02:19 04/02/2015

Nông dân lao đao vì sữa ế - Bài cuối

Theo các công ty sữa, đa phần lượng sữa dôi dư, vượt quá định mức thu mua của doanh nghiệp đến từ số các hộ nuôi bò sữa tự phát, không ký kết hợp đồng thu mua với bất kỳ doanh nghiệp nào.

LIÊN KẾT BỀN VỮNG GIỮA DOANH NGHIỆP VÀ NÔNG DÂN

Theo các chuyên gia, để phát triển chăn nuôi bò sữa, người nông dân và các công ty thu mua, sản xuất sữa phải có mối liên kết chặt chẽ thông qua các hợp đồng kinh tế. Như vậy đảm bảo quyền lợi lâu dài cho cả người chăn nuôi và nhà máy sữa.

Thực hiện đúng theo hợp đồng

Theo các công ty sữa, đa phần lượng sữa dôi dư, vượt quá định mức thu mua của doanh nghiệp đến từ số các hộ nuôi bò sữa tự phát, không ký kết hợp đồng thu mua với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Ông Ngô Minh Hải, Tổng giám đốc Dalat Milk cho biết, đơn vị quy định chỉ thu mua 16kg/con/ngày là căn cứ vào sản lượng sữa trung bình của đàn bò được nuôi theo quy mô nông hộ cũng như tình hình thực tế tại địa phương. Đồng thời cũng để tránh tình trạng người chăn nuôi chưa ký hợp đồng với Công ty nhưng vẫn gửi sữa cho những hộ đã ký hợp đồng bán giùm gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Cùng quan điểm này, bà Nguyễn Thị Mai, Trưởng phòng Nguyên liệu Công ty sữa Quốc tế (IDP) cho biết, công ty gặp khó khăn trong việc thu mua vì số lượng sữa quá nhiều. Chính quyền địa phương cần vào cuộc, thống kê toàn bộ đàn bò, từng hộ. Không để tình trạng bán lẫn lộn cho các công ty sữa. Công ty sẽ ký hợp đồng trực tiếp các hộ để có sự ràng buộc, thực hiện theo cam kết.

Khu chăn nuôi bò sữa công nghệ cao Israel. Ảnh: Mạnh Linh-TTXVN


Theo ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu (Công ty sữa Việt Nam - Vinamilk), để xây dựng lòng tin, từ những năm 1990, công ty đã cam kết thu mua từng lít sữa cho từng bà con nông dân, mối liên kết bền vững này kéo dài tới tận bây giờ. Có những lúc, giá sữa lên, sữa xuống nhưng mối quan hệ đó vẫn luôn bền vững. Đó chính là nền tảng để việc chăn nuôi bò sữa ở TP Hồ Chí Minh phát triển như hiện nay.

 “Hiện nay, những người dân bán sữa cho Vinamilk rất yên tâm. Vì nếu tuân thủ những điều kiện kỹ thuật của công ty, thì sữa của họ sẽ được công ty thu mua hết. Chính sách này sẽ không bao giờ thay đổi. Người dân cũng phải giữ chữ tín không bán ra ngoài”, ông Long cho biết.

Ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phù Đổng (Gia Lâm) xác nhận: “Người bán sữa cho Vinamilk yên tâm, vì nếu đảm bảo yêu cầu kỹ thuật sẽ được công ty bao tiêu sản phẩm. Tuy nhiên, số lượng Vinamilk thu mua có hạn, nên nhiều hộ không thể ký hợp đồng với Vinamilk. Nhất là các hộ dân phát triển tự phát”.

Theo ông Nguyễn Tuấn Dũng, Phó Tổng giám đốc Công ty IDP, là công ty cũng cam kết hỗ trợ nông dân nuôi bò sữa nhưng “lòng tin” phải thể hiện trên hợp đồng. Thực hiện theo hợp đồng để tránh trường hợp phát triển tự phát, gây khó khăn cho công ty trong việc thu mua sữa.

Cũng theo các công ty sữa, trong giai đoạn sắp tới, cạnh tranh trong nông nghiệp sẽ rất khốc liệt khi Việt Nam gia nhập TPP, các hiệp định thương mại... Vì vậy, ngoài cam kết, nông dân phải sản xuất được các sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm thì mới tồn tại và phát triển được.

Xây dựng trang trại lớn

Theo các chuyên gia, việc các công ty lớn mua sữa bột về cạnh tranh với sữa tươi của bà con vẫn có thể xảy ra trong thời gian tới, vì giá sữa tươi của Việt Nam vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Đã đến lúc chúng ta không nên khuyến khích việc tự phát nuôi nông hộ mà cần chuyển hướng đầu tư nuôi theo hướng trang trại quy mô lớn nhằm hạ giá thành. Ngoài ra, cần có những giải pháp hỗ trợ nông dân cải tạo đàn bò, từ giống đến thức ăn... góp phần giảm chi phí.

Ông Vương Ngọc Long, Trưởng ban Phát triển vùng nguyên liệu của Vinamilk, cho biết, Vinamilk cũng đang triển khai chương trình hỗ trợ các công ty, trang trại lớn chăn nuôi bò sữa để trở thành đối tác của Vinamilk. Vinamilk cam kết cung cấp con giống, bao tiêu sản phẩm, đầu tạo đội ngũ nhân viên.

Theo ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, trong giai đoạn 2016 - 2020, cần ứng dụng khoa học vào sản xuất, chế biến, đặc biệt là khâu giống. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ bằng ngân sách để giải quyết vấn đề giống, nhập về bản địa hóa; hỗ trợ về phát triển thương hiệu, ví dụ nhãn hiệu sữa quốc tế Ba Vì, từ đó phát triển lên. Hiện nay, ở lĩnh vực khoa học công nghệ, với những dự án để nâng cao năng suất chất lượng được thì được vay với lãi suất từ 0 - 5%. Nông dân, các doanh nghiệp có thể tham khảo nguồn này.

Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng đã có văn bản đề nghị các công ty thu mua và chế biến sữa tươi chia sẻ với người chăn nuôi về những khó khăn hiện tại, thực hiện tốt thỏa thuận giữa công ty với người chăn nuôi. Bên cạnh đó, chỉ đạo các hệ thống, điểm thu mua thuộc công ty quản lý từ thủ tục, quy trình, lấy mẫu kiểm tra để tạo điều kiện thu mua hết lượng sữa tươi sản xuất ra hàng ngày.


Hữu Vinh - Lê Nghĩa