02:22 03/02/2015

Nông dân lao đao vì sữa ế - Bài 2

Giá sữa bột nhập khẩu giảm mạnh, nếu pha chế thành sữa nước thì 1 lít sữa hoàn nguyên có giá thấp hơn nhiều sữa tươi mua của nông dân. Vì vậy, doanh nghiệp nhập sữa bột về hoàn nguyên để làm sữa chua, sữa tiệt trùng nhằm thu lãi cao hơn.

Giá sữa bột nhập khẩu giảm mạnh, nếu pha chế thành sữa nước thì 1 lít sữa hoàn nguyên có giá thấp hơn nhiều sữa tươi mua của nông dân. Vì vậy, doanh nghiệp nhập sữa bột về hoàn nguyên để làm sữa chua, sữa tiệt trùng nhằm thu lãi cao hơn.

Sữa tươi tiệt trùng được bày bán lẫn lộn trong siêu thị, người dân khó phân biệt. Ảnh: Huy Hùng - TTXVN


Nhập sữa bột vì giá rẻ

Ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội cho rằng, giá sữa bột nhập từ Australia, New Zealand, Ba Lan… giảm tới 52% trong năm qua. Tính ra 1 lít sữa hoàn nguyên có giá 6.000 - 9.000 đồng/lít. Trong khi đó, giá mua sữa tươi của nông dân từ 12.000 - 14.000 đồng/lít. Với chênh lệch như vậy, doanh nghiệp chế biến sữa nhập sữa bột về hoàn nguyên để làm sữa tiệt trùng có lãi hơn mua sữa tươi của nông dân. Do vậy, một số đơn vị không còn mặn mà thu mua sữa tươi nữa. Đây cũng là quan điểm của ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, sữa bột pha thành sữa nước tiệt trùng bị giảm đáng kể những vi chất quan trọng như canxi, photpho, axit amin, vitamin... Việc “nhập nhèm” giữa sữa bột pha thành sữa tiệt trùng và sữa tươi tiệt trùng sản xuất từ sữa tươi của nông dân, khiến người chăn nuôi và người tiêu dùng đang chịu nhiều thiệt hại. 

Vì lý do này, ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phù Đổng (Gia Lâm) khẳng định: “Cần làm rõ nguồn gốc của từng loại sữa để người dân biết sử dụng”.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn Nuôi Hà Nội cho biết thêm: Vài năm gần đây, chăn nuôi bò sữa phát triển ổn định, có lãi nên một số nơi phát triển chăn nuôi tự phát. Do vậy, một số khu vực, việc thu mua sữa gặp nhiều khó khăn, lượng sữa sản xuất ra không tiêu thụ được.

Theo ông Bùi Tuấn Khải, Chủ tịch Hội chăn nuôi Hà Nội, một số doanh nghiệp sữa đang dần tự tổ chức các trang trại nuôi bò với quy mô lớn hàng ngàn bò sữa để tự cung cấp sữa tươi cho doanh nghiệp như: TH True milk nuôi trên 10.000 bò sữa, Vinamilk có 4 trang trại với hàng vạn bò sữa, Hanoimilk có trạng trại nuôi vài trăm bò sữa… Đây cũng là lý do khiến các doanh nghiệp giảm nhập sữa tươi của nông dân.

Tăng cường quản lý

Để khuyến khích doanh nghiệp thu mua sữa cho người dân, ông Nguyễn Hữu Hòa, Chủ nhiệm Hợp tác xã Phù Đổng (Gia Lâm) hiến kế, ưu đãi thuế cho những công ty này, vì họ phải đầu tư nhiều hơn các công ty nhập sữa về pha bán ra thị trường.

Ông Hoàng cũng cho rằng cần quy định rõ nhãn mác sản phẩm để người tiêu dùng dễ nhận biết, đâu là sữa tươi tiệt trùng và đâu là sữa được sản xuất từ sữa bột và cân đối lượng sữa tươi trong nước và sữa bột nhập để người dân an tâm chăn nuôi bò sữa.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội đề nghị Nhà nước tăng cường các biện pháp quản lý nhãn hiệu sữa tươi và sữa hoàn nguyên, nhằm đưa các sản phẩm an toàn, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng đến người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ người dân tăng năng suất, giảm giá thành, bà Cao Thị Minh Xuân, Đại diện Chi Hội chăn nuôi xã Tản Lĩnh (Ba Vì, Hà Nội) cho rằng, cần có sự hỗ trợ người dân về khoa học kỹ thuật, con giống. Người nuôi bò sữa cũng rất khó khăn trong việc tiếp cận vốn. “Ngân hàng Nông nghiệp cho vay không quá 50 triệu đồng/hộ, phải thế chấp sổ đỏ. Trong khi đó, một con bò tốt có giá 85 – 90 triệu đồng”, bà Xuân cho biết.

Trước mắt, “Các công ty sữa cần tiếp tục thu mua và có định hướng cho chúng tôi trong việc phát triển đàn bò. Để người dân không phải đổ “mồ hôi, nước mắt” ra đường”, bà Xuân nói thêm.


Hữu Vinh - Lê Nghĩa

Bài cuối: Liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và nông dân