tiêu hợp vệ sinh, vấn đề môi trường thì cũng tiếp cận với chương trình mục tiêu đặt ra... Có thể nói nước sạch còn tương đối thấp so với mong muốn, hiện mới đạt 42%/50% chỉ tiêu theo Bộ Y tế đặt ra.

Khoảng 45% hộ chăn nuôi và hầu hết trang trại chăn nuôi tập trung chất thải đã được thu gom và xử lý, 32% số xã và thị trấn có tổ thu gom rác thải... Có thể nói, các vấn đề về nhà tiêu hợp vệ sinh, vệ sinh môi trường còn phải cố gắng rất nhiều. Điều này rất khó vì phụ thuộc rất nhiều vào ý thức cũng như nhận thức của người dân.

Xin Thứ trưởng cho biết tầm quan trọng của chương trình đối với người dân nông thôn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo cũng như phát triển nông thôn mới?

Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn là chương trình mục tiêu quốc gia rất quan trọng vì nó thiết thực với từng người dân ở nông thôn. Qua một thời gian thực hiện, con số đạt được mới xấp xỉ mục tiêu đề ra, nhưng quan trọng là ý thức người dân được nâng lên rất nhiều trong giai đoạn 2 (2006 - 2010), là tiền đề quan trọng để chương trình bước tiếp giai đoạn 3 để hoàn thành những chỉ tiêu mong muốn.

Hệ thống nước tự chảy được đưa vào sử dụng tại xã Đăk Rơ Va, TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum). Ảnh: Trần Lê Lâm – TTXVN


Trong giai đoạn 3 (2011 - 2015), ngoài việc củng cố duy trì hoạt động các công trình đã có, Chương trình sẽ tập trung thực hiện tốt các dự án hoạt động, đồng thời tiếp tục thực hiện để đạt các mục tiêu: 95% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 60% sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn QCVN 02 - BYT trở lên, với số lượng ít nhất là 60 lít/người/ngày.

75% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 65% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh, trong đó 30% chuồng trại được xử lý bằng hầm biogas. Các trường học mầm non, phổ thông, trạm y tế xã, chợ, trụ sở xã ở nông thôn đủ nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh và được quản lý, sử dụng tốt...

Những thách thức, tồn tại và bài học rút ra trong giai đoạn 2 để thực hiện thành công chương trình trong giai đoạn 3?

Có thể nói trong giai đoạn 2, khó khăn, tồn tại lớn là vấn đề quản lý sau đầu tư, vấn đề mà nhiều lần Ban chỉ đạo phải họp bàn. Tuy nhiên hiện nay, hệ thống tổ chức cũng như quản lý trong quá trình quy hoạch, quá trình xây dựng, quá trình quản lý sau đầu tư đã có tiến bộ rất nhiều so với trước đây, đã đi vào nề nếp và chắc chắn sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

Chúng tôi cũng nhận thấy, nếu không làm được vấn đề xã hội hóa tốt thì chương trình MTQGNS&VSMTNT giai đoạn 3 sẽ không đạt được mục tiêu như mong muốn. Một số mô hình và cơ chế quản lý khai thác công trình cấp nước tập trung chưa hiệu quả và thiếu bền vững. Phương thức hoạt động cơ bản vẫn mang tính phục vụ, chưa chuyển được sang phương thức dịch vụ, thị trường hàng hóa.

Việc lựa chọn mô hình quản lý ở nhiều nơi chưa phù hợp, còn tồn tại nhiều mô hình quản lý thiếu tính chuyên nghiệp, như mô hình UBND xã, cộng đồng, tổ hợp tác quản lý. Nhiều địa phương chưa ban hành quy chế quản lý vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung...

Vì vậy, giai đoạn 3 này sẽ tập trung cao độ vào vấn đề xã hội hóa, đẩy mạnh quản lý sau đầu tư cũng như các công nghệ cho hộ gia đình cá thể ở vùng sâu, vùng xa, nơi không có điều kiện làm nước tập trung và chú trọng vào vấn đề vệ sinh môi trường nông thôn, đặc biệt là nhà tiêu hợp vệ sinh.

Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Thu Hà (thực hiện)