09:23 04/09/2012

Nông dân miền Bắc chật vật vì giá lúa thấp

Chưa kịp mừng sau sau vụ đông xuân được mùa, nông dân nhiều tỉnh phía Bắc đã rầu rĩ vì giá lúa quá thấp. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo lâu nay mới chỉ cải thiện được giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, còn đầu ra cho hạt gạo miền Bắc đang rất gian nan.

Chưa kịp mừng sau sau vụ đông xuân được mùa, nông dân nhiều tỉnh phía Bắc đã rầu rĩ vì giá lúa quá thấp. Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thu mua tạm trữ gạo lâu nay mới chỉ cải thiện được giá lúa tại đồng bằng sông Cửu Long, còn đầu ra cho hạt gạo miền Bắc đang rất gian nan.

 

Bài 1: Giá đì đẹt, tiêu thụ nhỏ giọt

 

So với vụ đông xuân năm 2011 thì tại nhiều địa phương, năng suất vụ đông xuân năm nay cao hơn. Tuy nhiên, giá lúa quá thấp khiến người trồng lúa ngán ngẩm.

 

Dao động quanh mốc 6.000 đồng/kg


Trong vụ xuân vừa qua, toàn xã Thụy Dũng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình gieo trồng 286 ha lúa. Ông Trần Đăng Thuật, Chủ nhiệm hợp tác xã Thụy Dũng cho biết, trong đó, các giống lúa chất lượng cao là 72 ha (chiếm 25% tổng diện tích gieo cấy).


 

Nông dân huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) thu hoạch lúa.

 

“Vụ xuân thu hoạch xong từ tháng 6, bà con địa phương rất phấn khởi vì năng suất bình quân vụ tăng hơn năm ngoái”, ông Thuật cho biết. Cụ thể, năng suất bình quân là 70 tạ lúa/ha (tăng 1 tạ/ha so với năm trước). “Mặc dù năng suất tăng như vậy nhưng giá lúa năm nay lại thấp khiến bà con rất chán”, ông chủ nhiệm hợp tác xã buồn rầu. Bà con đang phải bán lúa dưới 6.500 đồng/kg. Lúa chất lượng cao bán “được giá” nhất cũng chỉ có giá 6.500 đồng/kg.


Giá lúa tại xã Thụy Dũng đã phản ánh thực tế tiêu thụ lúa tại tỉnh này. Theo ông Trần Xuân Định, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Thái Bình, năm nay giá nông sản thấp là tình hình chung trong cả nước, không riêng gì Thái Bình. “Chính sách tạm trữ áp dụng trong miền Nam đã có tác động tới giá trong nước nhưng không rõ nét. Hiện giá lúa của tỉnh đang nhích dần lên nhưng không thể bằng những năm trước. Hiện nay, giá chung toàn tỉnh dao động xung quanh mốc 6.000 đồng/kg”, ông Định cho biết.


Được mùa nhưng giá thấp là chuyện không chỉ của riêng Thái Bình. Sở NN&PTNT Nam Định cũng thông tin, vụ đông xuân vừa rồi gieo trồng trên 77.000 ha. Năng suất bình quân tương đương với vụ đông xuân năm 2011. Tuy nhiên, giá lại thấp. Hiện tại, công ty lương thực đang thu mua trên địa bàn với giá từ 5.500 - 5.800 đồng/kg với lúa chất lượng trung bình và giá 7.200 đồng/kg với lúa chất lượng cao Bắc thơm 7, đây là mức đã tăng hơn khoảng 600 đồng/kg so với thời điểm sau thu hoạch.


Còn với Ninh Bình, vụ đông xuân vừa qua cả tỉnh gieo trồng 41.000 ha lúa. Hiện nay, giá lúa thương phẩm đang bán tại tỉnh dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Cụ thể, với giống nếp, khang dân và lúa lai Trung Quốc có giá 5.000 đồng/kg; riêng giống lúa chất lượng cao khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg nhưng lúa này chỉ chiếm 16.000 ha.


Tại Thanh Hóa, giá lúa có phẩm cấp trung bình là 4.000 đồng/kg, còn giá lúa chất lượng cao cũng chỉ bán được 6.000 đồng/kg, trong khi năm ngoái giá bình quân cũng bán được 7.000 - 8.000 đồng/kg. Lúa chất lượng cao có giá 6.000 đồng/kg nhưng chỉ chiếm 20% diện tích gieo cấy của toàn tỉnh, trong khi lúa đại trà và chất lượng trung bình thì chiếm tới 80% diện tích. Một cán bộ phòng Trồng trọt của Sở NN&PTNT Thanh Hóa nhận định, tỉnh đang sản xuất vụ mùa với diện tích 134.000 ha, ước tính năng suất sẽ đạt khoảng 52 tạ/ha nhưng “cứ đà này, giá lúa trên địa bàn trong thời điểm tới cũng khó mà khởi sắc”.

 

Lợi nhuận trồng lúa thấp dần


Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Thụy Dũng, trong khi năm ngoái, người dân không có mà bán. Đội quân “hàng xáo” về mua rất đông, để chuyển đi tiêu thụ ở các tỉnh khác, hoặc bán cho các chủ vựa gom để xuất khẩu. Nhưng từ đầu năm đến nay, việc tiêu thụ chỉ nhỏ giọt. Đội “hàng xáo” về mua lác đác, mỗi lần chỉ mua từng ít một.


Là một vùng thuần nông, người dân xã Thụy Dũng sinh sống chủ yếu dựa vào trồng lúa. Nguồn thu do nghề nông mang lại vừa thấp lại có phần không ổn định, năm nay đời sống người dân và việc sản xuất lại càng chật vật hơn. Gia đình ông Trần Đăng Thuật gieo trồng một mẫu ruộng. Tổng chi phí cho một mẫu ruộng là 3 triệu đồng/vụ. Giá thuê máy làm đất là 120.000 đồng/sào, thuê gặt là 150.000 đồng/sào, công cấy thuê mất 15.000 đồng/sào, đó là chưa kể tiền mua thuốc trừ sâu, trừ cỏ...


“Thu nhập thấp ảnh hưởng đến thu nhập của bà con. Bây giờ, chuẩn bị sản xuất vụ mới, giá phân bón cao. Địa phương đang gieo trồng vụ mùa và sẽ thu hoạch trong tháng 11 tới nhưng với tình hình tiêu thụ này, chắc chắn giá lúa sẽ khó mà khá khẩm hơn. Năm ngoái, đợt Tết chúng tôi còn bán được với giá giống BC15 là 11.000 đồng/kg, nhưng năm nay nghe chừng rất khó”, ông Thuật thở dài.


“Năm ngoái giá khá hơn thì chúng tôi còn được lãi khoảng 400.000 đồng/sào, thấp, nhưng dù sao còn đỡ hơn năm nay. Với giá lúa bán tại thời điểm này, mỗi sào ruộng chỉ lãi được 200.000 đồng. Trong khi một vụ lúa kéo dài 6 tháng”, vị chủ nhiệm hợp tác xã chép miệng thở dài.


Còn theo một chuyên viên Sở NN&PTNT Ninh Bình, trong khi bây giờ mọi thứ như giá tiền công lao động, phân bón đều tăng cao mà giá bán chỉ giữ mức như năm ngoái, thấp hơn những năm trước đó thì mức lãi của bà con nông dân ngày càng ít đi. Một số nơi có nghề phụ thì còn đỡ khó khăn, còn với bà con nông dân lâu nay chỉ trông chờ vào cây lúa thì cuộc sống ngày càng chật vật.


Tình trạng giá gạo miền Bắc thấp cũng là thực tế chung trên thị trường tiêu thụ gạo trong nước thời gian qua. Theo đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong thời gian qua, tình trạng giá lúa gạo trong nước sụt giảm là do lượng tồn kho nhiều và chuẩn bị thu hoạch rộ lúa hè thu ở đồng bằng sông Cửu Long. Hiện nay, còn ít nhất 1,6 triệu tấn gạo cần xuất khẩu từ nay đến cuối năm.

 

Mạnh Minh

 

Bài 2: Liên kết sản xuất gỡ khó tiêu thụ