03:00 10/03/2012

Nông dân Nghệ An được bảo hiểm trồng lúa vụ đông xuân 2012

Thực hiện đề án triển khai thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 của Chính phủ là nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn.

Thực hiện đề án triển khai thí điểm Bảo hiểm Nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 của Chính phủ là nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra, góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn.

Nông dân xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu (Nghệ An) thu hoạch lúa. Ảnh: Trần Cảnh Yên - TTXVN


Điều đó đồng nghĩa là bảo hiểm nông nghiệp được triển khai theo phương thức kinh doanh phi lợi nhuận và Bảo hiểm Bảo Việt là một trong hai doanh nghiệp duy nhất được Chính phủ lựa chọn để triển khai đề án.

Tới thời điểm này, Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt (Bảo hiểm Bảo Việt) đã và đang tiến hành cấp đơn bảo hiểm cho nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp qua các sản phẩm bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản.

Ngày 1/3/2012, tại Nghệ An, Công ty Bảo Việt Nghệ An - đơn vị thành viên thuộc Bảo hiểm Bảo Việt đã ký hợp đồng bảo hiểm cây lúa vụ đông xuân 2012 cho hơn 22.000 hộ nông dân trồng lúa thuộc 3 huyện Diễn Châu, Yên Thành và Quỳnh Lưu của Nghệ An. Tổng giá trị được bảo hiểm lên đến gần 160 tỷ đồng. Như vậy Nghệ An là tỉnh đầu tiên trên toàn quốc triển khai bảo hiểm cây lúa cho các hộ nông dân thuộc diện triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp của Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên, ông Phan Bá Trung - Giám đốc Công ty Bảo Việt Nghệ An cho biết, xác định được ý nghĩa của nhiệm vụ chính trị này, cán bộ của Công ty đã tranh thủ tối đa thời gian, ban ngày đi đến các xã/thôn, tối về văn phòng tính toán, xử lý dữ liệu. Bên cạnh việc tổ chức đào tạo, tập huấn triển khai bảo hiểm nông nghiệp cho đội ngũ cán bộ trong toàn Công ty, để giúp nông dân, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp và các cấp chính quyền thực sự hiểu chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia bảo hiểm nông nghiệp. Công ty cũng đã tổ chức 155 cuộc hội thảo, tập huấn từ cấp huyện, cụm xã, xã/hợp tác xã, thôn/xóm cho trên 14.000 người tham dự.

Tin tưởng vào sự thành công của đề án bảo hiểm nông nghiệp, ông Trung khẳng định: "Với sự ủng hộ tích cực của bà con nông dân, sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm của các ban ngành, các vụ sản xuất tới, mà trước mắt là vụ hè thu 2012, sẽ có nhiều hơn nữa số hộ trồng lúa được bảo hiểm, được hưởng lợi từ chương trình của Chính phủ. Sau thành công với bảo hiểm cây lúa, ngay trong tháng 3/2012, Bảo Việt Nghệ An cũng sẽ triển khai thí điểm Bảo hiểm vật nuôi".

Với tư cách của cơ quan chủ quản, trực tiếp chỉ đạo doanh nghiệp bảo hiểm triển khai đề án - Ông Phùng Ngọc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết: "Nhận được thông báo trao Giấy chứng nhận Bảo hiểm cây lúa tại Nghệ An, Bộ Tài chính rất vui mừng và đã tổ chức đoàn công tác kiểm tra, đánh giá triển khai bảo hiểm tại Nghệ An.

Thành công có được thể hiện tinh thần trách nhiệm cao của Ban chỉ đạo các cấp, UBND, các huyện, xã triển khai bảo hiểm nông nghiệp của tỉnh Nghệ An, cũng như Công ty Bảo Việt Nghệ An. Chúng tôi cho rằng thành công của Bảo Việt Nghệ An chính là ở tính quyết liệt, chủ động, sát sao và sáng tạo. Quy tắc Bảo hiểm được ban hành vào thời điểm sát Tết cổ truyền và vụ đông xuân đã cận kề, tâm lý của bà con nông dân cũng không mấy tập trung, nếu không thực sự quyết liệt và có tinh thần trách nhiệm cao thì chắc chắn Bảo Việt Nghệ An chưa thể triển khai bảo hiểm sớm như vậy. Hơn nữa bộ quy tắc bảo hiểm được xây dựng để áp dụng chung cho cả 20 tỉnh thành, nhưng ở mỗi địa phương lại có những đặc thù khác biệt, Bảo Việt Nghệ An đã rất sát sao, sáng tạo khi linh hoạt áp dụng tại địa phương mình. Thành công của Bảo Việt Nghệ An có thể coi là kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác khi triển khai bảo hiểm nông nghiệp".

Ông Tạ Đình Hải – một nông dân thuộc diện cận nghèo của xã Diễn Lợi, huyện Diễn Châu - 1 trong 3 huyện thực hiện thí điểm bảo hiểm cây lúa lần này - bày tỏ sự phấn khởi của gia đình trước sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Khi nhận được Giấy chứng nhận bảo hiểm, gia đình ông thấy an tâm hơn trong quá trình chăm lo sản xuất, đặc biệt sắp tới khi vào vụ hè thu. Ông hy vọng sẽ nhận được sự ưu đãi, quan tâm hơn nữa của Chính phủ cũng như mong đợi những điều chỉnh phù hợp hơn nữa với tình hình thực tế sản xuất từng vùng hiện nay. Ông cũng bày tỏ sẵn sàng hưởng ứng tham gia bảo hiểm vật nuôi.

Có thể nói những thành công trong triển khai thí điểm bảo hiểm nông nghiệp tại Nghệ An sẽ là tiền đề cho những thành công sắp tới của Bảo hiểm nông nghiệp khi triển khai trên diện rộng. Nghệ An là tỉnh duy nhất đăng kí bảo hiểm trên cả 2 lĩnh vực: Cây lúa và vật nuôi, và được đánh giá là tỉnh đi tiên phong trong việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp, chăm lo quyền lợi của người dân. Trong đó những nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của Công ty Bảo Việt Nghệ An là rất đáng ghi nhận và biểu dương. Bảo Việt Nghệ An cho biết, thời gian tới Công ty sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm trong việc triển khai, kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các biểu mẫu, phần mềm, cơ chế chính sách, thù lao... để đáp ứng tốt hơn quyền lợi cho các hộ nông dân.

Đến nay, hầu hết 20 tỉnh thực hiện thí điểm BHNN đã được cấp đơn BH. Sau Nghệ An, sắp tới Sóc Trăng sẽ bắt đầu triển khai việc thực hiện.

PV