04:09 20/04/2011

Nơi hoa tình nở

Nơi đâu là chốn tiếp xúc, gặp gỡ, có dịp gần gũi giữa nam giới và nữ giới, thì ở đấy thế nào cũng có hoa tình nở.

Nơi đâu là chốn tiếp xúc, gặp gỡ, có dịp gần gũi giữa nam giới và nữ giới, thì ở đấy thế nào cũng có hoa tình nở.


Bởi trước lạ sau quen. Ai là rơm, ai là lửa, trước sau sẽ biết. Biết cả người có tài lúc là lửa, khi là rơm.


Rõ là “trăm hoa đua nở”, đủ muôn hồng ngàn tía rộ ra từ chữ tình xòe hoa. Một khi thật đúng là hoa tình, thì loài hoa ấy, hoa nào cũng có gai. Mà khởi đầu bắt nguồn từ người con gái.


Có câu ca dao gai gai thế này: “Làm hoa cho người ta hái. Làm gái cho người ta trêu”.


Không chỉ trêu đâu, còn ghẹo nữa. Sự thể ấy là bất ngờ, ngoài ý muốn ban đầu của nữ giới.


Xuất hiện ở đâu, cô gái - người phụ nữ mang luôn cái tên gọi phụ ở nơi ấy. Ở chợ, là gái chợ. Làm nghề gì, việc gì, thêm cái tên nghề ấy, việc ấy. Tại cơ quan, nơi có văn phòng gọi vắn gọn là: Gái công sở. Nơi đâu mà chẳng có phụ nữ.


Có phụ nữ là có hoa tình. Hoa tình thầm, hoa tình chìm, hoa tình nổi, hoa tình xuôi, hoa tình ngược, hoa tình lành, hoa tình dữ, hoa tình êm, hoa tình ồn ào, nhốn nháo, cả hoa tình... độc ...


Riêng nơi công sở, ngoài hoa tình yêu, còn có hoa tình đồng nghiệp, tình đồng chí, tình bạn, tình người, tình đời đọng trong mối quan hệ xã hội mà bất cứ thành viên nào có mặt ở công sở không thể không biết và không suy nghĩ tới.


Đường tình nơi công sở được giăng mắc qua nhiều mối quan hệ giữa người và người (cấp trên, cấp dưới, ngang cấp, cùng bậc, quan hệ xã hội, riêng tư...) trong công sở ra, ngoài công sở vào... với nhiều nẻo, nhiều bến...


Cho dù tình yêu nơi công sở không có tiêu chí viết thành văn bản, song vẫn có chuẩn mực, giá trị con người nghiêm túc, nhân hậu cùng những gì nên tránh trong tâm thức của người có suy nghĩ và biết suy nghĩ.


Là cô gái, người phụ nữ có nhan sắc, đoan trang, đôn hậu, tài năng, thì “tự nhiên hương” được nhiều người khác giới quý mến, hâm mộ và cả thầm yêu trộm nhớ, muốn làm quen, kết bạn, ngưỡng mộ tới mức ngỏ lời yêu hoặc yêu đơn phương.


Tình huống ấy, người đẹp và người ngưỡng mộ cần phải biết tự cảnh báo mình để không nhầm lẫn, mất tỉnh táo. Người đẹp không bị trách cứ nếu không chủ động quyến rũ đối phương khác giới, nhất là khi mình đã là người có chồng.


Là nam giới, không được lả lơi tán tỉnh người phụ nữ đã lập gia đình. Không thể ngụy biện được rằng: “Lửa gần rơm lâu ngày cũng bén”.


Thành phần nữ giới làm việc ở công sở có một số đặc điểm được hình thành do quy chế tuyển dụng theo tiêu chuẩn, quy chế, tiêu chí tuyển dụng của Nhà nước và nơi tuyển dụng, có mấy loại:


Trong biên chế, ngoài biên chế Nhà nước, làm việc theo hợp đồng có thời hạn hoặc theo việc, là quốc doanh, tư doanh hay hợp doanh đối với ngành kinh tế, thương mại, tùy theo ngành nghề mà nhiều hơn hay ít hơn so với nam giới, có thể thấy:


- Đã được chọn lọc về phẩm chất và năng lực, lý lịch rõ ràng.


- So với mặt bằng nữ giới nói chung nổi trội hơn.


- Có điều kiện tự thân đảm bảo cho đời sống.


- Nhan sắc có phần nền nã, óng chuốt, dễ coi hơn - Một số đáng kể có dung nhan, tư chất, năng lực nổi bật.


- Là những cô gái - người phụ nữ thuộc nhiều thành phần xã hội khác nhau. Một số gốc rễ từ nông thôn, ở nhiều nơi đến. Phần đông đã thoát ly gia đình. Không phải tự nhiên mà không ít nam giới chọn nơi công sở tìm “nửa kia” của mình.


Tuy thế “gái công sở” cũng có người có nhược điểm hoặc tì vết do sơ hở của nơi chủ quản tuyển chọn hoặc tha hóa, biến chất trong quá trình sinh sống. Cho nên, việc tìm chồng - lấy vợ nơi công sở không thể vội vàng, cần phải có thời gian tìm hiểu, thử thách, tỉnh táo, chân thành như mọi cuộc tình chính đáng khác.


Mọi con người sống và làm việc nơi công sở, ai cũng là một thực thể riêng không như nhau, không giống nhau. Do có điều kiện tiếp xúc, giao lưu, gặp gỡ và gần gũi nhau khi làm việc, sinh hoạt tập thể, nỗi niềm riêng của từng người dù có e ấp cũng dễ tìm được người “tri kỷ” để tâm sự, giải tỏa.


Là sự thật, đúng như thật, có. Có khi chỉ là giả vờ, nói khác đi, nói dối, nói đùa. Chân tướng, dung mạo của nữ giới thường dễ bộc lộ vào những lúc “buôn dưa lê” hoặc thủ thỉ “gửi tín hiệu” cho người khác giới khi có nỗi lòng và ý định ở trong đầu.


Từng có người phụ nữ trẻ có con rồi vẫn nói là chưa chồng, bởi chán chồng nên đi tìm “bên B” mới hoặc để “xả nỗi lòng” tìm cảm giác lạ để tự an ủi. Nơi công sở nói chung là môi trường sống - làm việc nghiêm túc, lành mạnh. Công sở không phải là nơi rải hoa tình. Song, do sự giao lưu tình cảm tự nhiên mà tự nhiên tình yêu nảy sinh.


Là tình yêu chính đáng, thì nơi nào cũng ủng hộ và vun vào. Nhưng éo le thay, nơi công sở cũng bị tình giả, tình bất chính len vào khuấy động.


Là bởi có ai đấy đã buông thả, có tà tâm, ý định xấu, kiếm chác tình mê, tình lừa để thỏa mãn tình dục, tình tiền, tình danh lợi. Khiến cho người thật thà bị mắc bẫy, người trong trắng bị vấy bẩn. Từng có người vợ mất chồng khi chồng đi làm việc nơi công sở.


Ngược lại, có người chồng vất vả tìm nơi làm việc cho vợ tại chốn công sở, chẳng bao lâu vợ tri ân cho đôi sừng trên đầu. Có người còn lấy giá trị nơi công sở để lừa đảo tình yêu. Thấy ai vừa mắt thì yêu, bất kể người ấy có quan hệ như thế nào đối với mình, người thân, người có ân nghĩa, thậm chí còn chung huyết tộc, họ hàng.


Nơi đâu có tình ngang, tình trái, tình ngược, tình buông thả thì ở đấy có bi kịch, thảm họa tình yêu dành cho người trong cuộc, chẳng cứ gì nơi công sở. Và cũng không hoàn toàn do “gái công sở” gây ra.


Người thứ hai trong cuộc liệu có vô can? Ai cũng nghĩ: Nơi hoa tình nở là nơi gieo hạt và ươm cho tình yêu - hạnh phúc đời người. Nếu không được, không phải như thế thì nên tự hỏi: Mình đã đến với tình yêu như thế nào?


Theo TGPN