04:09 12/04/2012

Nông dân không tiếp tục áp dụng GAP chỉ là cá biệt

Bộ NN&PTNT vừa có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình trạng một số nông dân đang xin ra khỏi HTX sản xuất theo Thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Bộ khẳng định tình trạng trên là có thật nhưng chỉ là cá biệt và trên diện tích chưa nhiều.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về tình trạng một số nông dân thuộc Hợp tác xã (HTX) Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim (Tiền Giang) và HTX Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa (Vĩnh Long) đang xin ra khỏi HTX sản xuất theo Thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Bộ khẳng định tình trạng trên là có thật nhưng chỉ là cá biệt và trên diện tích chưa nhiều.

Theo Bộ NN & PTNT, hai HTX nêu trên là những đơn vị đầu tiên của nước ta được nhận chứng chỉ GlobalGAP do Hiệp hội bán lẻ châu Âu xây dựng, được áp dụng trên toàn cầu. Những năm đầu mới được chứng nhận GlobalGAP (năm 2008 và 2009), Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim và Bưởi Năm Roi Mỹ Hòa có thị trường xuất khẩu sang Mỹ, Hà Lan..., với giá bán có lợi cho nông dân. Nhưng từ năm 2011, khi thị trường giảm dần trong khi ở trong nước chưa có kênh tiêu thụ riêng, nên những sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP cũng bị thương lái thu mua với giá như sản phẩm không được chứng chận. Mặt khác, áp dụng GlobalGAP nông dân phải tuân thủ hơn 250 tiêu chí và trả chi phí chứng nhận khá cao (khoảng 3.000 – 5.000 USD/mô hình, tùy diện tích); đồng thời hiệu lực Giấy chứng nhận chỉ là 1 năm. Nếu muốn duy trì phải trả chi phí chứng nhận lại nên một số nông dân không muốn đầu tư tiếp khi đầu ra chưa ổn định.

Hiện nay trong lĩnh vực trồng trọt, ngoài VietGAP rau, quả, chè, lúa, cà phê do Bộ NN & PTNT ban hành, còn có các GAP khác do các tổ chức quốc tế quy định như: GlobalGAP, 4C (Bộ quy tắc chung cho cộng đồng cà phê); UTZ Certifiled (Quy trình giám sát nguồn gốc); Rainforest Alliance (chứng nhận liên minh rừng nhiệt đới)... Từ năm 2008 đến nay, cả nước có khoảng 70.000 ha sản xuất theo GAP hoặc theo hướng GAP, trong đó áp dụng GlobalGAP mới được khoảng 465 ha.
Theo đánh giá của Bộ NN & PTNT, những mô hình ứng dụng GAP thành công cho đến nay không phải ít và đều có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất và tiêu thụ, có vai trò của doanh nghiệp hoặc nhà nước hỗ trợ chứng nhận và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như sản xuất cà phê ở vùng Tây Nguyên, có gần 20.000 hộ với sản lượng khoảng 100.000 tấn cà phê nhân được chứng nhận UTZ Certifiled; 16.000 hộ với 90.000 tấn cà phê nhân được chứng nhận 4C. Toàn bộ sản phẩm được chứng nhận nêu trên đều được tiêu thụ với giá cao hơn; kinh phí chứng nhận do các công ty thu mua, tiêu thụ cà phê chi trả. Thanh long Bình Thuận đã có hơn 5.000/15.000 ha được chứng nhận VietGAP, trong đó có hơn 500 ha được công ty của Mỹ sang kiểm tra thực địa và ký hợp đồng mua. Kế hoạch đến năm 2015, toàn bộ 15.000 ha thanh long sẽ được chứng nhận VietGAP.

Định hướng của Bộ NN & PTNT trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh áp dụng GAP trong sản xuất, bởi trong Luật An toàn thực phẩm đã quy định phải thiết lập khuôn khổ pháp lý và tổ chức thực hiện lộ trình bắt buộc. Trước mắt, hướng áp dụng ở Việt Nam đối với các loại GAP như sau: GlobalGAP áp dụng đối với các sản phẩm đặc thù khi có hợp đồng bao tiêu chắc chắn, trong đó yêu cầu phải có chứng nhận GlobalGAP. Các loại GAP khác do các tổ chức quốc tế quy định như: 4C, UTZ Certifiled, Rainforest Alliance áp dụng cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực như chè, cà phê, ca cao, tiêu... thông qua các dự án đối tác công tư, các doanh nghiệp, tập đoàn lớn của quốc tế hỗ trợ nông dân tổ chức sản xuất, chứng nhận GAP và tiêu thụ sản phẩm.

Riêng đối với VietGAP theo tiêu chuẩn Việt Nam, trước mắt áp dụng đối với các sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước ở hai cấp độ: Mức độ tối thiểu (theo hướng VietGAP) ở dạng quy chuẩn kỹ thuật với một số chỉ tiêu chủ yếu nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, không bắt buộc phải thuê chứng nhận. Mức độ cao với đầy đủ chỉ tiêu của VietGAP, Bộ khuyến khích áp dụng, đồng thời sẽ nâng cấp VietGAP tương đương với các GAP khác để được thừa nhận trên thị trường quốc tế.

Với định hướng này, Bộ NN & PTNT và các địa phương sẽ hướng dẫn các cơ sở sản xuất, đặc biệt trong lĩnh vực rau, quả tự tổ chức lại sản xuất, thực hiện các quy chuẩn kỹ thuật theo hướng VietGAP nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn. Còn việc áp dụng GAP nào, khi nào cần thuê cấp Giấy chứng nhận GAP, quy mô chứng nhận bao nhiêu... thì phải căn cứ vào yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Hoàng Tùng