06:10 26/06/2015

Nỗi khổ của “con nợ” Hy Lạp

Sau một thời gian dài không chịu cúi đầu trước yêu sách của bộ ba chủ nợ quốc tế (IMF, ECB và EU), chính phủ Hy Lạp đứng đầu là Thủ tướng Alexis Tsipras cuối cùng cũng phải nhượng bộ theo điều kiện của chủ nợ khi mà thời điểm trả nợ tiền tỷ cận kề.

Sau một thời gian dài không chịu cúi đầu trước yêu sách của bộ ba chủ nợ quốc tế (IMF, ECB và EU), chính phủ Hy Lạp đứng đầu là Thủ tướng Alexis Tsipras cuối cùng cũng phải nhượng bộ theo điều kiện của chủ nợ khi mà thời điểm trả nợ tiền tỷ cận kề. 

Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras và Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy Brey (từ trái qua) tại hội nghị ở Brussels ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN


Cuộc mặc cả giữa Hy Lạp và các chủ nợ cho thấy chính phủ nước này đang ở thế khó giữa hai luồng dư luận của cử tri trong nước, đồng thời cho thấy thân phận của một nước “thấp cổ bé họng” trong EU.Sau cuộc họp khẩn cấp ngày 22/6 giữa các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) bàn về tình hình Hy Lạp, các quan chức EU đã hoan nghênh đề xuất mới của Hy Lạp, trong đó chấp nhận cắt giảm lương hưu và tăng thuế giá trị gia tăng để đảm bảo yêu cầu về thu ngân sách.

Đối với các đối tác châu Âu, đây là diễn biến tích cực nhất kể từ khi đàm phán giữa các chủ nợ và Hy Lạp diễn ra cách đây 5 tháng. Chính phủ cánh tả của Thủ tướng Alexis Tsipras được đánh giá là đã thể hiện thái độ sẵn sàng hợp tác, nhượng bộ trong hai vấn đề lương hưu và thuế vốn gây tranh cãi nhất với chủ nợ. Theo ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, đề xuất tăng thuế, cắt giảm lương hưu là một bước tiến lớn, một đề xuất toàn diện nhất, có thể mở ra một lối thoát cho Hy Lạp.

Đối với Hy Lạp, nước này vẫn muốn giữ thể diện khi không thừa nhận đã vượt giới hạn đỏ của chính mình. Nhưng thực tế, các chủ nợ và cả bản thân chính phủ Hy Lạp cũng ngầm hiểu rằng Athens đã nhượng bộ khá nhiều. Trước đây, chính Thủ tướng Tsipras tuyên bố sẽ không chấp nhận “điều kiện nhục nhã” mà chủ nợ đưa ra như cắt giảm lương hưu. Chính phủ Hy Lạp hiểu rằng lương hưu đã trở thành “miếng bánh mỳ” quan trọng đối với nhiều hộ gia đình nước này - nơi đang xảy ra nghịch cảnh là người về hưu phải cáng đáng vai trò trụ cột tài chính trong khi con cháu thất nghiệp dài dài. Cần lưu ý là tỷ lệ thất nghiệp Hy Lạp hiện ở mức cao ngất ngưởng: 26%.

Vậy mà trong bối cảnh bị gây sức ép từ nhiều phía, từ chỗ cáo buộc chủ nợ đang tìm cách hạ nhục Hy Lạp, ông Tsipras đã phải chấp nhận giảm lương hưu, tăng thuế để có thêm khoản tiền 2,7 tỷ euro trong năm 2015. Trong đề xuất dài 11 trang trình các chủ nợ, Hy Lạp đã phải thừa nhận rằng hệ thống lương hưu cần được cải cách và cho biết sẽ tiết kiệm tiền bằng cách tăng khoản tiền mà người lao động phải đóng góp để sau này được hưởng lương hưu, nâng độ tuổi nghỉ hưu từ 62 lên 67, không cho chế độ hưu non. Mức lương hưu hiện nay vẫn được giữ nguyên. Nhìn bề ngoài thì có vẻ như ông Tsipras không chạm vào lợi ích của những người hưu trí hiện nay - một cơ sở để ông cho rằng mình không vượt giới hạn đỏ. Nhưng thực tế, chính phủ Hy Lạp đang “cấu” đi hàng tỷ euro từ quỹ lương hưu. Người nghỉ hưu sẽ buộc phải đóng góp thêm 135 triệu euro năm 2015. Ngoài ra, Hy Lạp cũng chấp nhận tăng thuế giá trị gia tăng để thu thêm 1,3 tỷ euro trong năm 2016.

Dù chấp nhận nhún mình trước điều kiện của chủ nợ nhưng đề xuất của Hy Lạp không chắc chắn 100% sẽ được gật đầu đồng ý. Các bộ trưởng tài chính nhóm Eurogroup của 19 nước sử dụng đồng euro sẽ họp tiếp để đánh giá xem đề xuất của Hy Lạp đã thực sự đáp ứng yêu cầu của họ hay chưa và kiểm tra liệu ngân sách của Hy Lạp có được bổ sung hay không. Nếu họ đồng ý thông qua đề xuất, các lãnh đạo châu Âu mới ký thỏa thuận cuối cùng trong hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels vào ngày 25/6. Hiện bộ ba chủ nợ vẫn cho rằng chính phủ của ông Tsipras đề xuất cắt giảm chưa đủ mức để đạt tỷ lệ thặng dư ngân sách 1% trong năm 2015, 2% trong năm 2016 và 3% trong năm 2017.

Trước khi chìa ra đề xuất được các chủ nợ hài lòng nhất, ông Tsipras và đảng Syriza của ông vẫn kiên quyết theo hướng phản đối thắt lưng buộc bụng - đường lối giúp đảng của ông giành được đa số phiếu của cử tri để lãnh đạo đất nước. Nhưng sau 5 tháng không khai thông được bế tắc đàm phán, chính phủ Hy Lạp ngày càng bị chủ nợ gây sức ép mạnh.

Không chỉ bị gây sức ép từ chủ nợ, cử tri Hy Lạp cũng dồn dập ép chính phủ từ hai phía. Một phía là những người ủng hộ Hy Lạp ở lại khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), kêu gọi chính phủ nhượng bộ để tránh khả năng bị vỡ nợ dẫn tới phải rời khỏi khu vực này. Nhiều cử tri gay gắt khi nói rằng chính phủ hiện nay không phải do mọi cử tri bầu ra nên họ không có quyền đẩy những người muốn ở lại Eurozone ra khỏi khu vực này. Trái lại, cử tri phản đối thắt lưng buộc bụng biểu tình đòi chính phủ giữ nguyên lập trường, không nghe theo điều kiện của chủ nợ.

Ở tình thế khó khăn đó, ông Tsipras và cả chính phủ Hy Lạp phải gồng mình lên để cân đối lợi ích các bên. Trong khi đó, cả đất nước Hy Lạp vẫn chờ đợi số phận của mình được mặc cả bởi các chủ nợ. Số phận đó chắc chắn không có lợi cho Hy Lạp nói chung, cụ thể là những người lao động bình thường, làm công ăn lương. Giới chuyên gia cảnh báo, nếu vỡ nợ thì tình hình ở Hy Lạp sẽ rất hỗn loạn, kinh tế bị tàn phá, đời sống của người dân đã khốn khó sẽ càng bi đát hơn. Nếu chủ nợ chìa tay giúp đỡ Hy Lạp, có nghĩa là nước này lại phải tiếp tục theo những chính sách thắt lưng buộc bụng đã cam kết - chính sách đã khiến chính phủ tiền nhiệm bị thất sủng. Điều này nhiều khả năng dẫn tới tình trạng bất ổn khi cử tri bầu cho đảng Syriza sẽ cảm thấy bị phản bội, quay ra chống lại chính phủ.

Trong thực tế, Hy Lạp lẽ ra có thể không cần vay thêm tiền nữa nếu tái cơ cấu nợ thành công. Nhưng khả năng đó giờ đã xa vời vì ngày trả nợ đã như con dao kề cổ, khiến nước này buộc phải “bấm bụng đi vay” để rồi bị chèn ép đủ phía.
Thùy Dương