02:22 08/02/2015

Nỗi niềm thưởng Tết giáo viên - Bài 1

Không như các ngành nghề khác, ngành giáo dục không có thưởng Tết hay tháng lương thứ 13. Bởi vậy, ngay trong năm học, nhiều trường ở các thành phố đã phải cân đong, đo đếm nguồn thu - chi để cuối năm dư một khoản chi Tết.

NƠI CHỤC TRIỆU, CHỖ TRĂM NGHÌN
 
Tết đến, nếu nhà trường không có nguồn thu kết dư thì giáo viên cũng chẳng có thu nhập nào khác ngoài lương. Do đó, câu chuyện quà Tết nơi ít, nơi dư dả vẫn luôn là nỗi niềm của các giáo viên ở khắp mọi miền.

Rất nhiều giáo viên vùng cao không có tiền thưởng Tết. Ảnh: Quý Trung-TTXVN


 “Thắt lưng buộc bụng”

Càng gần tới Tết Nguyên đán, chuyện lo thưởng Tết cho giáo viên tại các trường học dường như lại càng “nóng” hơn. PGS.TS Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết: Năm nay, mức thưởng Tết của nhà trường tương đương với năm ngoái, với mỗi thầy cô là 1 triệu đồng. Để có được số tiền này, nhà trường đã phải cân đối thu - chi để góp một chút quà Tết “gọi là” đối với các thầy cô nhân dịp xuân về. Thực ra, số tiền này là tổng hợp từ tiền của Ban đại diện cha mẹ học sinh và tiền của trường. Còn trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, vẫn như mọi năm, mỗi giáo viên trong trường nhận được từ 300.000 - 500.000 đồng tiền quà Tết, kèm theo một bó hoa.

Một số lãnh đạo trường ở Hà Nội đều cho biết, số tiền Tết dành cho giáo viên trên địa bàn chỉ dao động từ vài trăm lên đến vài triệu chứ không có khoản thưởng “khủng” như các ngành khác. Tiền Tết phụ thuộc vào khả năng chi tiêu tài chính của mỗi trường; trong năm, trường nào tiết kiệm tốt, có thêm các khoản thu khác thì khoản thưởng Tết sẽ “nhỉnh” hơn và ngược lại.

Tại TP Hồ Chí Minh, bức tranh thưởng Tết cho giáo viên dường như đa dạng hơn. Thầy Trần Đức Vinh, Hiệu trưởng Trường THCS An Phú, quận 2, chia sẻ: “Năm nay, nhà trường cố gắng để ra một khoản nhỏ để chăm lo Tết cho giáo viên trong trường và đây được gọi là tiền thu nhập tăng thêm. Trường phải tiết kiệm các khoản chi tiêu như điện, nước, trang thiết bị, văn phòng phẩm… Như mọi năm, dự kiến năm nay mỗi giáo viên của trường sẽ được khoảng 12,5 triệu đồng từ khoản kết dư của nhà trường.

Không tiết lộ khoản chi thưởng Tết năm nay, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh ông Đặng Vũ Ngoạn cho biết: “Tiền thưởng Tết cho cán bộ giảng viên trong trường cũng được trích ra từ khoản như đầu tư cơ sở vật chất, điện, nước. Năm nay, mỗi giảng viên sẽ nhận được một tháng lương tùy theo số tháng đi làm trong năm của giảng viên. Bên cạnh đó, công đoàn của trường còn có những mức hỗ trợ riêng cho những giảng viên gặp khó khăn với  mức hỗ trợ từ 500.000 đồng đến vài triệu đồng tùy mỗi trường hợp”.

Và theo “bật mí” của một giảng viên của nhà trường cho biết, mức thưởng thấp nhất của một giảng viên cơ hữu từ 10 - 20 triệu đồng.

Thưởng... chuối, gạo nếp

Tại TP Hồ Chí Minh, trong khi nhiều trường thưởng Tết với mức cả chục triệu thì không ít giáo viên  ngậm ngùi với số tiền thưởng Tết khá thấp. Một giáo viên ở trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, cho biết: “Năm nay, nguồn kết dư của trường không nhiều và khoản thu thêm không có. Theo thông báo thì mỗi giáo viên, cán bộ công nhân viên chỉ được thưởng Tết khoảng 1 triệu đồng; với giáo viên mới vào trường thì tính theo tháng làm việc để tính tiền thưởng”.

Nhắc đến chuyện thưởng Tết, với nhiều giáo viên ở điểm trường Bản Ban, xã Mường Nhà, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên đều lắc đầu và rất bất ngờ khi được hỏi đến khoản tiền này. Cô giáo Lò Thị Hình, điểm trường Bản Ban cho biết: “Chúng em không có thưởng Tết đâu. À, mà có anh ạ, thưởng Tết của chúng em là chuối và gạo nếp, rau rừng của phụ huynh, không lấy thì họ không ưng cái bụng. Tết năm nào em về cũng có một bao quà như thế chở ở sau xe máy đấy”.

Còn cô Nguyễn D. T. T,  giáo viên ở tỉnh Phú Yên ngậm ngùi nói: “Nghe các ngành nghề khác thưởng Tết mà mình cảm thấy tủi thân. Năm nào cũng vậy, mỗi giáo viên của trường chỉ được khoảng 300.000 - 600.000 đồng. Với số tiền ít ỏi đó thì làm sao đủ chi dùng trong những ngày Tết. Nhà trường cũng hỗ trợ giáo viên bằng cách trả trước tiền lương 2 tháng liền nhưng nếu chi tiêu hết số tiền đó thì tháng sau không biết sẽ lấy tiền đâu mà chi tiêu”.

Còn cô Bùi Thị Nhung, giáo viên cắm đảo Cam Ranh, Khánh Hòa tâm sự: “Bên cạnh phụ cấp vùng khó khăn, biển đảo, chúng tôi cũng không nhận được bất cứ khoản nào trong mỗi dịp Tết. Vì trong ngành đâu có quy định này nên với chúng tôi, thưởng Tết là chuyện rất lạ. Giáo viên buộc phải chắt bóp để lo liệu cuộc sống của mình”.


Nhóm phóng viên

Bài cuối: Cần quan tâm đến vùng khó khăn