08:07 20/08/2014

Nơi tìm lại cuộc đời đánh mất

Để làm thay đổi suy nghĩ của những người đã sa chân vào ma túy là một việc rất khó, tuy nhiên, các cán bộ trong trung tâm đã tìm mọi cách, cố gắng hỗ trợ cho học viên.

Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu hiện quản lý 20 học viên, đa phần là đồng bào dân tộc thiểu số ở khu vực. Tại đây, chúng tôi đã gặp học viên Giàng Thị Sa, 40 tuổi, dân tộc Mông, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, khi chị đang chăn đàn lợn tăng gia của trung tâm.

 

Chị Giàng Thị Sa cho biết: "Tôi bị nghiện đã lâu và mới vào trung tâm tháng 4/2014. Tại đây, tôi được cán bộ dạy nhiều điều, được ăn uống đầy đủ, sinh hoạt đúng giờ giấc. Tôi sẽ cố gắng cai thật tốt để khi hết thời hạn ra xã hội trở thành người có ích".


 

Trung tâm đã tự túc được rau xanh do các học viên tự trồng.

Vào trung tâm muộn hơn chị Sa 1 tháng, nhưng học viên Nguyễn Duy Khánh, quê ở Sa Pa, tỉnh Lào Cai đã trở thành một tấm gương cho mọi học viên ở trung tâm noi theo. Khánh nghiện ma túy đã lâu nhưng bản thân không muốn trở thành người xấu trong mắt những người xung quanh nên đã quyết định sang Lai Châu để điều trị cai nghiện. Nguyễn Duy Khánh cho biết: "Môi trường tại đây rất trong sạch, thoáng mát. Cơ sở vật chất đầy đủ. Các thầy cô rất quan tâm đến học viên nên tôi rất yên tâm để điều trị ở trung tâm”.

 

Các học viên sinh hoạt chung.

Để làm thay đổi suy nghĩ của những người đã sa chân vào ma túy là một việc rất khó, tuy nhiên, các cán bộ trong trung tâm đã tìm mọi cách, cố gắng hỗ trợ cho học viên. Sau khi đã điều trị cắt cơn, các học viên trong trung tâm được học tập nội quy, tham gia các buổi tìm hiểu về pháp luật. Mỗi tuần, trung tâm đều tổ chức đánh giá bình xét, xếp loại cho từng học viên, qua đó tạo sự ganh đua và phấn đấu của mỗi người. Bên cạnh đó, trung tâm còn tích cực cho học viên tham gia lao động trị liệu thông qua những công việc nhẹ nhàng, phù hợp với thể trạng cơ thể. Hướng dẫn họ tích cực rèn luyện sức khỏe qua các môn thể thao như: Thể dục buổi sáng, bóng chuyền...


Bà Mai Thị Hoa, Giám đốc Trung tâm Chữa bệnh - Giáo dục và Lao động xã hội huyện Tam Đường chia sẻ: “Để tăng thêm nguồn thu, nâng cao bữa ăn cho các học viên, trung tâm đã hợp đồng với hợp tác xã chuyên làm gạch gần đó để học viên tham gia lao động. Đồng thời, trung tâm cũng chú trọng cải thiện chất lượng dinh dưỡng bằng cách xây dựng những mô hình vườn rau xanh và chăn nuôi. Hiện tại, trung tâm đã tự túc được 100% rau xanh cho học viên và cán bộ, nhờ vậy chất lượng bữa ăn đã được cải thiện rõ rệt”.

 

Bài và ảnh: Quang Duy